Thời điểm giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, làng miến Chi Lăng tại phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk lại “sáng đèn” cả ngày lẫn đêm để “chạy” đơn hàng Tết.
Sau hàng chục năm hình thành và phát triển, người làm miến ở Chi Lăng không chỉ giữ được nghề truyền thống mà còn hướng đến sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Nghề sản xuất miến truyền thống Chi Lăng hình thành từ những năm 1980 khi người dân ở một số tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình… vào Đắk Lắk lập nghiệp.
Đến nay, các sản phẩm bún, miến, phở khô của Chi Lăng không chỉ có mặt ở thị trường tỉnh Đắk Lắk mà còn vươn xa đến nhiều tỉnh, thành khác, trở thành món ăn quen thuộc trong mỗi dịp Tết đến Xuân về của nhiều gia đình Việt.
Một trong những người làm miến “có tiếng” ở Chi Lăng - ông Hà Văn Tuyến, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng, cho biết nghề làm miến truyền thống ở các tỉnh phía Bắc được bà con duy trì và phát triển ở vùng đất mới đến nay đã hơn 20 năm.
Trước đây, chỉ là những hộ sản xuất nhỏ lẻ nhằm kiếm kế sinh nhai nhưng hiện nay quy mô sản xuất được mở rộng, các sản phẩm của làng nghề ngày càng được đầu tư chất lượng, mẫu mã và xây dựng thị trường tiêu thụ, trở thành “mũi nhọn” kinh tế của nhiều hộ gia đình.
“Nhằm xây dựng thương hiệu và đảm bảo chất lượng hàng hóa, năm 2019 bản tôi cùng 8 hộ làm miến đã liên kết sản xuất, thành lập Hợp tác xã sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành khác, như Lâm Đồng, Đắk Nông, thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Tây Nam Bộ.
Do đó, tình hình sản xuất, kinh doanh cũng dần ổn định. Đặc biệt, từ trung tuần tháng 12 dương lịch hằng năm, những hộ sản ở làng miến Chi Lăng đều tất bật “chạy” đơn hàng Tết Nguyên đán”, ông Hà Văn Tuyến cho biết.
Theo Hợp tác xã sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng, năm nay, các đơn hàng Tết tăng khoảng 40% so với ngày thường và tăng 10% so với năm trước.
Dự kiến, hợp tác xã sẽ tiêu thụ khoảng 100 tấn nguyên liệu để sản xuất miến, bún, phở khô phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Vì vậy, từ nay đến giáp Tết, Làng miến Chi Lăng sẽ chạy hết “công suất,” tăng cường nhân công, tăng ca làm đêm để kịp giao hàng trước Tết Nguyên đán.
Gắn bó với công việc làm miến hơn 4 năm, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, xã Hòa Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết làng miến Chi Làng càng phát triển thì người làm công càng vui mừng khi công việc và thu nhập ổn định.
Hiện mỗi tháng, người làm công có thu nhập khoảng 5 đến 6 triệu đồng, vào vụ Tết được tăng ca thường xuyên nên thu nhập cũng khá hơn. Đây cũng thời điểm mà người làm công chạy đua với thời gian, hoàn thành các đơn hàng để có thêm thu nhập giúp gia đình chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán.
Ông Hà Văn Thích, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng cho biết gia đình cũng có hơn 20 năm thâm niên làm miến, trước đây theo cách làm truyền thống thì mọi công đoạn đều làm thủ công nên cũng khá vất vả, những năm gần các hộ dân tập trung đầu tư máy móc trong nhiều công đoạn nên năng suất làm việc, chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng được nâng lên.
Do đó, người sản xuất có thời gian mở rộng thị trường thiêu thụ, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm và nâng cao giá trị hàng hóa.
“Đến nay, sản phẩm miến, bún, phở khô truyền thống được thị trường trong và ngoài tỉnh ưu chuộng, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm cho nhiều hộ. Đặc biệt, trong mỗi dịp Tết đến Xuân về số lượng đơn hàng tăng cao, thông thường gia đình sản xuất 5-6 tạ nguyên liệu/ngày thường nay tăng lên 8-9 tạ nguyên liệu/ngày trong 2 tháng cuối năm. Do đó, làm ngày không đủ phải tranh thủ làm đêm để kịp đáp ứng nhu cầu của thị trường trong dịp Tết truyền thống của dân tộc,” ông Hà Văn Thích vui mừng chia sẻ.
Chủ tịch Hội Nông dân phường Khánh Xuân Nguyễn Đình Phúc cho biết hiện toàn phường có hơn 40 hộ làm miến truyền thống.
Được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền trong quảng bá sản phẩm, triển khai chương trình OCOP (sản phẩm bún, miếng, phở khô của Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng đạt OCOP 3 sao)… nên những năm gần đây Làng miến Chi Lăng đã xây dựng được thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ và góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Để tiếp tục phát triển nghề làm miến truyền thống ở Chi Lăng, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho các hộ đăng ký sản xuất, kinh doanh, liên hết sản xuất; xây dựng thương hiệu, nâng hạng OCOP; giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ… đồng thời, thường xuyên tuyên truyền cho các hộ sản xuất chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn