Đại diện Nanogen: Việc xin cấp phép khẩn cấp vaccine Nano Covax không nóng vội

16:36 | 23/06/2021;
Trao đổi với báo chí ngày 23/6, đại diện công ty Nanogen khẳng định, việc gửi văn bản cho Thủ tướng xin cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nano Covax là không nóng vội.

Mới đây, Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (gọi tắt là công ty Nanogen) đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng về việc xin cấp phép khẩn cấp cho vaccine ngừa Covid-19 Nano Covax.

Theo văn bản kiến nghị, vaccine Nano Covax ngừa Covid-19 do Nanogen phối hợp với Học viện Quân y nghiên cứu, phát triển đã kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2. Hiện loại vaccine này đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên quy mô 13.000 người.

Dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch của vaccine Nano Covax đạt 99,4%. Giá bán dự kiến hiện đang thấp nhất thế giới, chỉ với 120.000 đồng/liều.

Công ty Nanogen kiến nghị Chính phủ để vaccine Nano Covax sớm được cấp phép khẩn cấp có điều kiện, tương tự như các loại vaccine của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Công ty cũng khẳng định sẽ quyết tâm đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất cung cấp đủ vaccine để Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng vào quý 2/2022.

 Đại diện Nanogen: Việc xin cấp phép khẩn cấp vaccine Nano Covax là đúng, không nóng vội  - Ảnh 1.

Tiêm vaccine Nano Covax liều 25mcg cho tình nguyện viên

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) chia sẻ, việc Nanogen xin cấp phép khẩn cấp vaccine Covid-19 là quá sớm và nóng vội khi chưa đầy đủ các dữ liệu về mặt khoa học.

Theo Bộ Y tế, kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 là yếu tố quyết định để đánh giá vaccine này có hiệu quả bảo vệ hay không, có làm giảm nguy cơ mắc Covid-19 hay không. Trong khi đó, vaccine Nano Covax mới bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát rộng trên toàn thế giới, việc cấp phép khẩn cấp cho một loại vaccine phòng Covid-19 là điều cần thiết. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bỏ qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng bắt buộc.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí ngày 23/6, đại diện công ty Nanogen khẳng định, việc gửi văn bản cho Thủ tướng xin cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nano Covax là đúng và không nóng vội.

Lý do, theo đại diện công ty Nanogen, bởi vaccine an toàn, đầy đủ dữ liệu và cơ sở khoa học để được cấp phép. Kiến nghị này xuất phát từ mong muốn để người dân được an tâm tiêm vaccine trong thời gian sớm nhất, được quay lại cuộc sống bình thường.

Bộ Y tế chỉ định Học viện Quân y và Viện Pasteur TP.HCM - là hai đơn vị độc lập trực tiếp thử nghiệm đánh giá độ an toàn của vaccine. "Cái này là khoa học, công ty đầu tư lớn, nhà máy ở khu công nghệ cao. Làm những sản phẩm mang tầm vóc quốc tế. Đâu thể đùa được", vị này nhấn mạnh.

Đại diện công ty Nanogen cũng bày tỏ những khó khăn nhất định do cơ chế "xin- cho" trong quá trình nghiêm cứu, thử nghiệm vaccine. Đồng thời, tiếp tục chia sẻ mong muốn vaccine Nano Covax được cấp phép nhanh, cho người dân được sớm sử dụng.

Đại diện công ty Nanogen cũng cho hay, sau khi vaccine được cấp phép chỉ sản xuất riêng để người dân Việt Nam sử dụng, khi đạt được miễn dịch cộng động sẽ đóng cửa nhà máy để sản xuất thuốc ung thư.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn