Đảm bảo bình đẳng nam nữ trong kỷ nguyên công nghệ số

11:37 | 12/09/2018;
Ngày 12/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), các đồng chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) đã có buổi chia sẻ với báo chí về quan điểm bình đẳng giới trong cách mạng công nghệ 4.0 và những kỳ vọng của họ về hội nghị.
wef-asean-2018-ve-binh-dang-gioi-1.jpg
Các đồng chủ tịch WEF ASEAN 2018 trao đổi với báo giới

 

Tại buổi họp, bà Anne Birgitte Albrectsen - Giám đốc điều hành Plan International - cho biết, chủ đề của diễn đàn hôm nay liên qua đến nữ doanh nghiệp trẻ. Trong ASEAN, họ đóng vai trò vô cùng quan trọng, thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của khu vực. Hiện Plan làm việc với những người phụ nữ trẻ tuổi, những người nhập cư, những người khởi động những hoạt động doanh nghiệp của mình. “Chúng ta cần quan tâm đến vấn đề khó khăn đối với các nữ doanh nhân là thiếu tiếp cận tài chính trong nền kinh tế kỹ thuật số. Ngoài ra, chúng ta cần xóa bỏ những khoảng cách về giới”, bà Anne nói.
 
Theo Plan, phụ nữ ít tiếp cận hơn với Internet, điện thoại di động và tham gia các hoạt động công nghệ. Phụ nữ chỉ chiếm 10% trong lĩnh vực công nghệ; vì vậy, cần thúc đẩy tỷ lệ này tăng lên. 1/3 lãnh đạo ở khu vực ASEAN là phụ nữ và vẫn còn khoảng cách về giới cũng cần phải lấp đầy.
 
dd.jpg
Bà Anne Birgitte Albrectsen - Giám đốc điều hành Plan International và ông Nguyễn Mạnh Hùng - Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông
 
“Chúng ta cũng cần quan tâm đến các vấn đề cơ cấu, các tiêu chuẩn của xã hội, kỳ vọng của xã hội và những phụ nữ trẻ ngày nay chưa nhận được sự quan tâm thích đáng về chế độ tài chính và ngân hàng. Chúng ta cần nhìn nhận các chế độ mới, các cơ chế mới để chúng ta thúc đẩy phụ nữ trong khu vực ASEAN phát huy hết vai trò và vị thế của mình”, bà Anne chia sẻ.
 
Còn bà Sri Mulyani Indrawati - Bộ trưởng Bộ tài chính Indonesia - nhấn mạnh: “Lực lượng lao động trẻ, cách mạng công nghệ 4.0 là những vấn đề quan trọng hướng tới tương lai. Các nước ASEAN cần quan tâm đến việc phải đảm bảo bình đẳng nam nữ và các nhóm dân số khác, đảm bảo họ được hưởng lợi trong kỷ nguyên công nghệ số, có cơ hội việc làm và nắm băt những thay đổi công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
 
wef-asean-2018-ve-binh-dang-gioi-4.jpg
Các đại biểu trao đổi trước cuộc họp báo

 

Ông Nazir Razak - Chủ tịch CIMB Group Holdings (Malaysia) - cho rằng tại diễn đàn, lãnh đạo các nước cần hiểu rõ những thách thức về chuyển dịch số liệu, các nguồn vốn cũng như vấn đề bất bình đẳng giới trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
 
Ông Kevin Sneader - Giám đốc McKinsey toàn cầu - nhấn mạnh đến việc ASEAN cần đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao năng lực mỗi người dân trong năng suất lao động, tạo cơ hội việc làm mới cho lực lượng lao động trong cách mạng công nghệ 4.0, giải quyết mọi vấn đề bất bình đẳng trong lao động, thúc đẩy bình đẳng giới trong cơ chế tiền lương và cơ hội việc làm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn