Để đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái có hiệu quả, cần quan tâm đầu tư vào những thời điểm quan trọng và có nhiều rủi ro nhất trong cuộc đời con người. Thời gian mang thai, sinh nở của phụ nữ chính là giai đoạn khó khăn như vậy. Nhưng chính sách an sinh xã hội hiện nay đã bảo vệ họ như thế nào? Bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.
- Bà có thể đưa ra một vài đánh giá về hệ thống chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay?
Bà Nguyễn Thanh Cầm: An sinh xã hội thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó mở rộng diện bao phủ cả về phạm vi và đối tượng thụ hưởng, giúp thực hiện tốt 3 chức năng chiến lược của hệ thống an sinh xã hội: phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro và khắc phục rủi ro.
Hệ thống chính sách pháp luật về an sinh xã hội được rà soát, bổ sung hoàn thiện.
Có thể nêu ra một vài con số ấn tượng trong năm 2022: Số người tham gia bảo hiểm xã hội là 17,5 triệu người, chiếm 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 953 nghìn người so năm 2021. Số người tham gia bảo hiểm y tế là 91,074 triệu người, đạt 92,04% dân số, vượt chỉ tiêu đặt ra là 92% (theo số liệu của Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 của Cục Bảo trợ xã hội Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội )
An sinh xã hội cũng đã thực hiện trợ cấp xã hội cho gần 3,3 triệu đối tượng với tổng kinh phí thực hiện trên 28.000 tỷ đồng, bảo đảm 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (theo số liệu của Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam)
Tuy nhiên, an sinh xã hội vẫn còn nhiều tồn tại cần quan tâm như: chưa thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế, các chủ thể và nguồn lực xã hội; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp, trợ cấp xã hội mới chỉ bao phủ được một bộ phận đối tượng yếu thế, nhiều nhóm dân số dễ bị tổn thương chưa được tính đến trong các chính sách hỗ trợ; độ bao phủ của chế độ thai sản rất hẹp. Nhiều nhóm đối tượng không có khả năng tiếp cận chương trình an sinh và bảo hiểm xã hội có nguy cơ rơi vào vòng xoáy đói nghèo, mất thu nhập, đồng thời chịu gánh nặng bệnh tật, sức khỏe kém..., đặt ra nhiều thách thức đối với sự bền vững của an sinh xã hội.
- Bà đánh giá như thế nào về hệ thống chính sách thai sản ở nước ta hiện nay?
Bà Nguyễn Thanh Cầm: Chế độ thai sản được quy định ở 2 văn bản luật quan trọng liên quan đến các quy định bảo vệ thai sản tại Việt Nam hiện nay là Bộ Luật lao động (2019) và Luật Bảo hiểm xã hội (2014) cùng với hệ thống các văn bản dưới luật.
Chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội của Việt Nam được đánh giá là một trong những hệ thống ưu việt nhất khu vực về thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng.
Việc Nam cũng có chính sách được xây dựng và thực hiện nhằm bảo vệ, hỗ trợ cho nhóm phụ nữ đặc thù, trong đó, đáng chú ý là Nghị định 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ phụ nữ nghèo, là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Đây là chính sách duy nhất ở Việt Nam cung cấp chế độ trợ cấp thai sản bằng tiền mặt sử dụng ngân sách Nhà nước.
- Theo bà, cần có những yêu cầu gì đặt ra để hoàn thiện hệ thống chính sách - pháp luật về thai sản nhằm tăng cường đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh Nghị quyết số 42-NQ/TW vừa được ban hành?
Bà Nguyễn Thanh Cầm: Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Việt nam, cũng như thực hiện các cam kết về mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết số 42 của Đảng vừa được ban hành thì yêu cầu đặt ra hiện nay là phải rà soát tổng thể các chính sách xã hội để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện.
Trong đó, tôi cho rằng, chế độ thai sản là một trong những vấn đề đầu tiên được quan tâm, xem xét xây dựng, bổ sung, sửa đổi. Vì an sinh xã hội cần quan tâm đầu tư trước hết vào những thời điểm quan trọng và có nhiều rủi ro nhất trong cuộc đời con người - đó chính là thời gian sinh nở, nuôi con nhỏ của phụ nữ. Việc thụ hưởng chế độ thai sản không thể chỉ phụ thuộc vào tình trạng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nữa mà các đối tượng được thụ hưởng sẽ được mở rộng hơn nhiều, đảm bảo không có ai bị nghèo khi sinh con, nuôi con.
- Bà có bình luận gì về tính khả thi của các phương án mở rộng chế độ thai sản?
Bà Nguyễn Thanh Cầm: Chế độ thai sản đa tầng là phù hợp với bối cảnh ở Việt Nam hiện nay, nhất là khi TƯ Đảng vừa ban hành Nghị quyết 42 về đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội. Phương án này hướng tới việc cung cấp trợ cấp thai sản cho các bà mẹ sinh con thông qua các tầng an sinh xã hội khác nhau.
Chế độ trợ cấp thai sản đa tầng sẽ giúp tất cả phụ nữ Việt Nam được hưởng chế độ thai sản, bất kể tình trạng việc làm của họ. Đối với người lao động làm việc phi chính thức, trợ cấp thai sản không đóng góp dù không thể đảm bảo sự ổn định việc làm sau thời gian thai sản (như các quy định về thai sản đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc), song ít nhất nó có thể cung cấp mức độ an toàn về kinh tế cơ bản trong vài tháng đầu sau khi nghỉ sinh con.
Phương án này cũng nhằm để thực hiện phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.
- Xin cảm ơn bà!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn