Đại biểu ‘truy vấn’ dự án đường sắt Cát Linh ‘lỡ hẹn’ 7, 8 lần liền vẫn chưa vận hành

16:24 | 05/06/2019;
Mặc dù có một số câu hỏi chất vấn liên quan đến dự án vận hành thương mại đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) và được Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở thêm, song Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể chưa đưa ra được câu trả lời cụ thể về việc khi nào tuyến này mới vận hành và chỉ khẳng định "mong dự án sớm đi vào hoạt động".

Khó chấp nhận việc “lỡ hẹn” 7 – 8 lần

Sáng 5/6, nhiều đại biểu đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể về trách nhiệm của Bộ với các dự án đội vốn, chậm tiến độ gây bức xúc dư luận. Một số đại biểu đặc biệt quan tâm đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội).

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho biết, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT là chủ đầu tư và phê duyệt từ năm 2009 và dự án vốn ban đầu là 8.769 tỷ, dự kiến đưa vào vận hành là năm 2013 và điều chỉnh nâng năm 2016 lên 18 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa đưa vào vận hành thương mại được.

“Xin hỏi Bộ trưởng lý do gì mà đến nay qua chạy thử rồi, đã 99% phần thi công hoàn thành mà vẫn chưa đưa vào vận hành thương mại? Có xem xét đến trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đội vốn kéo dài dự án này không?” – Đại biểu Xuyền đặt câu hỏi.

xuyen.jpg
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) 

Cụ thể hơn, đại biểu Quách Thế Tản (Hoà Bình) hỏi rằng lúc nào thì dự án này sẽ đưa vào sử dụng và khai thác thương mại, trong khi đã “lỡ hẹn” 7 – 8 lần.

Với phần chất vấn của đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh), dù đã lắng nghe nhiều câu hỏi liên quan đến dự án này, song ông vẫn thấy nhiều vấn đề chưa được làm rõ.

Theo ông, báo cáo của Bộ là dự án đang hoàn thành các công việc còn lại để đưa vào khai thác thương mại trong năm 2019. Tuy nhiên, dự án có nguy cơ kéo dài do tổng thầu FPC triển khai thực hiện các công việc chưa theo đúng cam kết.

“Tôi thấy rất nhiều lần chậm tiến độ, điều này rất khó chấp nhận. Tại sao ta cứ phải phụ thuộc mãi vào tổng thầu như vậy? Cách xử lý ra sao? Thứ hai, báo cáo đã quy trách nhiệm, song nhiều năm qua đã có xử lý trách nhiệm cá nhân chưa, kể cả với tổng thầu nếu có vi phạm, hay chỉ xác định trách nhiệm xong rồi để đấy? Các thiếu sót tồn tại thì lại tiếp tục tồn tại, xin Bộ trưởng cho ý kiến” – ông truy vấn.

Ngay sau câu hỏi của đại biểu Minh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở: "Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm khai thác thương mại, trách nhiệm. Đề nghị Bộ trưởng chú ý".

catlinhhadong_zing_1.jpg
Dự án Cát Linh - Hà Đông "lỡ hẹn" vận hành 7, 8 lần, theo ĐBQH. Ảnh: Nguồn Zing.vn 

“Tôi rất mong muốn dự án sớm vận hành!”

Nói về vấn đề đội vốn dự án Cát Linh – Hà Đông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án tăng tổng mức từ 8.679 tỷ lên 18.001 tỷ. Nguyên nhân là do dự án này được phê duyệt năm 2009 và 2010, 2011, 2012 là những năm cả nước bị trượt giá, biến động lớn về ổn định kinh tế vĩ mô.

“Trượt giá chúng tôi thống kê khoảng 49%, thêm công nghệ. Trong quá trình chúng ta vận hành, triển khai phát sinh công tác giải phóng mặt bằng, các linh kiện. Tôi nghĩ con số này sắp tới các cơ quan như thanh tra, kiểm toán, thậm chí cơ quan điều tra của Bộ Công an sẽ vào cuộc để làm sáng tỏ các vấn đề phát sinh đúng sai. Nếu đơn vị nào làm sai, chủ quan thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” – ông Thể khẳng định.

the.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chưa đưa ra thời điểm chính xác đưa dự án Cát Linh - Hà Đông vào vận hành 

Tư lệnh ngành giao thông không đưa ra câu trả lời đi thẳng vào vấn đề của đại biểu nêu về việc lúc nào dự án mới đi vào vận hành, ông Thể chỉ trả lời khá chung chung rằng đang chỉ đạo Ban quản lý dự án đường sắt cố gắng cùng với các đơn vị có liên quan sớm vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Nói thêm về các công việc hiện tại, ông Thể cho biết hiện dự án đang vận hành thử không tải và đang phối kết hợp để điều chỉnh các số liệu, nghiệm thu và chứng nhận an toàn hệ thống. Khi có được chứng nhận này, tuyến này sẽ vận hành.

“Chúng tôi xin cam kết với đại biểu sẽ cố gắng tối đa, nếu chúng tôi không làm hết trách nhiệm thì Chính phủ, cơ quan chức năng liên quan xử lý theo quy định của pháp luật” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết.

Báo cáo gửi Quốc hội trước chương trình chất vấn, Bộ GTVT cho biết dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, riêng vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 90% khối lượng thiết bị.

Tuy nhiên, dự án có nguy cơ kéo dài do tổng thầu thực hiện công việc chưa đúng cam kết như chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, hồ sơ hoàn công công trình; chưa cung cấp một số tài liệu chứng minh an toàn, chúng nhận an toàn tích hợp để đăng kiểm và chứng nhận an toàn hệ thống; chưa hoàn thiện quy trình vận hành, bảo dưỡng…

Theo Bộ GTVT, năng lực và kinh nghiệm của chủ đầu tư đối với lĩnh vực đường sắt đô thị còn hạn chế. Các tư vấn tham gia dự án thiếu kinh nghiệm về hệ thống quản lý và quy trình thủ tục ở Việt Nam dẫn đến trong quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc. Cả chủ đầu tư và tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn