Khu vực Mỹ Latinh, nơi sinh sống của 8,4% dân số thế giới nhưng đã chiếm đến gần 1/3 số ca tử vong vì Covid-19. Và thế hệ trẻ ở khu vực Mỹ Latinh không chỉ chịu ảnh hưởng những hậu quả lâu dài của đại dịch, mà họ còn phải đối mặt với khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn và di sản đáng kinh ngạc của bạo lực, bất ổn chính trị và xung đột xã hội.
Theo Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, sinh kế đã bị phá vỡ ở khắp khu vực Mỹ Latinh, nơi 26 triệu việc làm bị mất và nền kinh tế tập thể đã suy giảm 7,4% vào năm 2020 - mức giảm lớn nhất trong kỷ lục.
Trong khi đó, thống kê của trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đã chỉ ra rằng, Peru là quốc gia có tỷ lệ bệnh nhân tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới, khoảng 600 ca tử vong trên 100.000 dân, tức là gấp 3 lần so với Hoa Kỳ.
Tại Colombia, trong bối cảnh tình trạng lây nhiễm Covid-19 tiếp tục ở mức cao, hàng trăm nghìn người dân nơi đây đã xuống đường biểu tình kể từ tháng 4/2021 để yêu cầu chuyển đổi kinh tế và xã hội. Rất nhiều người trong số này là những thanh niên, sinh viên. Đại dịch đã khiến nhiều người phải bỏ dở việc học hành và lặn lội đi tìm kiếm việc làm với mức lương ít ỏi.
Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, tìm kiếm việc làm không hề đơn giản đối với những người trẻ tuổi ở khu vực Mỹ Latinh, nơi gần một nửa (48,5%) dân số dưới 30 tuổi - so với 38,7% ở Hoa Kỳ, theo thống kê của Liên hợp quốc (UN) - và thu nhập bình quân đầu người là 7.404 USD, tức là chỉ bằng là 1/8 thu nhập bình quân đầu người ở Hoa Kỳ, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB).
Daniela Anacona, 24 tuổi, sinh sống ở thị trấn Popayan, tỉnh Cauca, Colombia, chia sẻ: "Đại dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống của tôi lao đao. Không những vậy, tương lai của các con tôi, những thế hệ sau, cũng rất mờ mịt".
Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, Anacona có kế hoạch kiếm tấm bằng đại học. Nhưng hiện tại, cô vừa bán trái cây ở chợ, vừa dành thời gian chăm sóc cho cô con gái 4 tuổi của mình. Anacona cho biết: "Có rất nhiều phụ nữ trẻ ở đây trở thành gái mại dâm, trong khi đàn ông trở thành những tay súng hoặc bán ma túy vì họ không còn lựa chọn nào khác".
Maribel Tuyro Curo, 22 tuổi, hướng dẫn viên du lịch ở Cusco, thành phố miền Đông Nam của Peru, không giấu được nỗi thất vọng với tình cảnh hiện tại. "Nếu không có khách du lịch, làm sao chúng tôi có cái để ăn? Liệu chúng ta có thể kiếm sống trở lại không?", Curo than vãn.
Chồng của Curo là Gustavo Yapo Pumachara, 22 tuổi, là một trong số rất đông những người bán hàng rong quần áo dệt tay từ lạc đà alpaca và len cừu ở khu vực ngoại ô Cuzco, thủ đô một thời của người Inca nằm ở độ cao 11.000 feet trên dãy Andes của Peru.
Covid-19 đã làm hạn chế du lịch trên toàn thế giới, với những hậu quả kinh tế sâu rộng trên khắp khu vực Mỹ Latinh, từ Patagonia đến Cuba đến Mexico. Hiện rất ít du khách quay trở lại Cuzco, dù nơi đây vốn là một điểm đến ưa thích của khách du lịch ba lô, dân sành điệu, sinh viên...
Ở thị trấn Iquitos, tỉnh Maynas, Peru, đôi vợ chồng Valles và Consuelo Julca cũng đang lao đao trong những ngày này. Cả hai đều là giáo viên tại một trường tiểu học và khi dịch bệnh ập đến, trường học đóng cửa và họ rơi vào cảnh thất nghiệp. Họ chưa biết kiếm thu nhập ở đâu để có thể nuôi cô con gái Mia Salomé mới 3 tuổi bé bỏng của mình.
Dịch bệnh cũng đã tấn công Iquitos khiến hệ thống y tế của thị trấn nổi tiếng với ngành trồng cao su trở nên quá tải. Trước khi Covid-19, đường phố ở Iquitos sầm uất với những chiếc xe tay ga và taxi ba bánh hoạt động suốt ngày đêm. Còn giờ đây, Iquitos hoang tàn như một thị trấn ma.
Năm ngoái, các nhà chức trách ở Iquitos đã khiến người dân Peru phẫn nộ khi bí mật chôn cất hàng trăm nạn nhân của đại dịch trong những ngôi mộ không dấu vết trong một khu rừng rậm cách Iquitos khoảng 12 km. Gia đình của các nạn nhân đã yêu cầu lực lượng chức năng phải đưa các hài cốt lên, xác định danh tính và làm lễ an táng đàng hoàng.
Trở lại với câu chuyện của đôi vợ chồng Valles và Consuelo Julca. Họ không thể cứ ngồi chờ trong đến khi trường học mở cửa trở lại. Valles chia sẻ: "Chúng tôi phải tạm dừng nghề dạy học và tìm những công việc khác để kiếm sống. Sau tất cả những gì chúng tôi đã trải qua, chúng tôi vẫn phải làm việc chăm chỉ hơn để tồn tại".
Chiếc ca nô của Valles đi qua những quán bar và cửa hàng ven sông, những người bạn cùng chèo thuyền chở đầy chuối để giao cho khách hàng. Giờ đây, Valles và vô số nam nữ thanh niên khác phải tìm ra những con đường mới để gắn kết những mảnh đời tan vỡ trở lại với nhau. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng để cuộc sống của họ nhưng không vì thế mà họ được phép gục ngã.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn