Đại dịch COVID-19 cùng với bất ổn chính trị và kinh tế trên toàn cầu đang làm trầm trọng thêm những thách thức mà phụ nữ phải đối mặt trong nỗ lực đòi quyền bình đẳng. Đây là cảnh báo của 3 nhà lãnh đạo nữ có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới đưa ra nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã có các bài phát biểu ấn tượng tại cuộc họp trực tuyến của Nghị viện châu Âu.
Tại cuộc họp, bà Kamala Harris - nữ phó tổng thống gốc Á đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ - cảnh báo đại dịch COVID-19 đang đe dọa sức khỏe và sự ổn định tài chính của phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới.
Không những vậy, phụ nữ chiếm 70% số nhân viên y tế trên toàn cầu, lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 có nguy cơ cao lây nhiễm. Tuy nhiên, bà cho rằng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những phụ nữ làm việc trong các ngành nghề ít được quan tâm hỗ trợ, đặc biệt là những công việc lương thấp và trong lĩnh vực phi kinh tế.
Áp lực càng đè nặng lên vai phụ nữ khi họ phải ở nhà chăm sóc con nhỏ do ảnh hưởng của đại dịch.
Từ New Zealand, Thủ tướng Ardern cảnh báo phụ nữ đang ở tuyến đầu chống dịch COVID-19 và phải đối mặt với những tác động và thách thức của dịch bệnh mỗi ngày. Bà nhấn mạnh "không quốc gia nào an toàn cho đến khi tất cả các quốc gia đều an toàn," do đó các chiến dịch tiêm vaccine trên toàn cầu cần đạt 7,8 tỷ người trên toàn thế giới.
Trong khi đó, bà Von der Leyen, nữ chủ tịch đầu tiên của EC, công bố các kế hoạch thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng và trả lương tại các công ty ở châu Âu nhằm thu hẹp khoảng cách về giới.
Bà cho biết mức lương của phụ nữ ở châu Âu thấp hơn 14% so với lương của nam giới, trong khi chỉ 67% số phụ nữ làm các công việc được trả lương, so với tỉ lệ 78% ở nam giới. Nhà lãnh đạo EC kêu gọi xóa bỏ các trở ngại trên con đường hướng tới bình đẳng giới.
Cùng ngày, Giám đốc khu vực Mỹ Latinh và Caribe của cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ - bà Maria Noel Vaeza, cảnh báo cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 đã bộc lộ rõ hơn những tồn tại về bất bình đẳng giới ở khu vực, trong đó phụ nữ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng thất nghiệp và nghèo đói.
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico City, bà Vaeza nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã và đang làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng đối với phụ nữ ở Mỹ Latinh, theo đó khu vực này ghi nhận khoảng 118 triệu phụ nữ sống trong cảnh nghèo đói cũng như sự thụt lùi chưa từng có về tỷ lệ việc làm và gia tăng bạo lực giới trong năm 2020.
Đại dịch COVID-19, với các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan như việc đóng cửa các lĩnh vực phi thiết yếu của nền kinh tế và hạn chế đi lại, đã gây ra một cuộc suy thoái kinh tế trong khu vực, làm đảo ngược tiến trình giảm nghèo tại Mỹ Latinh.
Năm 2020, đại dịch đã đẩy khoảng 23 triệu phụ nữ trong khu vực rơi vào tình trạng nghèo đói. Số liệu của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) thuộc LHQ chỉ ra rằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực năm 2020 giảm 7,7% và tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực lên tới 10,7%, tăng 2,6% so với năm 2019.
Ngoài ra, việc đóng cửa các trường học ở Mỹ Latinh, với thời gian kéo dài nhất trên thế giới, cũng làm gia tăng công việc nội trợ và chăm sóc gia đình đối với phụ nữ. Thời gian dành cho chăm sóc gia đình của phụ nữ đã tăng 39% trong thời gian dịch.
Cũng theo bà Vaeza, tỷ lệ bạo lực giới đối với trẻ em gái và trẻ vị thành niên đã tăng mạnh trong năm qua. Ước tính, cứ 3 tháng phong tỏa sẽ có thêm 15 triệu trường hợp là nạn nhân của bạo lực giới.
Bà khẳng định vẫn chưa có dữ liệu được hệ thống hóa ở cấp khu vực, nhưng đã ghi nhận sự gia tăng các cuộc gọi đến đường dây điện thoại nóng và tìm kiếm sự hỗ trợ do bạo lực đối với phụ nữ.
Ở Argentina, trong những tuần đầu tiên của đại dịch, số lượng cuộc gọi hằng ngày tới đường dây nóng đã tăng 39% và ở Mexico cũng xảy ra tình trạng tương tự , với mức tăng 53%.
Trước tình hình này, bà Vaeza kêu gọi chính phủ các quốc gia trong khu vực hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn sự gia tăng tình trạng bạo lực đối với phụ nữ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn