Sáng nay (1/3), Hội LHPN Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022- 2027). Đây là nhiệm kỳ đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển Hội LHPN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, với chủ đề: "Phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì sự phồn vinh của đất nước", Đại hội sẽ đánh giá phong trào phụ nữ và hoạt động Hội 5 năm qua và đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027.
Theo Ban tổ chức, về dự Đại hội có 1.000 đại biểu chính thức là những phụ nữ tiêu biểu, đại diện cho các lực lượng phụ nữ, các dân tộc, tôn giáo và các lĩnh vực hoạt động khác nhau trong cả nước và khoảng 200 đại biểu khách mời.
Đại hội lần này có nhiều điểm mới, trong đó việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc XIII được tiến hành công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp.
Trong thành phần đại biểu, có 35 đại biểu khối lực lượng vũ trang nhân dân (3,5%), 54 đại biểu là doanh nhân (5,4%), 83 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương (8,3%), 164 đại biểu đại diện cho 53 dân tộc thiểu số (16,4%), 41 đại biểu tiêu biểu các tôn giáo gồm Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cao đài, Hòa Hảo, Tin lành, Blamôn (4,1%).
Báo cáo Chính trị được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu vận dụng chủ trương, định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chiến lược, các chương trình Mục tiêu quốc gia có liên quan trực tiếp tới công tác phụ nữ và bình đẳng giới; các luận cứ, chứng cứ khoa học, căn cứ thực tiễn thông qua triển khai 19 đề tài, 07 chuyên đề nghiên cứu và 04 hội thảo khoa học cấp quốc gia, vùng miền, chuyên đề, các hội thảo tham vấn ý kiến của chuyên gia đầu ngành; Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035; Phát huy dân chủ trí tuệ thông qua lấy ý kiến đóng góp từ đại hội phụ nữ 3 cấp; tổ chức 42 cuộc họp/hội thảo xin ý kiến Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành TW Hội; các chuyên gia, đại diện các ban Đảng, bộ, ngành, đoàn thể.
Đặc biệt, tại Đại hội sẽ có 62 tham luận dạng bài viết và video clip được tập hợp thành kỷ yếu để các cấp Hội tiếp tục nghiên cứu, áp dụng trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội.
Điểm nhấn về hình thức thảo luận, trao đổi thông tin cũng được đổi mới trong kỳ Đại hội lần này. Bên cạnh các tham luận tại phiên toàn thể, Đại hội sẽ tổ chức 5 Trung tâm thảo luận với các chủ đề về: Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới; Phụ nữ trong nền kinh tế số; Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam; Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Với cách làm này, đại biểu Đại hội sẽ có cơ hội để tiếp cận với nhiều chủ đề khác nhau phù hợp với lĩnh vực công việc và mối quan tâm của mình.
(1) Khai mạc triển lãm "Phụ nữ Việt Nam viết tiếp những ước mơ" và phát động nhắn tin ủng hộ chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" chung tay xây dựng ít nhất 130 mô hình sinh kế, tổng giá trị 13 tỷ đồng cho phụ nữ vùng biên giới. Thời gian: Sáng ngày 9/3/2022.
(2) Phát động các cấp Hội thực hiện Đợt thi đua đặc biệt "130 công trình, phần việc vượt khó, sáng tạo, hiệu quả chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII"; tổ chức bình chọn trực tuyến 2 vòng; chọn và khen thưởng 13 công trình, phần việc tiêu biểu xuất sắc.
(3) Phát động "Tuần lễ Áo dài" trên toàn quốc nhằm tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng và khơi dậy trách nhiệm gìn giữ, phát huy di sản văn hóa Việt
(4) Phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước hưởng ứng trồng cây xanh thay cho chương trình văn nghệ chào mừng như thông lệ. Phấn đấu trồng và đảm bảo sống ít nhất 130.000 cây xanh trong dịp này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn