Tại phiên làm việc ngày 27/8 của Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Nội dung được nhiều đải biểu quan tâm là sự tham gia của người làm công tác xã hội trong hoạt động tố tụng hình sự (Điều 32 và Điều 143) với người chưa thành niên phạm tội.
Trong đó, dự thảo Luật quy định điều kiện người làm công tác xã hội tham gia tố tụng có hiểu biết pháp luật về người chưa thành niên; được đào tạo hoặc bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục, có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, kỹ năng giao tiếp đối với người chưa thành niên.
Đặc biệt, quyền hạn của người làm công tác xã hội là xây dựng báo cáo điều tra xã hội và kế hoạch xử lý chuyển hướng; tham gia hỗ trợ và can thiệp phù hợp cho người chưa thành niên khi có yêu cầu; tham gia phiên họp, phiên tòa; tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên; tham gia hoạt động tư pháp người chưa thành niên theo từng vụ việc cụ thể và tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can…
Nhiều đại biểu đề nghị quy định người làm công tác xã hội tham gia đầy đủ các hoạt động tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, việc quy định người làm công tác xã hội tham gia hoạt động tư pháp người chưa thành niên, nhất là trong quá trình xem xét quyết định áp dụng và thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng là rất cần thiết, tránh việc áp đặt một chiều các biện pháp mang tính cưỡng chế, nghiêm khắc từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng.
Đối với hoạt động xử lý chuyển hướng, dự thảo Luật quy định người làm công tác xã hội có trách nhiệm như nêu trên là phù hợp. Nếu quy định người làm công tác xã hội phải tham gia đầy đủ các hoạt động tố tụng này thì vừa không cần thiết, vừa có thể gây tốn kém về nhân lực, vật lực, chi phí tố tụng. Do đó, để bảo đảm khi cần thiết vẫn có thể mời người làm công tác xã hội tham gia các hoạt động tố tụng, dự thảo Luật đề xuất chỉnh lý theo hướng "người làm công tác xã hội tham gia khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng".
Thảo luận nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, cho biết, tại khoản 2 Điều 32 dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ của người làm công tác xã hội, trong đó tại điểm a quy định nhiệm vụ "Xây dựng báo cáo điều tra xã hội và kế hoạch xử lý chuyển hướng".
Tuy nhiên, với các yêu cầu về nội dung của Báo cáo điều tra xã hội (tại Điều 54) và kế hoạch xử lý chuyển hướng (tại Điều 58), đại biểu cho rằng: "Việc giao hoàn toàn cho người làm công tác xã hội xây dựng sẽ vô cùng khó khăn".
Cụ thể, Điều 58 quy định trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, người làm công tác xã hội phải xây dựng kế hoạch xử lý chuyển hướng. Trong đó, nội dung kế hoạch xử lý chuyển hướng phải có: Thời gian, địa điểm thực hiện, người thực hiện; Biện pháp xử lý chuyển hướng đề xuất áp dụng.
Trường hợp cần thiết, người làm công tác xã hội đề nghị với cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án cung cấp thông tin hoặc tổ chức cuộc họp để xây dựng kế hoạch xử lý chuyển hướng. Cuộc họp do người làm công tác xã hội chủ trì…
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, để đảm bảo chất lượng, tính hiệu quả của báo cáo điều tra xã hội và kế hoạch xử lý chuyển hướng, dự thảo Luật nên quy định rõ với công an xã, phường, thị trấn nơi người chưa thành niên phạm tội đang cư trú phối hợp với người làm công tác xã hội xây dựng.
Điều này cũng tạo thuận lợi cho người làm công tác xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ. Bởi vì, các thông tin, yêu cầu trong báo cáo điều tra xã hội và kế hoạch xử lý chuyển hướng hầu như công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú đều có đầy đủ và nắm bắt được. Theo đại biểu, trong lĩnh vực này, họ là cơ quan có chuyên môn hơn. Người làm công tác xã hội trong nhiệm vụ này chủ yếu ở vai trò phân tích, tư vấn diễn biến tâm sinh lý để đảm bảo báo cáo điều tra xã hội và kế hoạch xử lý chuyển hướng được xây dựng toàn diện, khả thi, đa chiều, có góc nhìn dưới tâm lý, độ tuổi người chưa thành niên.
Đồng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, cho rằng: Khoản 1 Điều 54 quy định thời hạn hoàn thành báo cáo điều tra xã hội và gửi cho cơ quan có yêu cầu là 07 ngày, đề nghị nên cân nhắc cho phù hợp trong các trường hợp như: Người vi phạm chuyển nhiều nơi cư trú khác nhau; Đánh giá các yếu tố là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội đối với tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Mặt khác, để có cơ sở vững chắc hơn hoàn thành nội dung báo cáo xã hội cơ quan điều tra khi gửi yêu cầu phải gửi kèm báo cáo lý lịch tư pháp (tiền án, tiền sự) vì đây là một trong những điều kiện tiền đề để miễn hình phạt, là cơ sở để đánh giá mức độ hành vi phạm tội.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn