Đại dịch Covid-19 sau một năm: Thay vì tích trữ, người dân chỉ mong tồn tại

12:06 | 20/12/2020;
Thế giới thay đổi hoàn toàn sau 1 năm xảy ra đại dịch Covid-19. Dịch bệnh đã gây ra rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng

SARS-CoV-2 là một chủng coronavirus gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona 2019 (Covid-19), lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 12/2019, trong đợt bùng phát đại dịch Covid-19 ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Ngay sau đó, Covid-19 lây lan nhanh chóng, trở thành đại dịch toàn cầu, gây ra những khó khăn, thách thức khổng lồ đối với nhân loại.

Cho đến nay, theo thống kê của worldometers, đã có hơn 76,6 triệu người trên thế giới đã bị nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 1,69 triệu trường hợp tử vong.

Đại dịch có thể khiến 500 triệu người hoặc thậm chí nhiều hơn, phải đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm bởi thực tế chỉ ra rằng, rất nhiều người trên thế giới chưa từng được chẩn đoán.

Những ai chưa bị nhiễm Covid-19 tuy chưa phải đối mặt với tử thần, nhưng rất nhiều người lại phải sống lay lắt trong tình trạng kiệt quệ cả về tinh thần lẫn vật chất.

Ít nhất 7% sản lượng kinh tế thế giới bị suy giảm sau 1 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, mức sụt giảm lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2. Năm 2020, thế giới mất ít nhất hơn 5.000 tỷ USD, ngoại trừ một số nước vẫn duy trì GDP dương, đa số các nước có mức tăng trưởng âm. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới đều suy giảm.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2020, GDP của Mỹ giảm với tốc độ kỷ lục 6,6%, Liên minh châu Âu (EU) giảm 7,5%, GDP Trung Quốc giảm ở mức 1,2%, thấp hơn nhiều thập kỷ trước.

Đại dịch Covid-19: Một năm nhìn lại thế giới - Ảnh 1.

Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Ảnh: BBC

Đặc biệt, chuỗi cung ứng nguyên liệu, sản phẩm toàn cầu bị phá vỡ; nhiều ngành kinh tế mũi nhọn (du lịch, hàng không, khách sạn, dịch vụ giải trí…) đình trệ; hàng triệu công ty bị phá sản, trong đó tỷ lệ phá sản ở Pháp là 21%, Tây Ban Nha 22%, Hà Lan 36%, Anh, Italy 37%..., đe dọa khả năng phục hồi nền kinh tế thế giới.

Từ đống tro tàn của tất cả những đau khổ bởi đại dịch Covid-19 gây ra, người dân đã thay đổi ý niệm sống: thay vì tích trữ thì giờ đây, họ chỉ mong tồn tại!

Bất công xã hội gia tăng

Đại dịch cũng khiến bất công xã hội gia tăng. Một số nhóm đối tượng như lao động di cư và người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức đặc biệt bị tác động nặng nề bởi những hậu quả về kinh tế do Covid-19 gây ra. Phụ nữ, nhóm đối tượng chiếm số đông trong lĩnh vực y tế công cộng, là những người đặc biệt dễ bị ảnh hưởng.

Trong trường hợp xấu nhất, đại dịch có thể khiến hơn 200 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực. Hoàn cảnh của họ sẽ càng trở nên trầm trọng hơn bởi những kẻ độc đoán và những kẻ "bạo chúa" đã tận dụng đại dịch Covid-19 để củng cố quyền lực và tầm ảnh hưởng của mình.

Tỷ lệ nghèo đói, phi chính thức và các công việc không được bảo vệ duy trì ở mức cao cũng khiến cho việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19 càng khó khăn hơn. Những phản ứng chính sách cần phải đảm bảo rằng hỗ trợ đến được với những người lao động và doanh nghiệp đang cần được giúp đỡ nhất, bao gồm nhóm lao động được trả lương thấp, các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, lao động tự làm và rất nhiều những người dễ bị tổn thương khác.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một người Mỹ gốc Tây Ban Nha 40 tuổi có nguy cơ chết vì Covid-19 cao hơn 12 lần so với một người Mỹ da trắng ở cùng độ tuổi. Ở Sao Paulo, người Brazil da đen dưới 20 tuổi có nguy cơ tử vong cao gấp đôi so với người da trắng. Thời gian dịch bệnh càng kéo dài, các tệ nạn xã hội càng trở nên tồi tệ hơn, tỷ lệ thất nghiệp càng tăng cao.

Trẻ em vừa bị tụt hậu trong chuyện học hành, vừa phải đối mặt với nguy cơ bị bỏ đói. Người dân ở mọi lứa tuổi đã phải chịu đựng sự cô đơn hoặc bạo lực ở nhà. Những người lao động nhập cư đã bị bỏ rơi hoặc bị đưa về làng của họ, sức khỏe bị kiệt quệ do ảnh hưởng của Covid-19. Hố sâu khoảng cách giữa các quốc gia càng gia tăng.

Đại dịch Covid-19: Một năm nhìn lại thế giới - Ảnh 2.

Vì Covid-19, trẻ em đối mặt với nguy cơ không được đến trường học và bị bỏ đói. Ảnh: AFP

Ngay như tại Hoa Kỳ, một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới, Covid-19 cũng đã khiến hệ thống y tế, giáo dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo thống kê của tờ New York Times, hơn 1/3 số người Mỹ sống trong các khu vực có các giường bệnh cấp cứu sắp hết. Hơn 10% số người Mỹ - trên một vùng rộng lớn ở Trung Tây, Nam và Tây Nam - sống ở các khu vực nơi khu cấp cứu đã hoàn toàn kín chỗ hoặc có dưới 5% số giường trống.

Việc học hành của các học sinh, sinh viên Mỹ cũng gặp khó khăn không chỉ đơn thuần là chuyện cách ly vì dịch bệnh mà còn là vấn đề tài chính. Do ảnh hưởng của Covid-19, chi phí tại các trường cao đẳng và đại học ở Hoa Kỳ đã tăng gần 5 lần so với giá tiêu dùng trong 40 năm qua, khiến rất nhiều người không đủ điều kiện tài chính để đến trường. Giàu như nước Mỹ còn bị lao đao, tình trạng ở các quốc gia nghèo của khu vực châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh… chắc chắn còn bê bết hơn.

Vẫn có những điểm tích cực

Đại dịch Covid-19 và hậu quả của dịch bệnh đã tác động nhiều mặt đến thế giới, là một thách thức toàn cầu. Nhưng khó khăn cực lớn lại kích thích khả năng tiềm tàng trong mỗi quốc gia. Đặc biệt, các nước Hoa Kỳ, Anh, Đức, Nga, Trung Quốc… đã nghiên cứu, sản xuất các loại vaccine ngừa Covid-19, trong đó có những đột phá về khoa học, mở ra cách thức mới, không chỉ ngăn chặn đại dịch Covid-19 mà còn phòng chống các loại virus mới.

WHO cũng đã phối hợp với một số quốc gia trợ giá vaccine cho các nước gặp nhiều khó khăn. Các quốc gia cũng nhận thức sâu sắc việc khôi phục chuỗi cung ứng toàn cầu và sự phối hợp chặt chẽ trên toàn cầu để đối phó với đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, trong bối cảnh nhiều nước áp dụng lệnh giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19, các ngành nghề kinh doanh online lại phát triển rầm rộ. Điển hình như trường hợp tại Hoa Kỳ, thương mại điện tử với tư cách là một phần trong doanh số bán lẻ của quốc gia này, đã tăng đột biến trong 8 tuần gần đây so với 5 năm trước đó. Khi mọi người làm việc ở nhà, việc đi lại trên tàu điện ngầm ở New York đã giảm hơn 90%, tình trạng tắc nghẽn giao thông cũng được cải thiện triệt để.

Các nghiên cứu cho thấy khoảng 60% công việc được trả lương trên 100.000 USD ở Mỹ có thể được thực hiện tại nhà, so với 10% công việc trả lương dưới 40.000 USD. MSCI (công ty hàng đầu về nghiên cứu đầu tư cung cấp các chỉ số chứng khoán, rủi ro danh mục đầu tư, phân tích hiệu suất và các công cụ quản trị cho các nhà đầu tư tổ chức và các quĩ phòng hộ) đánh giá, chỉ số của thị trường chứng khoán thế giới đã tăng 11% trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp vẫn gia tăng trong năm 2020.

đại dịch Covid-19 sau một năm

Người dân trên thế giới bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Reuters

Covid-19 buộc nhân loại phải nhìn nhận lại cách đối xử với thiên nhiên, đặc biệt ở khía cạnh sinh vật học. Mỗi năm, hơn 80 tỷ động vật bị giết mổ để làm thực phẩm và lông (chủ yếu phục vụ ngành thời trang) là một con số khủng khiếp. Đây được coi là tiền đề, là đĩa Petri (đĩa Petri thường được sử dụng để làm đĩa thạch dùng trong nuôi cấy vi sinh vật - PV) để các loại virus và vi khuẩn tiến hóa thành mầm bệnh gây chết người mỗi thập kỷ hoặc lâu hơn.

Covid-19 cũng khiến cho con người đặt ra câu hỏi: Điều gì quan trọng nhất trong cuộc sống? Các chính phủ nên lấy đó làm nguồn cảm hứng, tập trung vào các chính sách thúc đẩy phẩm giá cá nhân, sự tự cường và lòng tự hào của công dân. Mỗi quốc gia nên điều chỉnh lại các chế độ phúc lợi và giáo dục để mở ra những ngưỡng mới cho công dân của nước mình. Biết đâu, một điều gì đó tốt đẹp có thể đến từ sự khốn cùng của năm 2020, năm bệnh dịch, hướng đến một xã hội mới phù hợp với thế kỷ 21.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn