Đại sứ Australia về Bình đẳng giới: Cần thay đổi định kiến và trao nhiều cơ hội hơn cho nữ giới

22:47 | 23/05/2024;
Nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Đại sứ Australia về Bình đẳng giới Stephanie Copus Campbell AM (sau đây gọi tắt là Đại sứ Stephanie Corpus Campbell), PNVN đã có buổi trò chuyện với bà về những kinh nghiệm thực hiện bình đẳng giới, đặc biệt là với nhóm đối tượng phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS).

- PV: Thưa Đại sứ, bà có thể chia sẻ kinh nghiệm thực hiện bình đẳng giới tại Australia? 

- Đại sứ Stephanie Corpus Campbell: Đó là một hành trình dài với những chiến lược được thực hiện một cách khoa học và đi từng bước một. Ở thời điểm hiện tại, chiến lược liên quan đến bình đẳng giới của Australia đang được xây dựng một cách toàn diện ở mọi lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, xã hội. Đặc biệt, việc thúc đẩy phụ nữ tham chính đã thực sự xoá nhoà khoảng cách giới và những định kiến không đúng về năng lực của phụ nữ.

Chúng tôi sử dụng hệ thống thu thập dữ liệu, sau đó đưa ra các phân tích, chẳng hạn như: tỉ lệ nữ giới làm lãnh đạo, tỉ lệ lao động nữ giới ở các ngành nghề... Sau khi tiến hành so sánh và đưa ra các đánh giá dựa trên một số tiêu chí nhất định, chúng tôi sẽ có những nghiên cứu để thúc đẩy và điều chỉnh các hoạt động cụ thể nhằm đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực đó. Ngoài việc thúc đẩy phụ nữ làm lãnh đạo, chúng tôi cũng có những chiến lược, chính sách cụ thể để thúc đẩy sự đóng góp của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực, thông qua các nguồn đầu tư công. 

- PV: Từ những kinh nghiệm đó, bà nhìn nhận Việt Nam phải đối mặt với những thách thức nào trong việc thực hiện bình đẳng giới? 

- Đại sứ Stephanie Corpus Campbell: Như tôi đã đề cập ở trên thì việc thực hiện bình đẳng giới luôn là một vấn đề nan giải đối với các quốc gia. Để làm được, chúng ta cần rất nhiều thời gian cũng như một lộ trình cụ thể. Theo quan niệm từ thời xa xưa, nữ giới thường được gắn liền với những vai trò kém quan trọng. Tuy nhiên, theo thời gian, quan niệm này đã được chứng minh là không hoàn toàn đúng vì rõ ràng,  khả năng của phụ nữ không thua kém gì nam giới.

Nữ giới toàn cầu nói chung hay Việt Nam nói riêng xứng đáng được trao những trọng trách cao cả hơn, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung ở mọi lĩnh vực. Theo quan điểm của tôi, thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề về định kiến. Điều này hiện hữu ở ngay cả các quốc gia đã phát triển (ví dụ Australia) chứ không chỉ riêng tại Việt Nam. Do đó, việc thay đổi định kiến cùng các chính sách trao nhiều cơ hội hơn cho nữ giới sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới. 

Đại sứ về Bình đẳng giới của Australia Stephanie Corpus Campbell 


- PV: Australia và Việt Nam đều là những quốc gia có đông dân tộc thiểu số (DTTS) cùng sinh sống. Phía Australia có thể chia sẻ kinh nghiệm thực hiện bình đẳng giới với riêng nhóm đối tượng là người DTTS không, thưa bà? 

- Đại sứ Stephanie Corpus Campbell: Tôi cảm thấy rất tự hào về việc Australia là một quốc gia có lịch sử và văn hoá rất phong phú với nhiều chủng tộc khác nhau. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những thách thức cho việc thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là ở nhóm đối tượng DTTS. 

Phụ nữ DTTS ở Australia thường gặp những hạn chế về giao tiếp, sức khoẻ, giáo dục, tri thức... vì điều kiện kinh tế - xã hội của những khu vực mà người DTTS sinh sống thường là vùng sâu, vùng xa, khó có thể so sánh được với các khu vực khác. Tuy những hạn chế đó phần nào cản trở cơ hội phát triển của họ, song điều này không đồng nghĩa với việc họ là những người không có khả năng. Thách thức ở đây là làm sao để xây dựng được môi trường và hỗ trợ họ có cơ hội được phát triển như những người phụ nữ bình thường khác.

Chính phủ Australia hiện có những ủy ban đại diện cho nhóm đối tượng thiểu số cùng những cơ chế, chính sách dành riêng cho nhóm đối tượng này, với mục đích đảm bảo tất cả mọi thành phần nữ giới đều có được cơ hội học tập và phát triển công bằng. 

- PV: Vậy qua quá trình đã tìm hiểu và trực tiếp đến Việt Nam, bà đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ DTTS? 

- Đại sứ Stephanie Corpus Campbell: Tôi cho rằng, Việt Nam là một quốc gia có vẻ đẹp hữu tình, cùng với đó là tiềm năng phát triển rất lớn của người phụ nữ Việt. Họ là những người có năng lượng, sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Hãy trao cho họ những cơ hội và bạn sẽ thấy rằng Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ và thịnh vượng hơn nữa trong tương lai với sự đóng góp và tham gia ngày một nhiều hơn của nữ giới. 

Với các phụ nữ DTTS, tôi nhận thấy họ cũng gặp những rào cản, thách thức tương tự như phụ nữ DTTS tại Australia. Để có thể tiến tới bình đẳng giới, không gì tốt hơn việc Chính phủ Việt Nam cần có những cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ nhóm đối tượng này. Và như tôi được biết, Việt Nam hiện đang làm rất tốt. Tôi thực sự được truyền cảm hứng khi tìm hiểu về những thành tựu của Việt Nam trong việc nâng cao quyền kinh tế của phụ nữ.

- PV: Là người có nhiều năm nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực này, bà có lời khuyên nào cho phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ yếu thế và phụ nữ DTTS để tiến tới bình đẳng giới? 

- Đại sứ Stephanie Corpus Campbell: Để hướng tới bình đẳng giới, chúng ta cần sự kết hợp, cộng hưởng từ nhiều nhân tố như chính phủ, cộng đồng, các gia đình và bản thân những người phụ nữ. Một quốc gia tích cực thúc đẩy bình đẳng giới mạnh mẽ chắc chắn sẽ tạo ra được sự khác biệt. 

Tôi chỉ có thể nói rằng những người phụ nữ Việt Nam hãy cố gắng học tập, trau dồi bản thân, làm việc chăm chỉ và nắm bắt những cơ hội. Cùng với đó, sự quan tâm của chính phủ với các chính sách hỗ trợ là vô cùng quan trọng. Tôi luôn tin tưởng rằng việc đạt được bình đẳng giới chính là "cột mốc chuyển mình" đối với một nền kinh tế và tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ sớm đạt được điều này.

- PV: Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn