Theo báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021, hệ thống văn bản pháp luật, chính sách tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, góp phần rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, lần đầu tiên Chính phủ ban hành một Nghị quyết về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; với các mục tiêu, chỉ tiêu phản ánh thực chất vấn đề bình đẳng giới và phù hợp với thực tiễn. Đây là cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Xã hội cho biết, năm 2021 là năm bắt đầu thực hiện Chiến lược của giai đoạn mới với nhiều thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức. Đồng thời đã đạt một số kết quả cụ thể sau: Các bộ, ban, ngành, địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo và triển khai các nội dung của Chiến lược; Bước đầu một số chỉ tiêu đã được thống kê số liệu; Quyết liệt thực hiện các giải pháp trong chỉ đạo điều hành góp phần tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới, đặc biệt là truyền thông thông qua việc tham gia tích cực và có trách nhiệm các diễn đàn quốc tế về bình đẳng giới.
Ủy ban Xã hội cũng chỉ ra rằng, một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm về việc triển khai thực hiện Chiến lược. Năm 2018, Chính phủ đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Luật. Nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa đề xuất sửa đổi Luật Bình đẳng giới để khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hàng loạt các vấn đề về lao động, việc làm, y tế, giáo dục... trong đó đối tượng chịu sự ảnh hưởng nặng nề hơn thường là phụ nữ, làm gia tăng khoảng cách bình đẳng giới, ảnh hưởng đến việc thực hiện Chiến lược.
Một số chính sách còn chưa có số liệu phân tách về giới nên ảnh hưởng đến việc ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ. Bộ máy, cán bộ làm công tác bình đẳng giới chưa bố trí đủ hoặc kiêm nhiệm, kinh phí phân bổ cho công tác bình đẳng giới ngày càng giảm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới.
Thảo luận tại Phiên họp, thành viên Ủy ban Xã hội cho rằng, các mục tiêu trong lĩnh vực y tế, do sự tác động của đại dịch COVID-19 đã phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái. Dịch bệnh làm gián đoạn việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thiết yếu, trong đó phụ nữ mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất; ảnh hưởng tiêu cực tới những tiến bộ về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan tới thai sản mà Việt Nam đã đạt được trong 10 năm qua.
Dưới tác động của đại dịch COVID-19, việc chuyển sang hình thức học trực tuyến đã làm gia tăng khoảng cách bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục giữa các địa phương và các nhóm học sinh, đặc biệt đối với học sinh nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số…
Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, các thành viên Ủy ban cơ bản đồng tình với báo cáo thẩm tra về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021. Đồng thời bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, vấn đề bình đẳng giới sẽ tiếp tục được các Bộ, ngành, chính quyền các cấp quan tâm; tiếp tục làm rõ hơn tác động của đại dịch COVID-19 đối với phụ nữ, trẻ em, từ đó đưa ra các giải pháp đồng bộ và hiệu quả.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn