Đại dịch Covid-19: Phép thử của tình yêu, lòng bao dung và trách nhiệm

12:09 | 19/03/2020;
Virus corona gửi một thông điệp, đó là dịch bệnh đang cho loài người hiểu thế nào là tình yêu thương con người, lòng bao dung và trách nhiệm với cộng đồng.

Kể từ khi đại dịch nhen nhóm và bùng phát đến nay, thế giới bỗng hoàn toàn thay đổi. Con virus corona vô cùng bé nhỏ nhưng có sức tàn phá mạnh mẽ đối với loài người. 

Cho đến thời điểm này, Covid-19 được gọi là ĐẠI DỊCH không chỉ bởi ảnh hưởng của nó trong lĩnh vực y tế mà còn bao trùm toàn bộ đời sống kinh tế xã hội. Nạn nhân của virus corona không ngừng gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều hoạt động kinh tế - xã hội gần như đóng băng vì dịch bệnh. Lệnh bế quan tỏa cảng được ban ra ở nhiều quốc gia, trong đó có những nền kinh tế hàng đầu thế giới. 

Có thể nói, năm 2020 thật sự là một năm đen tối và thảm họa của thế giới loài người.

Từ đại dịch này, thế giới cũng đang có những biến đổi từ bên trong, một sự chuyển hóa mạnh mẽ của nhận thức, hành động. Đại dịch do virus corona đang thật sự là một phép thử của tình yêu, sự bao dung và trách nhiệm.

Đại dịch Covid-19: Phép thử của tình yêu, lòng bao dung và trách nhiệm  - Ảnh 1.

Phần lớn hành khách nhập cảnh là người Việt Nam từ Anh, Pháp, Đức, Nga... về nước. Ảnh: TTXVN

Con virus nhỏ bé corona đã thử điều gì với loài người?

Trở lại với Vũ Hán (Trung Quốc), cái chết của bác sỹ Lý Văn Lượng, người được xem là đầu tiên cảnh báo về bệnh dịch mới không hề vô nghĩa khi nói lên sự thật, sự che đậy và bưng bít thông tin của chính quyền Vũ Hán trước bệnh dịch khủng khiếp. Sự trung thực của bác sỹ Lý đối lập với sự bưng bít thông tin về dịch bệnh của chính quyền nơi vị bác sĩ này công tác được cho là nguyên do dẫn đến sự lan nhanh của bệnh dịch. Dư luận giận dữ thật có lý khi mọi thứ đã không thể kiểm soát cho dù hiện tại Trung Quốc đã tạm yên nhưng virus corona đã như lửa cháy lan rộng khắp thế giới. Chưa kết luận hành vi của những quan chức ở Vũ Hán có được xem là tội ác chống loài người hay không nhưng sự lây lan của dịch do virus corona chủng mới gây ra từ đây có sức tàn phá khủng khiếp đối với nhiều nơi trên thế giới.

Ở Việt Nam, Bộ luật Hình sự có riêng một điều (Điều 422 – Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định Tội chống loài người như sau: 1. Người nào trong thời bình hay trong chiến tranh mà thực hiện hành vi tiêu diệt hàng loạt dân cư của một khu vực, phá hủy nguồn sống, phá hoại cuộc sống văn hóa, tinh thần của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền, làm đảo lộn nền tảng của một xã hội nhằm phá hoại xã hội đó hoặc thực hiện hành vi diệt chủng khác hoặc thực hiện hành vi diệt sinh, diệt môi trường tự nhiên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Với thế giới, tội ác chống nhân loại được Liên hiệp quốc thông qua bằng "Quy chế Rome" ngày 17/7/1998 tại Rome, Italy có hiệu lực từ 1/7/2002 và hiện có 122 nước thông qua.

Cho nên không có gì khó hiểu, khi tất cả những hành vi thiếu ý thức, trách nhiệm của một cá nhân nào đó, vô tình hay hữu ý,  làm lan truyền bệnh dịch mà khiến dư luận dậy sóng, thậm chí có người còn cho rằng, đó đích thị là tội ác. Những chỉ trích, lên án của cộng đồng rõ ràng nhiều hơn lời thứ tha, thông cảm. Nhìn từ góc độ tâm lý xã hội, corona cũng đang là phép thử cho tình yêu thương, lòng bao dung khi những người nhiễm virus này vừa là nạn nhân lẫn tội đồ.

Đại dịch Covid-19: Phép thử của tình yêu, lòng bao dung và trách nhiệm  - Ảnh 3.

Phát đồ ăn miễn phí cho những hành khách trong thời gian chờ đợi tại sân bay trước khi về nơi cách ly

Virus corona đã thử điều gì?

Hãy nhìn nước Anh, nước Ý đứng trước sự chỉ trích của người dân với Chính phủ đã "thả nổi" để đến khi nhận ra sự nguy hiểm không lường trước khiến chính quyền và người dân trở tay không kịp. Hãy nhìn những cộng đồng một số nơi kỳ thị khẩu trang và coi thường những cái hắt hơi… để rồi tất cả đã lãnh hậu quả chát đắng, không thể kiểm soát tình hình.

Trách nhiệm của Chính phủ, đó là điều hành vĩ mô tất cả những hoạt động kinh tế - xã hội; đó là sự nhạy cảm và tầm nhìn đối với các chiến lược phát triển với mục đích cuối cùng là đất nước phát triển và công dân được bảo vệ. Ai sẽ chịu trách nhiệm về con virus giết người hàng loạt kia,  ai sẽ chịu trách nhiệm cho những cái chết của người vô tội? Hay lại là đổ lỗi cho con virus? Hay đó chỉ là sự biện minh để chối bỏ trách nhiệm?

Trong khi chính phủ nhiều nước đang khủng hoảng kiểm soát trước đại dịch, ngăn công dân về nước, các quốc gia thành viên liên minh châu Âu EU nhất trí đóng cửa biên giới 1 tháng và trong bối cảnh các hãng hàng không đang đóng dần đường bay thì ngày 18/3, Chính phủ Việt Nam đã có những quyết sách đúng đắn và đầy trách nhiệm. Hơn 7.000 Việt kiều từ châu Âu và ASEAN hồi hương tránh dịch được đón tiếp chu đáo và cách ly theo dõi y tế. Điều này không chỉ thể hiện tính nhân văn của chế độ mà cao hơn đó là ý nghĩa thiêng liêng của 2 tiếng "ĐỒNG BÀO". Bởi thế cho nên, hành vi của một Việt kiều về nước buông lời khiếm nhã và ngạo mạn lập tức bị cộng đồng nổi giận. Chính phủ, những người dân trong nước đã có sự chia sẻ, dang rộng vòng tay thì với những người con trở về với quê hương cũng phải thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.

Nhưng có lẽ trên hết các phép thử, virus corona gửi một thông điệp, đó là dịch bệnh đang cho loài người hiểu thế nào là TÌNH YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI, LÒNG BAO DUNG VÀ TRÁCH NHIỆM.

Và có lẽ đây cũng là lời đáp trong câu cuối trong bài thơ "Hỏi" nổi tiếng của nhà thơ Hữu Thỉnh:

Tôi hỏi đất:

- Đất sống với đất như thế nào?

- Chúng tôi tôn cao nhau

Tôi hỏi nước:

- Nước sống với nước như thế nào?

- Chúng tôi làm đầy nhau.

Tôi hỏi cỏ:

- Cỏ sống với cỏ như thế nào?

- Chúng tôi đan vào nhau

Làm nên những chân trời.

Tôi hỏi người:

- Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người:

- Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người: - Người sống với người như thế nào?...


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn