Tiếp tục chương trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 4, chiều 28/8, các ĐBQH thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết: Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước (mục 2 Chương IV), có ý kiến cho rằng việc cấp nước cho sinh hoạt cần quy định sát thực tiễn, ngoài những nhà máy nước tập trung thì vẫn phải kết hợp với những trạm cấp nước quy mô nhỏ để đảm bảo phù hợp điều kiện ở nông thôn.
Bên cạnh đó, ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung một chương riêng quy định về sản xuất cung cấp và tiêu thụ nước sạch, nước sinh hoạt; bổ sung yêu cầu năng lực của đơn vị cấp nước, phân vùng cấp nước; thẩm quyền cấp nước, công trình cấp nước ở vùng giáp ranh đô thị và nông thôn hoặc khi nông thôn được đô thị hóa; chế tài xử lý vi phạm trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; quy định sử dụng, mua bán, hợp đồng mua bán nước sinh hoạt; ứng phó đối với các sự cố về nước, cấp nước…
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, nước cho sinh hoạt là sản phẩm thiết yếu của cuộc sống, đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng và cần quản lý nghiêm ngặt. Hiện nay, việc quản lý cấp nước sinh hoạt đang thực hiện theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP, ngày 11/7/2007 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và Nghị định số 124/2011/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117/2007/NĐ-CP.
Để hạn chế chồng chéo, trùng lặp trong quy định pháp luật về quản lý nước, Luật Tài nguyên nước chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến nguồn nước, còn các hoạt động khai thác, sử dụng nước được thực hiện theo pháp luật chuyên ngành; Luật Tài nguyên nước chỉ quy định một số nguyên tắc về yêu cầu quản lý và đảm bảo chất lượng, số lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt tại Điều 27, Điều 43 dự thảo Luật.
Còn các nội dung cụ thể liên quan đến khai thác, sử dụng, cấp nước cho sinh hoạt như đầu tư xây dựng công trình cấp nước, điều kiện, năng lực của đơn vị cung cấp nước, hợp đồng mua bán nước, phân vùng cấp nước, thẩm quyền cấp nước; bồi thường thiệt hại có liên quan đến khai thác, sử dụng và cung cấp nước cho sinh hoạt, ứng xử với sự cố về nước… sẽ được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện theo pháp luật chuyên ngành về cấp thoát nước. Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị "không bổ sung các nội dung này vào dự thảo Luật".
Đóng góp ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Hà Nội, cho rằng về Điều 22, cần bảo vệ nguồn nước ngầm để bảo vệ an ninh nguồn nước. Ngoài ra, việc bảo vệ, chống cạn kiệt nguồn nước mặt cũng cần được quan tâm hơn, đồng thời cũng cần chú ý đến công tác bảo vệ an toàn hồ đập, tăng khả năng chịu tải của hồ đập nhằm đảm bảo an toàn cho Nhân dân ở vùng lũ…
Điều 22 nên chi làm 2 phần. Một là, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, chống ô nhiễm nguồn nước. Hai là, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt chủ động, tích cực lưu giữ nguồn nước mặt như xây hồ đập, tích trữ nước mưa…
Ngoài ra, đại biểu này cũng đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần sửa đổi khoản 2 của dự thảo Luật theo hướng đảm bảo lưu thông dòng chảy, làm rõ việc tăng khả năng chịu tải của nguồn nước. Mặt khác, cần nhấn mạnh giá trị và việc đảm bảo hồ đập trong việc trữ nước, làm thủy điện, phòng chống lũ lụt, xả lũ; xây dựng nhiều vị trí tháo nước, xả lũ phân tán ở nhiều phía, nhiều vùng, nhiều tỉnh…
Còn tại Điều 44 về Khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, đề nghị xem xét, bổ sung việc thực hiện giám sát tự động liên tục chất lượng nguồn nước khai thác và kết nối truyền dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với cơ sở cấp nước sạch, cấp nước sinh hoạt tập trung.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn