Một ngày cuối năm, tôi ghé thăm NSƯT Lê Mai trong căn hộ nhỏ trên phố Phan Đình Phùng (Hà Nội). Căn phòng chừng 10 mét vuông chứa đầy kỉ vật gắn với cuộc đời người nghệ sĩ già. Bà say sưa mở từng cuốn album, ngắm từng bức ảnh.
"Đây là chị Vân (NSƯT Lê Vân), đây là chị Khanh (NSND Lê Khanh), còn đây là chị Vi (NSƯT Lê Vi) lúc các chị ấy bé này. Hình này là chị Vân lúc 5 tuổi đi đóng phim ăn mày với bác...
Đây là hồi bác đóng phim Thị Nở. Đây là các con của chị Vân. Đây là gia đình nhỏ của chị Khanh. Còn đây là gia đình chị Vi đang sống bên Pháp. Đây là… Đây là…" - mỗi tiếng "đây là" là một tầng ký ức ùa về trong hồi ức của NSƯT Lê Mai.
Nhắc đến NSƯT Lê Mai, công chúng chẳng mấy người xa lạ. Bà nổi tiếng vì bản thân là một diễn viên kịch và điện ảnh tài năng. Bà nổi tiếng vì có cha là nhà thơ - nhà viết kịch Lê Đại Thanh. Bà nổi tiếng vì từng là vợ của NSND Trần Tiến, là chị gái của họa sĩ Lê Đại Chúc và NSND - "giọng đọc huyền thoại" - Lê Chức.
Và hơn tất cả, bà nổi tiếng với vai trò một người mẹ đã nuôi dạy 3 cô con gái "sắc nước hương trời của Hà thành" trở thành những con người tài năng, thành đạt là NSƯT Lê Vân, NSND Lê Khanh và NSƯT Lê Vi.
Năm 2024, bước sang tuổi 86 nhưng NSƯT Lê Mai còn khỏe mạnh, dí dỏm, yêu đời và lạc quan lắm. Nhìn vào cuộc đời và sự nghiệp của bà, ai cũng thấy vầng hào quang rực rỡ của thành công nhưng ẩn dưới nụ cười hồn hậu, mấy người thấu được nỗi truân chuyên của bà.
19 tuổi làm vợ, 20 tuổi làm mẹ, lần lượt 3 cô con gái ra đời, cuộc sống cơm áo gạo tiền cùng bao nỗi lo toan đè nặng lên đôi vai người nghệ sĩ. Rồi hôn nhân đổ vỡ. 32 tuổi làm mẹ đơn thân, một mình bươn chải chăm lo cho 3 cô con gái (khi ấy, Lê Vân mới 12 tuổi, Lê Khanh 7 tuổi, Lê Vi 3 tuổi).
Nghệ sĩ Lê Mai cho biết, thời gian đó vì vất vả quá nên có đận bà chỉ còn 34kg, suy nhược cơ thể trầm trọng nên nhiều lúc nói không ra tiếng, phải nghỉ diễn một thời gian khá dài.
Không có vai diễn, để có tiền nuôi con, nghệ sĩ Lê Mai xin tiền hai cô bạn thân mua chiếc máy khâu. Ngoài giờ ở cơ quan, bà đạp xe lên chợ Đồng Xuân nhận đồ về may. Lúc đầu, để máy khâu trên căn gác tầng 2 nhưng bị hàng xóm phản ánh tiếng ồn, bà đành vác máy xuống đặt ở gian bếp 6m2. Bếp thấp, bí, nóng, mùa hè ngồi máy phải lấy cái khăn dấp nước rồi đội lên đầu.
"Chị Vân, chị Khanh đều máy rất giỏi. Chị Vân hễ đi làm thì thôi, về đến nhà miệt mài ngồi máy. Chị ấy không máy được 2 chân nên toàn đạp bằng 1 chân", NSƯT Lê Mai nhớ lại. Các con của NSƯT Lê Mai không được sinh ra trong nhung lụa, cuộc sống rất khó khăn, nhọc nhằn nhưng theo lời bà thì "Vân, Khanh và Vi đều rất biết thương mẹ.
Thấy mẹ lặn lội ngày đêm nên từ lúc bé đã chăm chỉ giúp mẹ việc nhà; lớn lên đi làm thì tháng nào tháng ấy cầm tiền về đưa hết cho mẹ. Hễ mẹ làm việc gì là các con xắn vào cùng mẹ làm việc nấy. Mẹ máy khâu thì các con cũng máy, mẹ nhận đan len các con cũng đan, rồi cả cuốn thuốc lá nữa…
Trải qua lao động nên đứa nào đứa nấy đều biết trân quý bản thân, trân quý gia đình, trân quý thành quả lao động".
Động lực lớn nhất để NSƯT Lê Mai vượt qua tất thảy chính là sự yêu thương, hiếu hạnh của các con. Bà kể, có hôm bà chẳng may bị ngã xe đạp ở Bờ Hồ, chảy máu sưng hết cả môi. Về nhà, cả 3 cô con gái xúm xít quan tâm lo lắng, lấy khăn lau vết thương, chườm chỗ đau, động viên, an ủi mẹ. "Chỉ cần vậy thôi, bao nhọc nhằn sẽ tan biến", nghệ sĩ Lê Mai bộc bạch.
Suốt mấy chục năm qua, NSƯT Lê Mai có một quy tắc: Cuộc sống khốn khó, vất vả thế nào thì Tết về cũng phải lo cho các con một cái Tết đủ đầy, vui, ấm cúng. "Tết nào bác cũng gói bánh chưng. Nhà 3 cô gái, mỗi cô một việc.
Thế nên từ bé, chị Vân, Khanh, Vi đều thuộc làu rửa lá, đãi đỗ, ngâm gạo, chuẩn bị các việc để gói bánh. Nhớ những năm các chị chưa đi lấy chồng, Tết về, mẹ con dọn dẹp, bày biện nhà cửa, chuẩn bị đón Tết rộn ràng mà vui sướng vô cùng.
Tết là phải có hoa tươi. Vì bác tên Mai nên nhất định bên cạnh cành đào Nhật Tân phải có thêm cây mai. Những nếp Tết ở nhà trở thành thói quen nên sau này, khi các chị đều đã lập gia đình, vẫn không quên nếp nhà.
Cho đến tận bây giờ, mỗi Tết đến là chị Khanh vẫn tự gói bánh chưng. Tuổi già nhìn con cháu quây quần đông vui, bác hạnh phúc lắm", NSƯT Lê Mai ánh lên niềm vui trên khóe mắt nói.
Thương con gái lấy chồng xa xứ, biết Lê Vi luôn nhung nhớ quê nhà nên từ khi gia đình Lê Vi chuyển sang Pháp sinh sống, mỗi lần sang thăm con gái vào dịp Tết, NSƯT Lê Mai không quên mang theo chiếc bánh chưng. Con rể người Pháp biết nói tiếng Việt, còn dí dỏm sử dụng thành ngữ Việt Nam; 3 cháu ngoại đều nói thành thạo tiếng Việt, yêu văn hóa Việt Nam nên NSƯT Lê Mai "rất yên tâm vì con cháu mình không… mất gốc".
Tôi nhớ hơn 10 năm trước, lần đến phỏng vấn NSND Lê Khanh cũng tại căn nhà ở 20 phố Phan Đình Phùng, bên cạnh những câu chuyện về nghề, chị miệt mài kể về cây cối, về khu vườn nhỏ trên sân thượng với đủ loại hoa lá, rau thơm, hành ớt.
Hôm ghé thăm NSƯT Lê Mai, nhìn bà tỉ mẩn tưới từng khóm hoa, nâng niu từng mầm lá ở mảnh vườn nhỏ trước cửa phòng mà thấy mẹ con bà có những điều giống nhau quá đỗi.
Ai nhìn vào 3 cô con gái của NSƯT Lê Mai và NSND Trần Tiến cũng xuýt xoa, trầm trồ về vẻ đẹp rất Việt Nam, rất Á Đông của họ. Cái đẹp ấy, không chỉ toát ra từ ánh mắt, gương mặt mà còn ở thần thái của cái "duyên lặn vào trong".
Có lẽ, đó là vẻ đẹp cộng hưởng bởi sự đài các của ngoại hình hòa vào chiều sâu nội tâm của người con gái Hà Nội. "Các chị ấy đều có nét giống mẹ, từ tính cách đến cuộc sống hướng nội, không ồn ào, tảo tần làm việc và chăm lo gia đình", NSƯT Lê Mai thổ lộ.
Sau những tản mạn về cuộc sống, thế thái nhân tình, về được-mất, buồn-vui của cuộc đời, nghệ sĩ Lê Mai chậm rãi: "Cuộc đời chẳng có gì là hoàn hảo cả. Mất cái này thì được cái khác, chẳng ai được tất hay mất sạch bao giờ.
Dù có lúc mệt mỏi, tuyệt vọng thì hãy cứ tin, dòng đời trôi đi, thời gian trôi đi, tất cả mọi thứ rồi lại đâu vào đấy cả thôi". Rồi bà đọc cho tôi nghe mấy câu thơ tự vịnh về mình:
"Một gốc mai già nở ba hoa
Bão tố phong ba vẫn mặn mà
Dập vùi xô đẩy đời đen bạc
Ngửa mặt nhìn trời mai vẫn mai".
Ngoài kia, gánh hàng rong đã chở đào cùng muôn loài hoa khoe sắc mang Xuân về trên phố.
NSƯT Lê Mai có cha là nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng Lê Đại Thanh. Bà kết hôn với NSND Trần Tiến, là chị gái của họa sĩ Lê Đại Chúc và NSND Lê Chức. NSND Lê Chức (sinh năm 1947) là đạo diễn, nhà biên kịch, là "giọng đọc huyền thoại" của ngành sâu khấu, truyền hình nước nhà. Ba người con gái của bà (Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi) đều là là NSƯT và NSND.
NSƯT Lê Vân (sinh năm 1958) là diễn viên múa nhưng gặt hái được nhiều thành công trong điện ảnh với hàng loạt vai diễn ấn tượng trong các phim: Chị Dậu, Thương nhớ đồng quê, Đêm hội Long Trì, Bao giờ cho đến tháng 10...
NSND Lê Khanh (sinh năm 1963) để lại nhiều dấu ấn với điện ảnh, truyền hình và sân khấu. Chị là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi được phong tặng danh hiệu NSND khi còn trẻ, lúc 38 tuổi.
NSƯT Lê Vi (sinh năm 1968) là một diễn viên điện ảnh, nghệ sĩ múa. Nhắc đến Lê Vi, khán giả không thể quên vai diễn của chị trong bộ phim "Cây bạch đàn vô danh". Vai diễn này mang lại cho chị giải thưởng Bông Sen Vàng năm 1996.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn