Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà tiếp xúc cử tri nữ theo chuyên đề tại Bắc Giang

22:25 | 30/09/2019;
Ngày 30/9, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đã tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lắng nghe cử tri là nữ giới tại Bắc Giang.

Sáng 30/9, tại Bắc Giang, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội nghị ĐBQH tỉnh Bắc Giang tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, về Một số vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Tham dự Hội nghị có ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang; ông Trần Văn Lâm, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang…

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (thứ 5 từ trái sang); ông Trần Văn Lâm, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang (thứ 3 từ phải sang) cùng các cử tri tại Bắc Giang

 

Tại Hội nghị, 15 cử tri đại diện cho hàng trăm phụ nữ tham dự đã nêu những vấn đề quan tâm liên quan đến nhiều mặt đời sống của người dân, đồng thời đề xuất tăng hỗ trợ hộ sản xuất, chăn nuôi bị dịch tả lợn châu Phi; đảm bảo an toàn thực phẩm; vệ sinh môi trường; xử lý tín dụng đen; tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa được hưởng chế độ thai sản… Các cử tri đặc biệt quan tâm đến tình trạng gia tăng bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em; việc thực hiện Luật Bình đẳng giới; quy định tuổi nghỉ hưu trong Bộ Luật Lao động... trên địa bàn và đề nghị xem xét giải quyết.

Liên quan đến thực hiện Luật Bình đẳng giới, cử tri Ngô Thị Hoa, Hội viên phụ nữ xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, cho biết, một số vấn đề liên quan đến bình đẳng giới chưa đảm bảo bình đẳng thực chất trên thực tế. Cụ thể: tại khoản 4, Điều 11, Luật Bình đẳng giới quy định "Nam nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức". Quy định này là bình đẳng giữa nam và nữ, tuy nhiên khi phân tích các điều kiện này trong tương quan giữa cán bộ, công chức, viên chức nam và nữ sẽ xuất hiện sự chênh lệch về số năm cơ hội thực hiện quyền của mỗi người theo hướng bất lợi nghiêng về nữ (thấp hơn 4 - 5 năm so với nam). Sự chênh lệch này bắt nguồn từ khoảng thời gian gián đoạn của phụ nữ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ, chênh lệch độ tuổi nghỉ hưu trong khi đó, mặt bằng độ tuổi được cử đi học, đi đào tạo là như nhau. Quy định trên đã phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến sự tiến bộ của phụ nữ trong thời gian qua, cũng như vị thế của phụ nữ trong thời gian tới đối với phụ nữ cả nước nói chung.

 

Cử tri Ngô Thị Hoa phát biểu

 

Còn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, tại khoản 4 Điều 14 Luật Bình đẳng giới quy định “Nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ”. Tuy nhiên, quy định này chưa được thực hiện trong cả nước trên thực tế.

Đánh giá về thực trạng trẻ em bị xâm hại, cử tri Đỗ Thị Thi, huyện Yên Dũng, cho biết, thời gian vừa qua, tình trạng trẻ em bị xâm hại trên địa bàn tỉnh Bắc Giang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, số vụ việc được đưa ra khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử rất ít. Có trường hợp tố cáo nhưng sau đó đại diện người bị hại tự thỏa thuận rồi rút đơn.

Cũng liên quan đến vấn đề này, cử tri Nguyễn Thị Thu, phường Thọ Xương, TP Bắc Giang, đề nghị đại biểu Quốc hội đề xuất cơ quan chức năng xây dựng và ban hành quy trình giải quyết các vụ án về xâm hại tình dục để đảm bảo tính chất xác định và củng cố chứng cứ vật chất của vụ việc. Trong đó quy định thời hạn cụ thể mà cơ quan điều tra bắt buộc phải ban hành quyết định trưng cầu giám định đối với nạn nhân bị xâm hại tình dục. Bởi nếu không quy định thời hạn cụ thể mà cơ quan điều tra bắt buộc phải ban hành quyết định trưng cầu giám định đối với nạn nhân, để quá 3 ngày sau khi nạn nhân bị xâm hại mới trưng cầu giám định thì nhiều khả năng việc củng cố chứng cứ vật chất của tội phạm sẽ không thực hiện được và cũng không khôi phục được nữa.

 

Ủy viên TƯ Đảng, ĐBQH, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà (thứ 2 từ trái sang) tại Hội nghị

 

Bên cạnh đó, nhiều cử tri cũng nêu thực trạng đối tượng xâm hại trẻ em gái là người thân, thậm chí là bố đẻ trên địa bàn tỉnh. Những trường hợp này, đa phần sống trong gia đình có mẹ đi xuất khẩu lao động hay đi làm ăn xa; bố mẹ ly thân, ly hôn...

Phát biểu tại Hội nghị, bà Lê Thị Thu Hồng cho biết, thời gian qua, Bắc Giang đã có nhiều chính sách, việc làm để thực hiện Luật Bình đẳng giới, nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ. Ví dụ, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang có 8 người thì có 5 thành viên nữ; Ban thường vụ Tỉnh ủy có 3 đồng chí là nữ. Tỷ lệ nữ cán bộ cấp huyện, xã cơ bản đạt chỉ tiêu đại hội. Tỉnh đã chỉ đạo cơ quan nào có trên 30% cán bộ, công nhân viên là nữ thì phải có lãnh đạo nữ.

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

Tại Hội nghị, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà đã tiếp thu và giải đáp những ý kiến của cử tri. Về Luật Bình đẳng giới, theo Chủ tịch Hội LHPN Nguyễn Thị Thu Hà, hiện còn có một số quy định của Luật này chưa được thực hiện trong thực tiễn như bình đẳng giữa nam và nữ trong đào tạo, bổ nhiệm, quy hoạch… Thực tế, tuổi nghỉ hưu của nam và nữ hiện chênh nhau 5 năm nên tuổi quy hoạch để bổ nhiệm của nữ cũng thấp hơn nam 5 năm. Sắp tới, khi tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh (nam lên 62, nữ là 60), sẽ tạo cơ hội cho phụ nữ trong bổ nhiệm, quy hoạch.

Về ý kiến đề xuất tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ thai sản, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, hiện Chính phủ đang giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu, thiết kế các gói bảo hiểm xã hội tự nguyện để tăng quyền lợi cho người tham gia.

Liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em, theo ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà, vẫn còn tình trạng thỏa thuận giữa các đối tượng xâm hại tình dục và gia đình bị hại, phía bị hại không trình báo với cơ quan chức năng dẫn đến đối tượng không bị xử lý nghiêm nên không mang tính răn đe như ý kiến cử tri phản ánh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, dẫn đến khó khăn trong xử lý. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đối với các tội liên quan đến xâm hại tình dục với người dưới 16 tuổi nếu bị phát hiện thì không cần yêu cầu của bị hại vẫn bị khởi tố. Do đó, dù gia đình bị hại không tố cáo hoặc tố cáo rồi sau đó rút đơn thì vẫn bị xử lý nếu có hành vi vi phạm… Ví dụ, vụ xâm hại trẻ em trong thang máy ở TPHCM, gia đình bị hại đã rút đơn tố cáo nhưng đối tượng vẫn bị xử lý. Do đó, chị em nên mạnh dạn tố cáo, đưa ra ánh sáng những đối tượng vi phạm.

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu giải đáp những kiến nghị của cử tri

 

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà cho biết thêm, vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã biểu quyết thông qua Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Việc ban hành Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật về các tội liên quan đến xâm hại tình dục.

Liên quan đến quy định thời hạn cụ thể mà cơ quan điều tra bắt buộc phải ban hành quyết định trưng cầu giám định đối với nạn nhân bị xâm hại tình dục, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng cho biết, bà tham gia Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, khi đi giám sát tại một số địa phương cũng nhận được phản ánh này nên thời gian tới sẽ đề xuất sửa đổi quy định trên trong Luật Giám định tư pháp.

“Hội LHPN Việt Nam mong muốn xây dựng, thí điểm triển khai mô hình 1 cửa giải quyết, xử lý các vụ xâm hại phụ nữ, trẻ em. Cụ thể, khi phụ nữ, trẻ em bị xâm hại thì chỉ cần đến 1 nơi nhưng được giám định tư pháp, được tư vấn thực hiện các thủ tục pháp lý để tố cáo đối tượng…”, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà nói.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cũng lo ngại trước thực trạng nhiều trẻ em bị người thân xâm hại, do mẹ đi làm ăn xa. Bà cho biết, đang chỉ đạo khảo sát những hệ lụy của xuất khẩu lao động đối với gia đình người trong cuộc. Theo Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà, trước mắt các cấp Hội cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân nói chung, phụ nữ và trẻ em nói riêng về cách phòng tránh bị xâm hại; phối hợp tạo việc làm tại chỗ cho phụ nữ để chị em có điều kiện ở bên gia đình, chăm lo cho con cái.

Một số ý kiến, kiến nghị khác của cử tri, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, sẽ tập hợp, tiếp thu để gửi đến các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật còn hạn chế, bất cập liên quan đến vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang, cho biết, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Vì thế, đời sống vật chất, tinh thần của đông đảo các tầng lớp cán bộ, hội viên phụ nữ ngày càng được nâng lên; phụ nữ có điều kiện và được tiếp cận nhiều cơ hội hơn trong học tập; tìm kiếm thông tin, việc làm; cải thiện thu nhập; chăm sóc sức khỏe; ngày càng có nhiều phụ nữ tự tin, tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt, tham gia các vị trí lãnh đạo quản lý; vị thế của phụ nữ ngày càng được khẳng định trong gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, tình trạng bạo lực gia đình, ly thân, ly hôn có xu hướng gia tăng, nhất là trong các gia đình trẻ. Đặc biệt, thời gian gần đây trẻ em, phụ nữ đang phải đối diện với nhiều nguy cơ mất an toàn như bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, rủi ro... Từ năm 2017 đến tháng 8/2019 trên địa bàn tỉnh có 173 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích (97 trẻ bị đuối nước, 30 trẻ em gái bị xâm hại tình dục); 170 phụ nữ là nạn nhân trong các vụ việc như bạo lực, xâm hại tình dục, đuối nước, bị lừa đảo, bị cướp, tự tử. Chỉ tính riêng 8 tháng năm 2019, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra 19 vụ việc, hậu quả làm cho 19 phụ nữ bị thiệt hại tính mạng, sức khỏe (6 phụ nữ bị bạo lực gia đình, 3 phụ nữ bị xâm hại tình dục, 3 phụ nữ bị đuối nước, 5 phụ nữ tự tử, 1 phụ nữ bị giết hại, 1 phụ nữ bị cướp của).

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn