Đại tiện ra máu nhưng không đau là bệnh gì? Có phải ung thư không?

11:54 | 21/06/2024;
Đại tiện ra máu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đại tiện ra máu có thể kèm theo các cơn đau âm ỉ, đau nhói hoặc không đau.

Đại tiện ra máu đôi khi chỉ đơn giản là một triệu chứng ngắn hạn có liên quan tới một nguyên nhân có thể điều trị được, chẳng hạn như bệnh trĩ. Tuy nhiên có một số nguyên nhân gây đại tiện lẫn máu trong thời gian dài cần phải được chẩn đoán sớm và can thiệp điều trị trước khi tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

1. Nguyên nhân gây đại tiện lẫn máu nhưng không đau

Dưới đây là những nguyên nhân có thể dẫn tới đại tiện lẫn máu nhưng không đau mà bạn có thể tham khảo, theo Healthline:

1.1. Bệnh trĩ

Bệnh trĩ xảy ra khi các tĩnh mạch trong trực tràng hoặc hậu môn của bạn sưng lên, viêm và phình ra ngoài. Bệnh trĩ không phải lúc nào cũng gây đau, nhưng máu từ thành mạch búi trĩ bị sưng viêm có thể rò rỉ vào trực tràng và xuất hiện trong phân của bạn. Khi bệnh nặng hơn, nếu búi trĩ hình thành huyết khối cũng có thể bị vỡ và gây chảy máu mà không vì một tác động nào.

Đại tiện ra máu nhưng không đau là bệnh gì? Có phải ung thư không?- Ảnh 1.

Bệnh trĩ xảy ra khi các tĩnh mạch trong trực tràng hoặc hậu môn của bạn sưng lên và phình ra ngoài (Ảnh: Internet)

Một số triệu chứng khác có thể giúp bạn xác định xem có búi trĩ nội đang chảy máu bao gồm:

- Ngứa quanh hậu môn

- Cảm giác nóng rát và đau quanh hậu môn

- Hậu môn tiết dịch nhầy và có thể có mùi hôi.

- Sưng quanh hậu môn.

Bệnh trĩ chảy máu tươi không phải lúc nào cũng nguy hiểm nếu thỉnh thoảng mới xuất hiện. Tuy nhiên khi tần suất chảy máu tăng lên khi đi đại tiện, máu chảy nhỏ giọt khó cầm, búi trĩ sa ra bên ngoài hậu môn, chảy dịch hôi tanh sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu máu và đe dọa tới sức khỏe của người bệnh. Lúc này bệnh nhân cần được thăm khám sớm tại các cơ sở chuyên khoa.

1.2. Nứt/rách hậu môn

Nứt hậu môn xảy ra khi da quanh hậu môn của bạn nứt và chảy máu, phổ biến khi đại tiện. Nứt hậu môn không phải lúc nào cũng gây đau nhưng có thể dẫn tới cảm giác châm chích hoặc đau rát, đặc biệt là khi vết rách mới hình thành.

Các triệu chứng của nứt hậu môn bao gồm:

- Đau rát hậu môn khi đại tiện, có thể có lẫn máu màu đỏ nhạt với lượng không nhiều

- Hậu môn sưng đau

- Xuất hiện khối da thừa ở hậu môn ở đường sau, đôi khi khối da thừa này cũng có cảm giác đau đớn khi chạm vào

- Chảy dịch hậu môn gây ngứa.

Thông thường bạn không cần phải điều trị gì cho rách hậu môn trừ khi nhiễm trùng phát triển do không giữ vệ sinh sạch sẽ hoặc cần thăm khám nếu vết rách lớn kéo dài gây chảy máu nhiều hơn để tránh biến chứng.

1.3. Polyp

Polyp là những u nang mọc trong ruột già có hình dạng giống như cây nấm. Polyp thường không gây đau. Nếu polyp phát triển trong đường tiêu hóa và bị tổn thương, chúng có thể rò rỉ máu vào ruột của bạn và gây ra tình trạng đại tiện lẫn máu nhưng không đau. Máu trong phân có thể có màu đỏ tươi hoặc làm cho phân chuyển sang màu đen.

Hầu hết các polyp chỉ là sự phát triển thái quá của mô và không đáng lo ngại. Tuy nhiên, một số polyp có thể trở thành ung thư nếu không được điều trị và tầm soát định kỳ để phát hiện sự phát triển bất thường.

Đại tiện ra máu nhưng không đau là bệnh gì? Có phải ung thư không?- Ảnh 2.

Polyp là những u nang mọc trong ruột già có hình dạng giống như nấm (Ảnh: Internet)

1.4. Ung thư đại trực tràng

Ung thư đại tràng có thể gây ra tình trạng đại tiện lẫn máu do sự phát triển của khối u làm tổn thương và suy yếu niêm mạc đường tiêu hóa cũng như các mạch máu trong ruột già. Điều này có thể dẫn đến việc máu xuất hiện trong phân. Nhiều trường hợp bị ung thư do polyp phát triển từ sự tăng sinh niêm mạc đại trực tràng.

Tùy vị trí của khối u mà màu sắc máu trong phân sẽ khác nhau. Máu đỏ tươi trong phân cho thấy tình trạng chảy máu xảy ra ở đoạn cuối của ống tiêu hóa, có thể là dấu hiệu của ung thư trực tràng. Ngược lại, máu trong phân có màu sẫm hoặc đen thường là dấu hiệu của tình trạng xuất huyết ở những phần đầu đại tràng như manh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang...

Ung thư đại trực tràng thường có thể điều trị nếu các bác sĩ phát hiện bệnh trước khi nó lan rộng đến các cơ quan khác. Các bác sĩ có thể loại bỏ khối u ung thư hoặc cắt bỏ các phần bị ảnh hưởng của ruột để ngăn chặn tế bạo ung thư lan rộng.

Các triệu chứng của ung thư đại trực tràng có thể bao gồm: Thay đổi thói quen đại tiện, thay đổi cấu trúc phân, đau bụng, đầy hơi thường xuyên, giảm cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi mãn tính, suy nhược cơ thể nghiêm trọng.

1.5. Bệnh viêm ruột

Bệnh viêm ruột (IBD) đề cập đến các tình trạng rối loạn gây viêm trong đường tiêu hóa dẫn tới tiêu chảy, viêm và nhiều triệu chứng tiêu hóa khác. Bệnh viêm ruột bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại trực tràng.

Bệnh viêm ruột, phổ biến là viêm loét đại trực tràng có thể gây ra tình trạng đại tiện phân lẫn máu. Điều này xảy ra khi có tổn thương hoặc viêm nhiễm trong đường ruột, dẫn đến việc mạch máu bị tổn thương và chảy máu vào lòng ruột. Cơn đau bụng có thể xảy ra từ mức độ vừa phải cho đến nghiêm trọng khiến người bệnh đại tiện nhiều lần trong ngày. Tiêu chảy lẫn máu kéo dài có thể dẫn tới bị mất máu.

Đại tiện ra máu nhưng không đau là bệnh gì? Có phải ung thư không?- Ảnh 3.

Bệnh viêm ruột (IBD) đề cập đến các tình trạng gây viêm trong đường tiêu hóa của bạn (Ảnh: Internet)

Một số dạng IBD nhẹ và có thể quản lý được bằng chế độ ăn hoặc thay đổi lối sống. Nhưng một số loại viêm có thể gây ra đau đớn, khó chịu hoặc khó khăn trong việc đại tiện cần thăm khám bác sĩ sớm.

Màu sắc của máu trong phân có thể là một dấu hiệu phân biệt

Ngoài việc dựa vào các triệu chứng kèm theo khi đại tiện lẫn máu thì màu sắc của máu trong phân cũng có thể giúp phân biệt cơ bản, cụ thể:

- Màu đỏ: Nếu máu trong phân có màu đỏ tươi, nguyên nhân có thể nằm ở đường tiêu hóa hoặc vị trí thấp hơn gần trực tràng hoặc hậu môn, chẳng hạn như bệnh trĩ.

- Màu hạt dẻ: Đại tiện lẫn máu có màu hạt dẻ hoặc đỏ sẫm cho thấy nguyên nhân đến từ đại tràng, chẳng hạn như ruột non.

- Màu đen: Màu đen trong phân hoặc sẫm đen như hắc ín có thể chỉ ra nguyên nhân từ dạ dày, chẳng hạn như loét dạ dày.

Tuy nhiên các yếu tố này chỉ mang tính chất tham khảo, điều quan trọng là thăm khám bác sĩ để được chấn đoán và thăm khám bằng cách xét nghiệm cụ thể.

2. Khi nào đại tiện lẫn máu nhưng không đau là trường hợp nghiêm trọng?

Nếu bạn cảm thấy đau nghiêm trọng ở bụng sau khi nhận thấy có máu trong phân, đặc biệt là nếu cảm giác đau xảy ra đột ngột, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.

Các triệu chứng khác cho thấy bạn cần liên hệ với bác sĩ bao gồm:

- Chóng mặt

- Cảm giác áp lực, căng tức liên tục trên hậu môn

- Ớn lạnh

- Sốt

- Buồn nôn hoặc nôn mà không rõ nguyên nhân

- Táo bón

- Tiêu chảy

- Nhịp tim tăng

- Khó tiểu

- Mất ý thức.

Đại tiện ra máu nhưng không đau là bệnh gì? Có phải ung thư không?- Ảnh 4.

Nếu bạn cảm thấy đau nặng ở bụng sau khi nhận thấy có máu trong phân, đặc biệt là nếu cảm giác đau xảy ra đột ngột, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt (Ảnh: Internet)

Bác sĩ hoặc chuyên gia tiêu hóa có thể chỉ định một số xét nghiệm để chẩn đoán tình trạng sức khỏe cơ bản, bao gồm:

- Khám lâm sàng để tìm kiếm các nguyên nhân loại trừ

- Xét nghiệm máu, xét nghiệm phân

- Nội soi dạ dày để tìm kiếm vị trí chảy máu trong dạ dày nếu có

- Nội soi đại tràng để kiểm tra trực tràng và đại tràng

- Nội soi toàn bộ đại tràng để tìm kiếm trĩ nội hoặc các nguyên nhân khác.

Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về lịch sử của tình trạng đại tiện lẫn máu bao gồm mức độ thường xuyên, lượng máu lẫn trong phân hay có các triệu chứng khác kèm theo hay không; tiền sử sử dụng thuốc; tiền sử quan hệ tình dục hậu môn;...

Bạn có thể làm gì nếu đại tiện lẫn máu nhưng không đau?

Trong khi chờ được chẩn đoán nguyên nhân khiến bạn đại tiện ra máu là gì thì bạn có thể:

- Di chuyển xung quanh hoặc đứng lên ít nhất một lần mỗi giờ để giảm áp lực lên phần dưới của cơ thể do việc ngồi gây ra

- Sử dụng thuốc mỡ hoặc kem để điều trị bệnh trĩ và nứt kẽ hậu môn

- Không nên rặn khi đi cầu, vì điều này có thể gây ra bệnh trĩ hoặc nứt kẽ hậu môn

- Uống nước để thúc đẩy tiêu hóa và giúp phân dễ di chuyển trong ruột ra ngoài hơn

- Ăn nhiều chất xơ để cải thiện tiêu hóa.

Tóm lại, đại tiện lẫn máu mà không đau không phải lúc nào cũng là nguyên nhân cần lo ngại nhưng điều quan trọng là bạn cần quan sát những biểu hiện bất thường khác kèm theo để thăm khám sớm và được điều trị kịp thời, chẳng hạn như đại tiện lẫn máu kéo dài, các cơn đau xuất hiện dày hơn hoặc tiêu chảy, sốt không rõ nguyên nhân.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn