Trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, hội viên phụ nữ là người DTTS chiếm tỷ lệ 30%, hội viên có đạo chiếm 49%. Do đó, ngoài hội viên, phụ nữ là người DTTS, Hội LHPN thị xã Buôn Hồ đã mở rộng thêm đối tượng của Cuộc vận động là hội viên, phụ nữ có đạo. Trên cơ sở đó, trong quá trình thực hiện, Hội đã xây dựng kế hoạch chuyên đề thực hiện Cuộc vận động "Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ DTTS tại chỗ, có đạo" phù hợp với đặc thù địa phương.
Trao đổi với PV Báo Phụ nữ Việt Nam, bà Nguyễn Phan Minh Tiết, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Buôn Hồ, cho biết, ngay sau khi ban hành kế hoạch, thị Hội đã thống nhất chọn xã Cư Bao xây dựng mô hình điểm "Hộ gia đình phụ nữ DTTS, có đạo trồng cây xen canh" với 6 thành viên nòng cốt. Tại Lễ ra mắt mô hình, Hội đã trao tặng các thành viên 175 cây sầu riêng, 25 cây mít Thái, đồng thời hướng dẫn chị em kiến thức, kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây ăn trái.
Cùng với việc thành lập mô hình điểm, Ban Thường vụ Hội LHPN thị xã, đã chỉ đạo 100% cơ sở tiến hành khảo sát nhu cầu của hội viên để xây dựng mô hình điểm phù hợp với thực tiễn địa phương. Qua triển khai, thực hiện, toàn thị xã đã xây dựng, nhân rộng được 42 mô hình "Hộ gia đình phụ nữ DTTS tại chỗ/có đạo phát triển kinh tế" với 277 thành viên (trong đó có có 35 mô hình "Phụ nữ DTTS phát triển kinh tế trồng xen canh cây ăn trái", 2 Mô hình cải tạo cà phê, 5 mô hình chăn nuôi và phát triển nghề truyền thống...
- Được biết, song song với việc thực hiện Cuộc vận động, Hội LHPN thị xã Buôn Hồ còn có nhiều hoạt hộng, đề án khác nhằm hỗ trợ, giúp đỡ và từng bước thay đổi đời sống, năng lực mọi mặt cho hội viên, phụ nữ DTTS, phụ nữ có đạo. Cụ thể, Hội đã thực hiện việc lồng ghép như thế nào nhằm phát huy hiệu quả của các chương trình?
Bà Nguyễn Phan Minh Tiết: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả Cuộc vận động, Ban Thường vụ Hội LHPN Thị xã thực hiện lồng ghép triển khai, thực hiện Cuộc vận động với Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp".
Cụ thể, Hội đã tổ chức Diễn đàn "Chuyển đổi số - Cơ hội và thách thức đối với phụ nữ trong khởi nghiệp, kinh doanh’’, tổ chức Hội thảo "Khởi nghiệp - Thách thức và cơ hội", tập huấn kinh tế tuần hoàn nâng cao chuỗi liên kết giá trị sản phẩm, tập huấn quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và Chương trình OCOP; giới thiệu ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh, đưa sản phẩm khởi nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử; trang bị kỹ năng marketing, bán hàng online cho hơn 500 hội viên, nữ tiểu thương, doanh nghiệp; tín chấp từ các ngân hàng trao 5 tỷ đồng vốn hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho 653 hội viên (trong đó có 150 hội viên DTTS, 171 hội viên có đạo) để xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi; tiếp tục nhận ủy thác với phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã và Ngân hàng Đông Nam Á tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi; duy trì, nhân rộng mô hình thực hành tiết kiệm trong hệ thống Hội, giúp hội viên, phụ nữ DTTS, có đạo nghèo, cận nghèo, khó khăn vay để thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định đời sống...
Với việc lồng ghép triển khai Cuộc vận động gắn với với các chương trình, đề án, dự án, từ năm 2020-2023, Hội LHPN thị xã đã giúp 115 hội viên là người DTTS, 185 hội viên có đạo thoát nghèo. Thành quả này không chỉ góp phần giảm nghèo trên địa bàn thị xã, mà còn góp phần tích cực trong phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ DTTS, phụ nữ có đạo ở địa phương.
- Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Hội LHPN thị xã sẽ làm gì để tiếp tục thực hiện hiệu quả và lan toả Cuộc vận động tới từng chi tổ, hội viên phụ nữ?
Bà Nguyễn Phan Minh Tiết: Chúng tôi luôn xác định, muốn thành công phải biết thẳng thắn nhìn nhận vào những mặt còn hạn chế để khắc phục. Phải thừa nhận, song song với những kết quả đáng mừng, vẫn còn một số tồn tại Hội cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, đó là: Một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa hiệu quả do đầu ra không ổn định, vẫn còn tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa; nguồn kinh phí hỗ trợ cho các mô hình còn ít.
Để Cuộc vận động tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp các hộ gia đình phụ nữ DTTS, có đạo nghèo vươn lên, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Hội LHPN Thị xã sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các ban ngành liên quan tiếp tục tạo điều kiện về cơ chế, nguốn lực cho Hội LHPN thị xã triển khai, thực hiện Cuộc vận động tại địa phương.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tổ chức học tập kinh nghiệm các mô hình điểm của Cuộc vận động, quan tâm hỗ trợ các mô hình sản xuất, dịch vụ kinh doanh, các sản phẩm của hội viên, phụ nữ DTTS, góp phần khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếp tục đề xuất với Uỷ ban nhân dân các cấp tăng cường hỗ trợ hội viên, phụ nữ nói chung, hội viên phụ nữ DTTS, có đạo nói riêng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, mang tính bền vững; hỗ trợ xây dựng các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm khởi nghiệp, mở rộng kết nối thị trường...
- Xin cảm ơn bà!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn