Tại tổ 10, gồm các đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Hà Giang, Thái Bình, các đại biểu đặc biệt quan tâm, thảo luận một số nội dung trong dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Phát biểu tại tổ, đại biểu Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung, rà soát lại các báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) để các đại biểu Quốc hội có thêm dữ liệu, căn cứ thực tiễn để thảo luận dự thảo Luật này.
Cùng với đó, đại biểu Hà Thị Nga đề nghị, dự thảo Luật sửa đổi, cần tính toán, phân cấp mạnh mẽ hơn cho công an các tỉnh, thành phố. Cụ thể, tại Điều 29 về Thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước quy định: "Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước". Theo đại biểu Hà Thị Nga, Ban soạn thảo nên cân nhắc, sửa đổi theo hướng phân cấp, tăng tính chịu trách nhiệm của Công an các địa phương trong nhiệm vụ cấp lại thẻ căn cước cho công dân.
Về cấp thẻ căn cước cho trẻ em, các đại biểu Tráng A Dương, ĐBQH Hà Giang; Nguyễn Văn Huy, ĐBQH Thái Bình, cùng cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm với việc cấp thẻ Căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi. Với mỗi căn cước có chi phí hơn 40 ngàng đồng, với số trẻ cần cấp sẽ tiêu tốn thêm kinh phí khoảng 900 tỷ đồng. Trong khi đó, đối tượng trẻ em chưa sử dụng nhiều đến căn cước. Khi em thực hiện các giao dịch, xác minh liên quan vẫn phải sử dụng giấy khai sinh hoặc có người giám hộ. Như vậy, việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi là chưa thật sự cần thiết.
Còn đại biểu Nguyễn Hải Anh, ĐBQH Đồng Tháp, cho biết có tham khảo nhiều nước có cấp căn cước cho trẻ em từ 14 tuổi nhưng không bắt buộc và cấp khi có đề nghị của cha mẹ. Mục đích cấp chủ yếu để phục vụ việc đi du học, du lịch và các giao dịch xác thực khác… là việc cần thiết.
Đồng quan điểm, cũng có đại biểu cho rằng "nên cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi", bởi thực hiện các giao dịch xác minh cho trẻ phải dùng giấy khai sinh thì bản thân tờ giấy khai sinh thiếu nhiều thông tin, việc bảo quản, mang theo không thuận lợi. Cấp căn cước cho trẻ không chỉ để quản lý mà còn bảo vệ trẻ. Bởi trên căn cước có dấu vân tay, có thể quét nhanh chóng xác minh trong một số trường hợp như trẻ lạc, tai nạn…
Vấn đề đặt ra là, trẻ ở độ tuổi 14 sẽ có thay đổi nhanh chóng về ngoại hình, hoặc có những thay đổi lưu trú. Vì vậy, thời gian cấp lại căn cước cần phải rút ngắn hơn để đảm bảo cập nhật thông tin cần thiết trên căn cước.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn ĐBQH Đồng Tháp, cho rằng, dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đã có báo cáo đánh giá tác động và có sự góp ý từ năm 2022. Đến nay, dự thảo luật có rất nhiều điều khoản mới, sửa đổi gần hết luật cũ. Như vậy, những đánh giá tác động trước đây cần được phải đánh giá lại, rà soát cụ thể các đối tượng chịu sự tác động của Luật Căn cước mới ra sao.
Bên cạnh đó, đại biểu Mai Hoa cũng cho rằng, hiện nay, mỗi công dân đang có quá nhiều giấy tờ để xác minh nhân thân. Từ lúc có chứng minh thư 9 số, rồi đổi thành chứng minh thư 10 số. Gần đây lại đổi thành căn cước công dân, rồi một lần nữa đổi thành căn cước công dân gắn chip. Thay đổi giấy tờ quá nhiều khiến mỗi công dân gặp phải những rắc rối không cần thiết liên quan thủ tục hành chính, xác minh giấy tờ của bản thân. Đồng thời, mỗi lần sửa đổi là lại phát sinh thêm chi phí, tiêu tốn nguồn lực của xã hội.
Một số đại biểu cũng băn khoăn, đọc dự thảo Luật mà không hình dung ra được căn cước sẽ có hình hài như thế nào. Qua tham khảo các nước đều có quy định trong luật định hình khá rõ về căn cước một cách cụ thể, như chiều dài - rộng, quốc huy, các loại thông tin, dữ liệu bắt buộc trên căn cước…
Đồng thời có đại biểu đề nghị có độ mở trong ghi thông tin giới tính trên căn cước. Theo một số đại biểu, sắp tới có thể có Luật Chuyển đổi giới tính. Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm thông tin, ngoài giới tính Nam/Nữ như thông thường hiện nay sẽ có thêm người chuyển giới, LGBT, thì cần cập nhật như thế nào, quy định trong bao lâu phải cập nhật thông tin này trên căn cước sau khi chuyển giới…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn