Bên cạnh những lợi ích to lớn về việc sử dụng mạng Internet, các trang mạng xã hội, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh, đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, bày tỏ lo ngại với những hệ luỵ từ sử dụng mạng xã hội để phổ biến, phát tán những thông tin xấu, độc, những thông tin dụ dỗ, lôi kéo mang tính chất kích động, bạo lực, chia rẽ đoàn kết dân tộc… ngày càng nhiều. Điều này ảnh hưởng đến tâm sinh lý và việc hình thành, phát triển nhân cách, lối sống tốt đẹp của con người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay.
Hiện nay trong hơn 30 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam thì có khoảng 87,5% đã và đang sử dụng các mạng xã hội nằm trong độ tuổi từ 15 đến 34 tuổi, chiếm khoảng 71% và thời lượng giới trẻ sử dụng mạng xã hội trung bình là 5h/ngày.
Đại biểu cho biết: Qua số liệu cho thấy giới trẻ đang dành khá nhiều thời gian cho mạng xã hội, đó cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng "nghiện mạng xã hội" ngày càng gia tăng, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, học tập và cuộc sống các em.
Theo thống kê, các mạng xã hội lớn được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng là các nền tảng như Youtube với tỷ lệ đến 92%, thứ hai là Facebook, tỷ lệ sử dụng là 91,7%, kế tiếp là Zalo, 76,5%, v.v. điều này cho thấy mức độ phổ biến của mạng xã hội rất rộng rãi.
Đặc biệt, hiện nay tình trạng vi phạm hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng các trang mạng, nhằm đăng tải các thông tin sai sự thật để trục lợi. Hay một số tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội dùng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Thậm chí có những trường hợp xuất phát từ mâu thuẫn, thách đố trên mạng xã hội dẫn đến hẹn nhau giải quyết ngoài đời thực. Đơn cử như vụ việc xảy ra của nhóm thanh niên tại một địa phương vào tháng 3 vừa qua đã làm một người tử vong, một người bị thương và nhiều người vướng vòng lao lý.
Theo đó, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh đề nghị các cơ quan quản lý cần thực hiện nghiêm túc và phối hợp với các ngành có liên quan quan tâm hơn nữa và có những định hướng, giải pháp tối ưu nhằm hạn chế những bất cấp trong quản lý, sử dụng mạng xã hội.
Đồng thời nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, phối hợp với nhà trường và gia đình trong công tác giáo dục: Định hướng cho các em để các em biết cách khai thác thông tin tích cực, kỹ năng sử dụng mạng xã hội, chọn lọc các thông tin hữu ích và tránh xa những tin độc hại, giáo dục cách ứng xử văn minh trên mạng, kiểm soát hành vi, lời nói khi sử dụng mạng xã hội, tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân nào và không vi phạm pháp luật khi tham gia mạng xã hội.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Hà, đoàn ĐBQH Bắc Ninh, cho biết: Thanh niên hiện nay được tiếp cận công nghệ rất sớm, số lượng người trẻ đông đảo sử dụng mạng xã hội. Thực tế hiện nay, việc lướt xem các video có nội dung xấu, độc thường xuyên thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý, dễ dẫn tới những hành vi không chuẩn mực của những thanh, thiếu niên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các vụ án thương tâm xảy ra gần đây do người trẻ gây ra vì những mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn tình, tiền.
Đáng báo động hơn là thực trạng nhiều người, trong đó có các bạn trẻ khi chứng kiến các vụ bạo lực học đường, tai nạn giao thông hay những vụ án mạng lại có thái độ vô cảm, thản nhiên phát livestream, quay clip đưa lên mạng, thay vì hỗ trợ hoặc báo cho các cơ quan chức năng đến ứng cứu.
Theo đó, địa biểu đề nghị cần có môi trường pháp lý chặt chẽ nhằm quản lý các nền tảng mạng xã hội để người dùng được tiếp cận với những sản phẩm phù hợp với lứa tuổi và văn hóa. Hạn chế và kiểm soát những video, những tài khoản đăng tải những nội dung xấu, độc, nghiêm trị những tổ chức, cá nhân có hành vi gây nguy hại cho cộng đồng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn