Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần II: Đại biểu nữ chiếm 33,28%

23:46 | 28/07/2020;
Đại hội có sự tham dự của 1.240 đại biểu được bầu chọn tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh lần thứ III, đại diện cho 54 dân tộc; trong đó đại biểu nữ chiếm 33,28%.

Chiều 28/7, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II tổ chức phiên họp về công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ II, dự kiến diễn ra vào cuối năm 2020.

Các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp.

Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần II: Đại biểu nữ chiếm 33,28% - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tham dự cuộc họp có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh cùng đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan.

Thông tin về công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, đến nay dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đã hoàn thành và được gửi xin ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo.

Chủ đề Đại hội là “Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước."

Nội dung báo cáo gồm hai phần chính: Kết quả thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ I năm 2010; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030.

Đại hội có sự tham dự của 1.240 đại biểu được bầu chọn tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh lần thứ III, đại diện cho 54 dân tộc; trong đó đại biểu nam chiếm tỷ lệ 66,72%, đại biểu nữ chiếm 33,28%.

Các dân tộc có số lượng đại biểu đông nhất gồm: Tày (11,9%), Mường (10,54%), Thái (9,72%) và Khmer (8,66%). Các dân tộc có số lượng đại biểu ít nhất, chỉ có một đại biểu là: Chứt, Pu Péo, Rơ-măm, Brâu, Ơ Đu.

Đại hội dự kiến diễn ra trong 3 ngày, vào khoảng cuối tháng 11/2020, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.

Trong khuôn khổ thời gian diễn ra Đại hội dự kiến sẽ có nhiều chương trình, hoạt động cụ thể như: tổ chức Đoàn dâng hương tại Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ); vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt Đoàn đại biểu đại diện dự Đại hội; chiếu phim “Bác Hồ kính yêu người là niềm tin tất thắng”; dạ hội “Tâm hồn Việt Nam hướng tới di sản văn hóa thế giới”...

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định từ Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ I đến nay, Đảng, Nhà nước Việt Nam tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên đầu tư phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số; chăm lo củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững chắc, phấn đấu đạt và vượt các nội dung xác định trong Quyết tâm thư của Đại hội.

Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần II: Đại biểu nữ chiếm 33,28% - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Đánh giá cao công tác chuẩn bị tích cực cho Đại hội của các thành viên Ban Chỉ đạo và các Tiểu ban, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ bày tỏ thống nhất với chủ đề, nhiều nội dung trong kế hoạch tổ chức Đại hội; đồng thời nhấn mạnh cần đảm bảo yếu tố an ninh, an toàn trong thời gian diễn ra sự kiện.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, quá trình chuẩn bị cần tiến hành song song với việc làm tốt công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về Đại hội trên các phương tiện truyền thông, báo chí; tăng cường thông tin đối nội, đối ngoại về mục đích, ý nghĩa, các hoạt động trong khuôn khổ Đại hội theo hướng đầy đủ, chi tiết, với nội dung phong phú, đa dạng, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam.

Đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về vấn đề đẩy mạnh tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận những nỗ lực của Ban Chỉ đạo thời gian qua đã khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể và các phương án tổ chức hoạt động đảm bảo đúng tính chất, yêu cẩu của Đại hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các Tiểu ban tiếp tục xác định rõ và hoàn thành tốt những nhiệm vụ được phân công; tổ chức Đại hội không xảy ra sơ xuất, thể hiện yếu tố chính trị cao, qua đó khẳng định Đại hội là dịp hiệu triệu, tập hợp, đoàn kết các dân tộc để cùng xây dựng đất nước Việt Nam cường thịnh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn