Đánh giá cao những công lao, đóng góp to lớn của các thế hệ phụ nữ Việt Nam suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trong bài viết Vì một xã hội công bằng, văn minh, nam nữ thực sự bình đẳng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Chính Hai Bà Trưng, hai người phụ nữ, là những người đầu tiên đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa giành lại quyền độc lập tự chủ cho non sông gấm vóc vua Hùng để lại. Từ đó, trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, từ các nữ anh hùng cho đến đông đảo chị em phụ nữ đã có một vai trò lớn lao, từ các nữ tướng, nữ đô đốc, cho đến các bà công chúa lo liệu quân lương, chị bán hàng vô danh đã chỉ cho Đức Thánh Trần mức lên xuống của nước thủy triều sông Bạch Đằng, bà chúa đã dạy cho dân thêu thùa ở bến đò Tam Cốc, bà chúa dân dã dạy cho dân nghề nuôi tằm ươm tơ ở dốc Tam Điệp.
Đến thời cận đại, hiện đại, nhất là từ khi Đảng ta ra đời lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, thì từ Nam chí Bắc ra ngõ là gặp anh hùng, cả nam và nữ. Từ Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định…, các đội du kích nữ Hoàng Ngân, Trưng Trắc, các đội nữ pháo binh Trung và Nam Bộ cho đến các nữ chiến sĩ đồng bào dân tộc hăng say vót chông diệt địch, các nữ chiến sĩ thanh niên xung phong ở miền Bắc và miền Nam, các nữ chiến sĩ đặc công và biệt động chiến đấu thầm lặng và anh dũng…, các bà mẹ anh hùng đáng kính, và biết bao người chị, người vợ lao động quên mình với tinh thần tất cả cho mặt trận. Cống hiến của chị em phụ nữ thật là lớn lao đối với thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống hai đế quốc to, mang lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc".
Sự tham gia đông đảo của lực lượng phụ nữ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ huyền thoại do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm tổng chỉ huy đã đóng góp rất quan trọng đưa đến chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", lập lại hòa bình cho miền Bắc nước ta. Trong bức thư gửi cho Hội LHPN Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng đã khẳng định: "Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều chị em phụ nữ đã ra trận đảm nhận nhiêm vụ công tác thông tin hoặc quân y. Còn dân công và thanh niên xung phong bảo đảm hậu cần cho chiến dịch thì đại bộ phận là các chị em từ địch hậu, từ khu V, Việt Bắc, Tây Bắc đã ngày đêm lao động quên mình, bảo đảm nhu cầu cho bộ đội, góp phần cực kỳ quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của chiến dịch".
Bên cạnh đánh giá cao vai trò và những đóng góp to lớn của các tầng lớp, thế hệ phụ nữ đối với dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn có những hành động thể hiện sự quan tâm, động viên, khích lệ kịp thời đối với phụ nữ.
Trong những ngày Nam bộ kháng chiến, Đại tướng đã có bức thư gửi Anh hùng lực lượng vũ trang - "nữ kiệt miền Đông" Hồ Thị Bi, trong đó viết: "Bộ Tổng tư lệnh đã nhận được báo cáo về công tác anh dũng và đảm đang của đồng chí. Tôi gửi lời khen ngợi chị, mong chị cố gắng hơn nữa để giúp bộ đội trong bước tổng tấn công công tiêu diệt quân giặc, khôi phục lại hoàn toàn Nam bộ yêu dấu của chúng ta". Có thể thấy, Đại tướng đặt niềm tin rất lớn vào khả năng, sức mạnh của phụ nữ.
Ngày 11/11/1965, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp đoàn đại biểu anh hùng chiến sĩ thi đua các lực lượng giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, những cái bắt tay, những cái ôm, ánh mắt trìu mến của lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng như vị Đại tướng huyền thoại dành cho các anh hùng chiến sĩ thi đua đã thể hiện rõ sự quan tâm chu đáo, tình thương yêu vô bờ bến của Người và Đại tướng dành cho những người chiến sĩ có công với đất nước.
Năm 1968, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và khen ngợi anh chị em công nhân đội vận tải Sông Gianh, Quảng Bình đã góp phần tích cực vận chuyển hàng ra tiền tuyến.
Chính nhờ sự động viên đúng lúc, kịp thời của Đại tướng đã khích lệ tinh thần vượt gian khó vươn lên của các lực lượng phụ nữ, từ những nữ thanh niên xung phong, các nữ anh hùng xông pha nơi tiền tuyến, đến những người mẹ, người vợ "ba đảm đang" ở hậu phương dốc hết sức mình làm hậu phương vững chắc, nhờ đó sức mạnh đoàn kết toàn dân càng được nhân lên gấp bội, đem lại thắng lợi hoàn toàn cho dân tộc ta.
Là 1 trong 3 người được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ tổ chức thành lập Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương - tiền thân của lực lượng Thanh niên xung phong, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành tình cảm đặc biệt cho các nam nữ thanh niên xung phong ra trận. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hàng trăm nghìn thanh niên xung phong đã sát cánh cùng quân đội nhân dân trên các chiến trường, trong đó có lực lượng không nhỏ là phụ nữ. Ngoài làm cầu, làm đường, bảo đảm giao thông, tải thương, tải đạn, thanh niên xung phong còn cùng bộ đội tham gia trực tiếp chiến đấu.
Ðại tướng Võ Nguyên Giáp thường xuyên quan tâm theo dõi hoạt động của thanh niên xung phong trên các tuyến đường ra mặt trận và thường gửi thư khen thưởng, động viên các đơn vị, cá nhân có thành tích. Có lần đi thăm các lực lượng mở đường Trường Sơn, đánh giá cao công lao của bộ đội, thanh niên xung phong, Ðại tướng khẳng định: "Ðường 20 Quyết thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của chiến sĩ và thanh niên xung phong làm nên".
Một lần khác, Ðại tướng đi qua Ngã ba Ðồng Lộc, mặc dù đêm tối, anh chị em thanh niên xung phong vẫn phát hiện ra liền hò reo và quây quanh ông như đón người thân trở về. Vừa vui mừng, cảm động muốn Ðại tướng ở lại lâu hơn, vừa lo lắng, khẩn khoản đề nghị Ðại tướng đi nhanh khỏi đoạn đường đầy nguy hiểm bởi lo máy bay địch đến bắn phá, ném bom bất kể lúc nào.
Sau này, Khi xây dựng khu Di tích lịch sử Ngã ba Ðồng Lộc, Ðại tướng đã ghi tặng: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, nhiều anh hùng, liệt sĩ ngã xuống, để lại tấm gương cho các thế hệ Việt Nam. Việc xây dựng Ngã ba Ðồng Lộc thành Khu Di tích thanh niên xung phong cả nước có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Ðại tướng gửi một cây đa và một cây ngọc lan qua đoàn cán bộ của tỉnh Hà Tĩnh cùng lời nhắn nhủ: "Tôi và gia đình tặng Ngã ba Đồng Lộc cây đa và cây ngọc lan này để bày tỏ tấm lòng của bản thân tôi và gia đình đối với các liệt sĩ Đồng Lộc. Mong các đồng chí đem về trồng và chăm sóc cho cây đâm chồi nảy lộc và mãi mãi xanh tươi ở Ngã ba lịch sử này".
Hơn 170 vạn nữ thanh niên xung phong tham gia các thời kỳ kháng chiến, bảo vệ, xây dựng Tổ quốc luôn trong lòng Đại tướng, để sau này, chính ông là người tích cực đề nghị Ðảng và Nhà nước có chính sách ưu đãi dành cho cựu nữ thanh niên xung phong.
Từ trên xuống, từ trái sang: Mẹ Suốt (Anh hùng Nguyễn Thị Suốt) với Đại tướng tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ tổ chức ở Hà Nội ngày 28/12/1966; Đại tướng hỏi thăm sức khỏe bà Nguyễn Thị Vĩnh (thọ 108 tuổi) ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc năm 1996; Đại tướng với Anh hùng lao động Phạm Thị Nghèng tại quê hương Quảng Bình tháng 8/1999
Ngày hòa bình lập lại, Đại tướng vẫn luôn khẳng định công lao to lớn của các thế hệ phụ nữ. Đại tướng thể hiện niềm tự hào, sự ngưỡng mộ từ đáy lòng mỗi khi nói về phụ nữ. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí về những kỷ niệm với nữ tướng Nguyễn Thị Định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: "Chị Ba Định là vị tướng cả thời chiến lẫn thời bình. Chị là người phụ nữ Nam bộ dịu dàng nhưng rất cương trực, dũng cảm. Ở cương vị nào chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bác Hồ từng khen chị: "Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta". Tôi tự hào về chị". Đó là những lời chứa chan tình cảm và sự trân trọng mà Đại tướng dành cho nữ tướng Nguyễn Thị Định.
Tại Đại hội Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam lần thứ 2 diễn ra tháng 9/1990, Đại tướng lần lượt đi bắt tay thăm hỏi các đại biểu dự Đại hội. Khi biết một đại biểu quê ở xã Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình, Đại tướng cười hiền từ nói: "Thế là bác cháu ta cùng đồng hương rồi. Bảo Ninh quê cháu có hai nữ anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đó là bà mẹ Suốt và bà mẹ Khíu. Đây là niềm vinh dự, tự hào của quê hương Quảng Bình chúng ta và của nhân dân cả nước".
Trong những chuyến công tác của mình, Đại tướng luôn dành nhiều thời gian để thăm hỏi, tri ân những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những nữ anh hùng chiến sĩ năm xưa, những người phụ nữ có nhiều đóng góp cho hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đại tướng đến thăm mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Hồi 96 tuổi tại Củ Chi, TPHCM; thăm hỏi sức khỏe bà Nguyễn Thị Vĩnh, gia đình có công với cách mạng (thọ 108 tuổi) ở Trị Đường Mê Linh, phường Bảo Sơn, Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) năm 1996; thăm Anh hùng Lao động Phạm Thị Nghèng trong chuyến về thăm quê vào năm 1999; thăm bà Lê Thị Om (tháng 4/2004), dân tộc Thái, Sơn La trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã hy sinh đứa con nhỏ của mình để bảo vệ cán bộ cách mạng ẩn náu trong hầm bí mật của gia đình…
Trân trọng ghi vào sổ cảm tưởng khi đến xem triển lãm "Chân dung mẹ" vào tháng 12/1995 tại Hà Nội, Đại tướng viết: "Tổ quốc đời đời biết ơn các bà mẹ anh hùng, những con người đã hy sinh tất cả vì độc lập và thống nhất của đất nước, hạnh phúc của nhân dân, tiêu biểu cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn