Bộ trưởng Công Thương: "Có quy trình pháp lý bài bản để quản lý thủy điện"
Qua 3 ngày thảo luận kinh tế - xã hội, vấn đề thủy điện và nguyên nhân gây ra lũ lụt ở miền Trung được nhiều ĐBQH đặc biệt quan tâm. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có giải trình về vấn đề này.
Trước ý kiến đề nghị xử lý các công trình thủy điện nhỏ ảnh hưởng đến môi trường, gián tiếp gây lũ lụt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói: "Chúng ta có những quy trình pháp lý rất bài bản để quản lý". Theo ông, báo cáo về kinh tế kỹ thuật và báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ giúp các cấp có thẩm quyền đánh giá hiệu quả dự án và tác động tiêu cực. Đối với các dự án thủy điện thì đã có tiêu chí sử dụng đất; nếu vượt qua 10 ha đất/1MW hoặc lấy đất rừng tự nhiên sẽ không được xem xét.
"Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án rất quan trọng, giúp cấp có thẩm quyền thông qua dự án hay không. Vì vậy, các báo cáo này đều phải đăng công khai trên trang điện tử và mọi người có cơ sở để đánh giá", ông Trần Tuấn Anh nói.
Về các thủy điện nhỏ hết khấu hao, luật quy định chủ đầu tư chịu trách nhiệm tháo dỡ, báo cáo cấp có thẩm quyền. Tương tự, với điện mặt trời, các chủ đầu tư cũng phải xử lý rác thải từ các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi dự án hết thời hạn. "Trên thực tế chỉ 3% từ các tấm pin này chứa những chất có thể ảnh hưởng đến môi trường", ông Tuấn Anh nói.
Trước đó vào chiều qua 4/11, ĐB Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) tỏ ý lo ngại khi cho rằng, chúng ta mới bàn đến câu chuyện ngày hôm nay, nhưng giả dụ 40, 50 năm nữa khi đã hết khấu hao, khi đã không còn hiệu quả kinh tế thì tất cả các công trình xây ở nơi rừng sâu, núi thẳm này sẽ là một quả bom nổ chậm.
"Ngay bây giờ Bộ Công Thương, ngành tài nguyên và môi trường phải quan tâm đến, có chế tài để bảo đảm chúng ta có nguồn lực để giải quyết những vấn đề hậu họa như thế", Bộ trưởng nhấn manh.
Có hay không yếu tố lợi ích nhóm?
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) tỏ ra đồng tình với ĐB Dương Trung Quốc khi ví thủy điện vừa và nhỏ như "quả bom nổ chậm", và theo ông, nếu đúng là bom thì phải có giải pháp "tháo bom".
Cùng chung sự quan tâm, ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, phải xem xét vấn đề thủy điện ở tính lịch sử, bởi không thể phủ nhận chức năng trị thủy và phát điện của hệ thống thủy điện.
"Tuy là "dân ngoại đạo" nhưng tôi cũng thấy rằng cần xem xét vấn đề này một cách đầy đủ. Khi xây thủy điện Sông Đà thì mục tiêu ban đầu là trị thủy. Sông Đà hùng vĩ và hung dữ như vậy nhưng khi xây dựng thành công, điều tiết hợp lý, Hà Nội đã tránh được lũ lịch sử. Trị thủy và phát điện, đó là mặt tốt của thủy điện", ông Vân nói.
Mặt trái lớn nhất của thủy điện, theo ĐB Vân chính là sự lạm dụng trong việc xây dựng các nhà máy, lựa chọn địa điểm, xem xét quy phạm kỹ thuật. Các nhà chuyên môn phải nghĩ đến thủy cung, thủy lực, tổ chức dòng chảy tránh thiệt hại cho dân.
"Đáng tiếc là một số chủ nhà máy điện lạm dụng quy trình này để trục lợi thông qua phá rừng, lấy nguồn gỗ quý của rừng tự nhiên. Đó mới là điều đáng phải bàn. Đánh giá phải xem xét khách quan, nhiều chiều, phải thấy được rằng con người chính là chủ thể vi phạm pháp luật do lợi ích nhóm gây ra. Ta phải xử lý động cơ, mục đích của họ khi chọn địa điểm, lạm dụng quy trình thủ tục để trục lợi, không nên vì lũ lụt mà kết tội thủy điện" – ông cho hay.
Đồng tình với điều này, ĐB Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) tiếp tục bấm nút tranh luận khi cho rằng, phải nhìn thủy điện ở yếu tố lợi ích, nhất là lợi ích nhóm, để tránh tổn hại cho con cháu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn