Đại sứ Gareth Ward: Tạo bình đẳng cho phụ nữ là tiền đề của phát triển bền vững

08:29 | 19/10/2018;
Trả lời phỏng vấn của Báo PNVN nhân Ngày phụ nữ Việt Nam (20/10), ông Gareth Ward - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam - nhận xét: Vấn đề bình đẳng giới đối với phụ nữ không phải là vấn đề “có cho vui” mà cần phải xem đây chính là một trong những tiền đề cho sự phát triển bền vững.

Bình đẳng giới không phải là “có cho vui”

Ông nhận xét thế nào về vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay?

Ấn tượng đầu tiên của tôi là Việt Nam đang làm tốt và đạt nhiều chỉ số trong công tác bình đẳng giới. Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn các công ước quốc tế quan trọng như Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và Việt Nam cũng đã xây dựng khung pháp lý rất tốt liên quan đến bình đẳng giới với việc ban hành Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Bộ luật Lao động...

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia bình đẳng giới hàng đầu ở Châu Á, với các chỉ số mạnh về sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động và chính trị, cũng như tỉ lệ trẻ em gái được tiếp cận với giáo dục khá cao.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những vấn đề đáng lo ngại khác, ví dụ tình trạng bạo lực gia đình, hay việc còn thiếu những lãnh đạo là phụ nữ người dân tộc thiểu số và mức độ bạo lực giới vẫn còn cao...

a2-1.jpg
Đại sứ Gareth Ward trong một chuyến đi xe buýt hai tầng vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Ông cho biết, sau 20 năm kể từ lần đầu tiên ông đến Việt Nam, tới nay Việt Nam đã và đang có những thay đổi và phát triển to lớn, song Hà Nội vẫn giữ được nét đẹp của ngày xưa. Ảnh: Hoàng Sơn

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của Anh quốc trong việc phát huy vai trò của phụ nữ trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội?

Chính phủ Anh tin rằng cơ hội bình đẳng cho phụ nữ là rất quan trọng, đó là tiền đề để đảm bảo cho một môi trường an toàn, ổn định và thịnh vượng cũng như phát triển bền vững bao hàm trong toàn bộ các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội.

Bình đẳng giới cũng là một lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của Vương quốc Anh, và như lời Thủ tướng Theresa May đã từng khẳng định, rằng: “Bình đẳng giới không phải là một vấn đề có cho vui mà là một vấn đề thiết yếu”.

Hiện nay chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm liên quan tới vấn đề bình đẳng giới, nhưng chúng tôi cũng đã đạt được nhiều thành tựu trên nhiều mặt. Vương quốc Anh đã ban hành Luật Bình đẳng giới vào năm 2010, trong đó quy định khung pháp lý cho việc bảo vệ quyền của các cá nhân, đảm bảo cho các cá nhân không bị đối xử bất bình đẳng và thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người.

Thúc đẩy bình đẳng giới là mối quan tâm hàng đầu của Vương quốc Anh cả ở trong nước và trên toàn cầu. Chúng tôi tin tưởng rằng việc trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái sẽ góp phần tăng cường hòa bình và ổn định, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

Vương quốc Anh đã triển khai rất nhiều sáng kiến nhằm đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị chẳng hạn như chiến dịch “50:50 #AskHerToStand” của Nghị viện Anh, nhằm xóa bỏ sự bất bình đẳng giới ở Nghị viện và vào năm 2018, khắp Vương Quốc Anh đã kỉ niệm 100 năm ngày phụ nữ được quyền bầu cử tại Anh, hay giáo dục người trẻ về dân chủ và truyền cảm hứng cho phụ nữ tham gia vào chính trị ở mọi cấp độ...

Chúng tôi hiện có Nghị viện với thành phần đa dạng nhất trong lịch sử với nữ Thủ tướng thứ hai và số lượng nữ nghị sĩ cao kỷ lục tại cuộc tổng tuyển cử vào tháng 6/2017 (số lượng nữ nghị sĩ chiếm 32% tổng số nghị sĩ, tăng từ 22% trong năm 2010).

Ngoài ra, trong năm nay, theo quy định của luật, các tổ chức lớn (với hơn 250 nhân viên) phải báo cáo và xuất bản dữ liệu về khoảng cách tiền lương theo giới cho tổ chức của mình. Hiện nay, trong chỉ số khoảng cách tiền lương theo giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế Giới năm 2017, nước Anh đã tăng 5 bậc, lên vị trí thứ 15 trên thế giới.

Cần bình đẳng về việc làm và thu nhập

Có ý kiến cho rằng, quyền của người phụ nữ tại Việt Nam vẫn còn những hạn chế. Vậy theo ông, Việt Nam nên làm gì để cải thiện vấn đề này?

Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu trong lĩnh vực bình đẳng giới, đặc biệt là trong cải cách khung pháp lý để phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lĩnh vực cần phải cải thiện. Ví dụ, vẫn còn khoảng cách khá lớn trong cơ hội việc làm và tiền lương cho các nhóm phụ nữ khác nhau. Một vấn đề khác nữa là làm thế nào để đảm bảo phụ nữ có thể tiếp cận với việc làm bền vững với điều kiện làm việc an toàn, tiền lương ổn định và bảo đảm về an sinh xã hội.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để giải quyết các vấn đề này trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động, trong đó tập trung vào các lĩnh vực chính như quy định bình đẳng về tuổi nghỉ hưu của nam và nữ, xóa bỏ định kiến về phụ nữ có thể chất yếu hơn nam giới, tăng cường các quy định nhằm ngăn chặn nạn bạo lực tình dục và bạo lực về giới tại nơi làm việc. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng đã giữ lại các quy định về thời gian nghỉ chăm con nhỏ và cho con bú cũng như bổ sung quy định về thời gian nghỉ chăm con nhỏ cho nam giới. 

bd.jpg
Ảnh minh họa

 

Quan trọng hơn, bình đẳng giới không chỉ là vấn đề của phụ nữ mà còn là bình đẳng đối với tất cả phụ nữ và nam giới, trẻ em trai và trẻ em gái. Để đạt được những lợi ích của bình đẳng giới cho tất cả mọi người thì các cơ quan, các tổ chức giáo dục và xã hội cần phải thích nghi.

Nếu đàn ông là những người đóng góp bình đẳng cho lao động gia đình và chăm sóc trẻ em, chúng ta sẽ thấy tăng trưởng kinh tế lớn hơn với việc phụ nữ đi làm trở lại và được trả lương. Chính sách việc làm cho phụ nữ và nam giới bình đẳng sẽ hỗ trợ cuộc sống gia đình hoặc tạo ra cơ chế làm việc linh hoạt, từ đó sẽ giúp phụ nữ và nam giới có thể sắp xếp công việc và chăm sóc gia đình được tốt hơn.

Hiện nay, Chính phủ Anh có dự án tài trợ hoặc chương trình gì nhằm thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới với trọng tâm là người phụ nữ tại Việt Nam không, thưa ông?

Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đang rất tích cực đẩy mạnh vấn đề bình đẳng giới. Vương quốc Anh cũng là quốc gia đi đầu với chiến dịch toàn cầu để giúp tất cả các bé gái và bé trai có 12 năm học chất lượng vào năm 2030. Như tôi đã nói ở trên, Việt Nam đã làm tốt về việc giúp trẻ em gái tiếp cận giáo dục, nhưng vẫn có những trẻ em gái gặp những rào cản, chưa phát huy được hết tiềm năng bản thân, đặc biệt là trong một số ngành nghề cụ thể.

Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Bộ giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Hội đồng Anh tại Việt Nam để thực hiện hai dự án liên quan đến bảo vệ trẻ em nhằm giảm thiểu bạo lực đối với trẻ em gái trong các trường học và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em gái trong lĩnh vực khoa học và đổi mới sáng tạo.

Tháng 6/2018, trong chuyến thăm Việt Nam của Bà Helen Pankhurst (hậu duệ của các lãnh tụ phong trào đấu tranh giành quyền bầu cử cho phụ nữ ở Anh) để đánh dấu 100 năm phụ nữ giành quyền bầu cử tại Vương Quốc Anh, chúng tôi đã tổ chức toạ đàm với Đảng Cộng sản Việt Nam về vai trò của phụ nữ trong chính trị và lãnh đạo cấp cao. Trong đó, nội dung tọa đàm tập trung vào việc làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa các quy định của pháp luật với thực tế, khuyến khích các tấm gương điển hình vượt qua các rào cản cũng như đề ra các biện pháp để khuyến khích phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo cấp cao và phát huy được hết khả năng của mình.

Cuối cùng, tôi rất mong những phụ nữ Việt Nam tài năng sẽ giành được giải thưởng “Phụ nữ tương lai khu vực Đông Nam Á”. Giải thưởng này nhằm tôn vinh những tấm gương phụ nữ trong nhiều lĩnh vực, từ khoa học kĩ thuật tới kinh doanh và dịch vụ công. Hiện nay, vòng đề cử cho giải này sẽ kết thúc vào ngày 19/10 và lễ trao giải sẽ diễn ra vào tháng 3/2019 tới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn