Theo ĐB Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội), nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021 cho thấy, công tác điều hành đã có sự đổi mới, quyết liệt, tạo sự chuyển động cơ bản của cả hệ thống. Chính phủ đã có sự sâu sát, quan tâm, lắng nghe doanh nghiệp, người dân và các quyết sách đã quan tâm tới thực tiễn. Chính phủ cũng xử lý được nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn đời sống.
"Xã hội càng phát triển sẽ xuất hiện nhiều vấn đề mới chưa có tiền lệ. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã rất nhanh nhạy, từ việc tiếp cận, xử lý, đưa ra các giải pháp, kịp thời như các vấn đề liên quan đến phòng chống đại dịch Covid-19" - ông Hiểu nói.
ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cũng cho rằng, nhiệm kỳ 2016 - 2021 Chính phủ thể hiện sự năng động, lãnh đạo Chính phủ "lên rừng xuống biển", nhưng thành tựu là sự kế thừa, kết tinh của nhiều nhiệm kỳ trước cộng lại, ví dụ như kết quả về tái cơ cấu nền kinh tế. Theo ông, Chính phủ đã điều hành linh hoạt, năng động, giúp cho nền kinh tế có dư địa để vượt qua cú sốc đại dịch Covid-19, trở thành điểm sáng của khu vực, thế giới.
Tuy nhiên, theo ông, Chính phủ cần tập trung làm tốt hơn một số vấn đề như đầu tư nông nghiệp, nhất là nông nghiệp cao; quan tâm đến khu vực ĐBSCL; cổ phần hóa DNNN còn chậm; kinh tế tư nhân cần được kích thích phát triển mạnh hơn để nền kinh tế có nhiều hơn những "đại bàng".
"Đặc biệt, đổi mới giáo dục cần hiệu quả hơn. Giáo dục phải được đặc biệt quan tâm hơn để bảo đảm giáo dục những thế hệ học sinh phát triển toàn diện, có đạo đức tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển của quốc gia trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phải được chất vấn nhiều hơn trước Quốc hội" - ĐB Trần Hoàng Ngân nói.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cũng đồng tình khi cho rằng, báo cáo về giáo dục quá lạc quan, nếu tốt như vậy thì chúng ta đâu cần đổi mới căn bản, toàn diện. Trong khi giáo dục còn tồn tại quá nhiều vấn đề khiến cử tri bức xúc. Những tiêu cực của ngành giáo dục phải được chỉ rõ ra, có người chịu trách nhiệm.
"Giáo dục, y tế là những vấn đề thiết thân với cuộc sống con người, được xã hội rất quan tâm, nên báo cáo Chính phủ phải đề cập sâu sắc. Bởi đó là 2 nghề được xã hội gọi là thầy: thầy giáo, thầy thuốc. Lương của giáo viên, bác sĩ mới ra trường hiện nay quá thấp, không tương xứng với các nghề khác. Nghề cao quý, được xã hội tôn vinh nhưng lương không đủ sống thì họ không thể yên tâm cống hiến", ĐB Phong Lan nêu thực trạng.
Bên cạnh đó, ĐB Phong Lan đề nghị Chính phủ cần có báo cáo, đánh giá toàn diện với vấn đề ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến đời sống của người dân. "Chúng ta phải luôn tuyên truyền, chuẩn bị cho người dân về những khó khăn còn tiếp diễn, để người dân có ý thức thắt lưng buộc bụng cũng như ý thức phòng dịch. Đặc biệt, cũng không nên quá ca tụng thành tích phòng chống Covid-19", nữ đại biểu cho hay.
Đối với báo cáo của Quốc hội, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần đánh giá lại công tác làm luật, cần bảo đảm chất lượng xây dựng luật pháp được câng cao hơn, bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp thực tiễn, dễ hiểu, tránh chồng chéo. Chỉ như thế thì mới tạo yên tâm cho người dân, doanh nghiệp đầu tư làm ăn. ĐB cũng cho rằng, cần nâng cao chất lượng báo cáo giám sát của Quốc hội.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng đồng tình với ý kiến nâng cao chất lượng làm luật, phải là các chuyên gia soạn thảo, sau đó ngồi lại với các cơ quan chuyên môn của Chính phủ để thống nhất nội dung. Nhóm chuyên gia làm luật đó cần phải có thời gian để họ nghiên cứu, soạn thảo luật chất lượng.
"Vấn đề kiểm soát quyền lực cũng cần được thực hiện tốt hơn. Quốc hội cần thực thi quyền giám sát của mình một cách mạnh mẽ hơn, đưa các vấn đề "nóng" ra thảo luận tại Quốc hội. Nếu không có cơ chế hiệu quả thì sẽ ngày càng ít ĐBQH có dũng khí, dám nói, dám phản biện. Chúng ta cần có và thực thi tốt cơ chế kiểm soát quyền lực", ĐB Nghĩa quyết liệt.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) cũng thể hiện sự mong muốn nhiệm kỳ tới, chất lượng ĐBQH chuyên trách sẽ được nâng lên, có nhiều ĐB dám nói, dám phản biện, sát thực tiễn. "ĐBQH chuyên trách phải được đi thực tiễn nhiều để nắm bao quát các vấn đề chứ không chỉ dừng ở việc biết thực tiễn. ĐBQH phải thực sự là những người có tố chất", ĐB Quyết Tâm nêu.
Góp ý vào nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội, ĐB Thào Xuân Sùng (Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam) lưu ý công tác giám sát qua hoạt động của từng đại biểu chưa sâu sát, chưa nắm chắc tình hình mọi mặt của đất nước. "Trên cương vị công tác của mình, các đại biểu phải nắm chắc tình hình mỗi vùng của đất nước, của nơi mình ứng cử. Như vậy mới nâng cao hoạt động chất lượng của Quốc hội", ông Sùng nhấn mạnh.
Theo ông, Quốc hội bầu, phê chuẩn nhân sự các cơ quan Nhà nước nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đánh giá sâu về tác phong của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu có chức vụ cao. Ông cũng góp ý các đại biểu Quốc hội có chức vụ cao nên dành thời gian xuống với địa phương để nắm bắt tình hình và có sự động viên, chia sẻ cần thiết.
Còn theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, công tác giải trình các vấn đề còn hình thức, việc giám sát của đoàn và cá nhân đại biểu Quốc hội hiệu quả chưa cao, đặc biệt, một số đại biểu rất ngại đụng chạm đến vấn đề của địa phương. "Làm thế nào để giao chỉ tiêu giám sát cho đại biểu? Nếu Quốc hội khoá XV làm được, tôi cho rằng là vĩ đại", ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn