Đại sứ Thiện chí của UN Women - diễn viên Anne Hathaway - gửi thông thúc đẩy bình đẳng giới trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20.
Giữa nhiều khủng hoảng nối tiếp nhau đang đe dọa đến các tiến bộ cho quyền phụ nữ và đẩy phụ nữ ra khỏi nền kinh tế được trả lương, Đại sứ Thiện chí cho UN Women (Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ) Anne Hathaway hôm nay, 14/11 đã kêu gọi đặt phụ nữ vào vị trí trung tâm trong phát triển và phục hồi nền kinh tế.
Phát biểu thông qua một thông điệp video tại Business 20 (B20) – diễn đàn chính thức của G20 dành cho cộng đồng doanh nghiệp quốc tế với nhiệm vụ tạo ra các tư vấn chính sách cho Chủ tịch G20 (Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới), được tổ chức hôm nay tại Bali, Đại sứ Hathaway có những chia sẻ:
"Trong bối cảnh giá nhiên liệu và thực phẩm đang tăng cao toàn cầu, giữa cuộc khủng hoảng khí hậu và những xung đột quân sự kéo dài, thu nhập của phụ nữ – cũng như những đóng góp của họ cho sự thành công của các doanh nghiệp và sự phục hồi của thị trường, quan trọng hơn bao giờ hết. Năm nay, tại 169 quốc gia và vùng lãnh thổ, nghĩa là gần như toàn bộ thế giới, sự tham gia của lực lượng lao động nữ được dự đoán sẽ thấp hơn mức trước đại dịch".
Nghiên cứu của UN Women cho thấy rằng có nhiều nữ giới hơn nam giới đã rời khỏi lực lượng lao động vào năm 2020 do tác động của đại dịch để gánh vác số lượng các nhiệm vụ chăm sóc gia đình tăng cao khi các quy định phòng dịch buộc mọi người ở nhà và số thời gian rời khỏi thị trường việc làm của nữ giới cũng dài hơn. Phụ nữ đang phải gánh trên vai trách nhiệm chăm sóc gia đình lớn hơn, gấp ít nhất 3 lần về số giờ so với nam giới, dẫn đến việc phụ nữ đang dành 512 tỷ giờ làm việc không lương cho các công việc chăm sóc tại gia.
Giám đốc Điều hành của UN Women, bà Sima Bahous, nhấn mạnh rằng sự phát triển của tương lai thế giới phụ thuộc vào kỹ năng và khả năng lãnh đạo của phụ nữ. Bà quan sát được cách mà, trong đại dịch Covid-19, "phụ nữ đã duy trì và chống đỡ gia đình của họ, cung cấp nhân lực cho hệ thống y tế và phát minh ra các vaccine cứu người. Với vai trò là lãnh đạo của các quốc gia, phụ nữ đã khởi động những phản ứng hiệu quả nhất chống lại đại dịch."
Theo dữ liệu mới nhất của UN Women, nơi nào sự hiện diện của phụ nữ rõ ràng hơn trong chính phủ và các phong trào nữ quyền mạnh mẽ hơn thì phản ứng trước các khủng hoảng có tác động đồng đều tới các giới tính và mang lại hiệu quả cho mọi người dân. "Những khủng hoảng mang tính hệ thống và phân biệt về mặt giới tính cần các giải pháp mang tính hệ thống và cân nhắc đến vấn đề giới tính", bà Bahous chia sẻ.
Bà thúc giục các lãnh đạo tại Hội nghị đưa ra cam kết trong việc đặt phụ nữ và trẻ em gái vào trung tâm trong tất cả các kế hoạch của họ.
"Tiến bộ cho phụ nữ và trẻ em gái đang bị thụt lùi nghiêm trọng tại nhiều quốc gia. Quyền lợi và sự tự do mà phụ nữ và trẻ em gái nghiễm nhiên được hưởng như được làm việc, được học tập, được tự do đưa ra các lựa chọn về cơ thể của họ, đã đột ngột bị tước đoạt đi mất. Một vài những mất mát đó đã được đưa thành luật hoặc áp đặt bởi các thể chế, số khác là bởi các khủng hoảng toàn cầu, chẳng hạn như đại dịch Covid-19", Đại sứ Hathaway nói.
Tuy nhiên, theo UN Women, chính khủng hoảng cũng là cơ hội để xây dựng các chính sách và hệ thống chăm sóc mạnh mẽ hơn. Tăng cường và áp dụng các cam kết tạo ra thay đổi nhằm đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế một cách công bằng.
+ UN Women là cơ quan của Liên Hợp quốc dành cho bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Là tiên phong trong các vấn đề về phụ nữ và trẻ em gái, UN Women đã được tạo lập để đẩy nhanh quá trình đáp ứng nhu cầu của nhóm đối tượng này trên khắp thế giới. UN Women đang mang đến các chương trình, chính sách và tiêu chuẩn để bảo vệ quyền phụ nữ và đảm bảo mỗi phụ nữ và trẻ em gái được sống hết tiềm năng của họ.
+ Anne Hathaway là một trong những diễn viên hàng đầu và có thu nhập cao nhất của Hollywood. Với hành trình dài đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái, cô đã được bổ nhiệm làm Đại sứ của UN Women vào năm 2016.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn