Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tác động lớn đến hoạt động kinh tế trong nước. Dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã ảnh hưởng không ít đến nhu cầu và xu hướng mua sắm dịp cuối năm.
Thực hiện mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, nhiều chương trình hoạt động được triển khai dịp cuối năm giúp kinh doanh dịch vụ dần trở về trạng thái "bình thường mới".
Tại hầu hết các địa phương, chợ truyền thống đã hoạt động trở lại; các hoạt động đi lại, lưu thông, phân phối hàng hóa được thuận lợi, giúp thị trường trong nước nhộn nhịp hơn.
Những tháng cuối năm cũng là thời điểm nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung, ngày mua sắm online được tổ chức tại nhiều địa phương. Ghi nhận về tình hình mua sắm trong thời gian này: Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, bán lẻ hàng hóa vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, ước tính chiếm 83,1%. Lưu trú và ăn uống ước tính chiếm 8%. Các ngành dịch vụ khác chiếm 8,7%.
Bô Công Thương nhận định về xu hướng tiêu dùng dịp cuối năm: Trong năm 2021, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tới nhiều hoạt động kinh tế, thương mại và dịch vụ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất, nhiều lao động mất việc làm, thu nhập của người dân nhìn chung đều giảm.
Dự kiến sức mua trong các tháng cuối năm nay sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Bên cạnh đó, sau đợt dịch vừa qua, phương thức mua hàng cũng có nhiều thay đổi từ trực tiếp theo phương thức truyền thống sang trực tuyến nhằm tránh đến những nơi đông người, giảm nguy cơ dịch bệnh.
Để đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Bộ Công Thương triển khai chương trình bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo cũng như tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Cụ thể là các chương trình điều hành đảm bảo nguồn cung thực phẩm thiết yếu; theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động và đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết. Các địa phương cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân phối trên địa bàn có phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu. Báo cáo của các địa phương cho thấy hiện nay, kể cả ở những địa phương áp dụng đánh giá nguy cơ dịch bệnh cấp độ cao, tình hình cung ứng hàng hóa cũng cơ bản thông suốt, không xảy ra tình trạng thiếu hàng sốt giá.
Bộ Công Thương cũng đưa ra khuyến cáo người dân có thể yên tâm, không nên mua tích trữ nhiều hàng hóa, đồng thời chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và địa phương, nhất là luôn chú ý thực hiện yêu cầu 5K và các yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch trong thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán 2022.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn