“Khát” giáo viên như là khát nước
Trường mẫu giáo Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk), trong năm học 2108-2019 có 19 lớp học, nhưng hiện tại cả trường chỉ có 17 giáo viên tại 1 điểm trường chính và 12 điểm trường lẻ. Những năm gần đây nhà trường liên tiếp “khát giáo viên”.
Cô giáo Nguyễn Thị Bình (Trường mẫu giáo Cư Pui) cho biết: “Cô phải tự gánh vác hết các việc, từ chùi nhà cho đến chăm sóc 60 học sinh. Khi cô dạy bên này thì học sinh đứng bên kia nói chuyện. Một mình cô giáo mà lo tốt cho 60 học sinh thì khó khăn lắm nên cô có kiến nghị với cấp trên xin cho cô có thêm một cô giáo nữa để hai cô cùng đồng lòng để dạy học sinh cho tốt hơn”.
Cùng chia sẻ về khó khăn đó, bà Hoàng Thị Thu - Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Cư Pui - cho biết: “Cuối ngày, chúng tôi chỉ biết nhìn nhau và nhiều khi rơi nước mắt. Chúng tôi cũng không thể bỏ nghề, không thể bỏ các cháu; Nhưng sự thật là việc thiếu giáo viên của trường không thể nói là “thiếu” nữa, mà là chúng tôi “khát giáo viên”, khát khao như khát nước vậy".
Theo Thông tư liên tịch 06/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non quy định đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi một ngày, chiểu theo tiêu chuẩn này, hiện Trường mẫu giáo Cư Pui đang bị thiếu đến 21 giáo viên và được biết đây cũng là trực trạng ở nhiều trường trong tỉnh. Còn tại tỉnh, được biết, năm học 2018 - 2019, cả tỉnh bị thiếu khoảng 1.400 giáo viên và hầu hết là giáo viên mầm non; Tuy nhiên, cạnh đó tỉnh vẫn phải tính đến việc giảm 400 biên chế, hoặc ở Krông Pắk, trước đó, trên 500 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng.
Tại sao có câu chuyện "vừa thừa vừa thiếu"?
Trước hết, lý giải cho tình trạng bị thừa này là từ bài học nhãn tiền tại huyện Krông Pắk: trên 500 giáo viên đã bị chấm dứt hợp đồng liên quan đến sai phạm trong tuyển dụng của nhiều đời Chủ tịch UBND huyện.
Ngoài ra, câu chuyện thừa - thiếu xảy ra cục bộ, tức là nơi thì thừa, nơi thì thiếu và cấp thì thừa, cấp thì thiếu (chủ yếu là thiếu ở cấp mầm non, thừa ở cấp trung học…) được cho là bởi rất nhiều nguyên nhân liên quan đến các quy định.
Cụ thể, những năm trước đó, cấp bậc mầm non có quy định là đưa ra ngoài hệ thống giáo dục công lập nên không có chỉ tiêu biên chế, gần đây mới đưa trở lại nên số lượng biên chế không nhiều so với các cấp học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông...
Mặt khác, trong ngành giáo dục, để đáp ứng lượng giáo viên cần thiếu, tại một số trường trên địa bàn tỉnh, ngoài giáo viên biên chế còn phải tuyển thêm hợp đồng để đáp ứng được nhu cầu; song ngành cũng lại đứng trước chủ trương mỗi năm phải giảm 10% nên không có biên chế để tuyển, từ đó dẫn đến tình trạng giáo viên trong biên chế thì vẫn thiếu nhưng vẫn phải tuyển thêm giáo viên hợp đồng để đáp ứng được theo sĩ số học sinh ngày càng tăng… dẫn đến tình trạng một số nơi “thừa giáo viên hợp đồng và bị thiếu giáo viên biên chế”.
Sau cùng, là nguyên nhân được cho là bởi Sở/Phòng Giáo dục - Đào tạo là cơ quan chuyên môn nhưng không phải là đầu mối về tuyển dụng. Thẩm quyền ra biên chế về tuyển dụng, quản lý viên chức ngành giáo dục lại thuộc về UBND các cấp và ngành Nội vụ. Tuy nhiên, những cơ quan này lại chưa có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên hiệu quả công tác tuyển dụng sử dụng đội ngũ giáo viên; thậm chí một số địa phương lại vi phạm về quy định tuyển dụng, bố trí, phân công công việc của giáo viên, có nơi tuyển ồ ạt, việc xây dựng quy hoạch dự báo nhu cầu giáo viên của các địa phương không hiệu quả dẫn đến tình trạng bị động trong bố trí số lượng giáo dục viên dẫn đến thừa thiếu cục bộ.
Mới đây, ngày 25/9/2018, Văn phòng chính phủ đã có công văn số 9230/VPCP-TCCV truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp ngành giáo dục các tỉnh Tây nguyên.
Công văn nêu rõ hiện nay có tình trạng thiếu giáo viên tại các tỉnh Tây nguyên nhất là cấp mầm non và tiểu học khi năm học mới bắt đầu, tiếp theo chỉ đạo tại Công văn số 8593/VPCP-TTCV ngày 7/9/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo có biện pháp giải quyết ngay biên chế giáo viên còn thiếu tại các tỉnh này, bảo đảm quyền lợi của học sinh. Đối với vấn đề vượt thẩm quyền và sớm báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định…
* Theo ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Đắk Lắk: “Đối với những đơn vị phân cấp quản lý thì trách nhiệm của Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ để thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh là tổng rà soát giáo viên từ mầm non, tiểu học cho đến trung học cơ sở để những nơi nào thừa thiếu có kiến nghị trình UBND tỉnh, tham mưu để chỉ đạo cho các địa phương đó”. * Ông Miên Klơng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk: “Số lượng giáo viên thừa nhiều nhất hiện là ở bậc trung học nhưng với bậc mầm non là rất thiếu nên hiện một số giáo viên phải đào tạo bồi dưỡng tiếp”. |