Tôi tên là Vàng Thị Lỳ, sống tại một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái (nơi có trên 99% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống). Hội viên phụ nữ và nhân dân nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, tự cung tự cấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, vẫn còn một số hủ tục lạc hậu, tư tưởng trọng nam khinh nữ, sinh con thứ 3, vẫn còn nhiều phụ nữ chưa biết chữ.
Phụ nữ người Mông còn sống phụ thuộc vào chồng, là lao động chính trong gia đình với quan niệm là phụ nữ chỉ cần làm tốt công việc đồng áng, chăm sóc con cái và làm việc nhà là đủ. Phụ nữ không cần phải học chữ, không cần tham gia nhiều hoạt động trong xã hội, vì việc đó đã có người chồng làm...
Trong những năm gần đây được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội LHPN các cấp và cả hệ thống chính trị kiên quyết vào cuộc, nên các hủ tục lạc hậu cũng dần được xóa bỏ.
Hội phụ nữ đã tham mưu với cấp trên và phối hợp với nhà trường mở 15 lớp xóa mù chữ và vận động được trên 500 chị tham gia học xóa mù chữ. Đến nay trình độ hội viên được nâng lên rõ rệt, còn một số hội viên cơ bản biết đọc, biết viết và có thể giao lưu bằng tiếng Việt. Ngoài ra còn có nhiều chị thích đi học và tự xin đi học, công tác vận động không còn khó khăn như những năm trước.
Tỷ lệ thu hút hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt hội cao hơn, tỷ lệ phụ nữ tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nhiều hơn, được chăm sóc sức khỏe sinh sản và đến trạm xá khám thai định kỳ, sinh con tại trạm xá; các câu lạc bộ không sinh thứ 3 trở lên, câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật, phòng chống mua bán người, chi hội "5 không, 3 sạch" được nhân rộng... Ngoài vận động hội viên đi học Hội phụ nữ nữ còn tích cực hỗ trợ hội viên vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.
Kết quả cho thấy đã có 5 chị phát triển du lịch Homestay, bán hàng thổ cẩm, tổ trưởng tổ hợp tác, chăn nuôi, cho thuê trang phục du lịch, dệt thổ cẩm phát triển kinh tế như trồng thảo quả, trồng rau sạch, gắn biển mô hình nhà sạch, vườn đẹp được hội viên chủ động đăng ký và thực hiện.
Để đảm bảo quyền bình đẳng và sự tiến bộ của phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp sau:
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới trong các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh các hoạt động, giáo dục nâng cao nhận thức; xóa bỏ hủ tục lạc hậu, những tư tưởng định kiến, phân biệt đối xử với phụ nữ, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tới mọi tầng lớp nhân dân và bản thân người phụ nữ phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
- Quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ nữ cán bộ tiềm năng và cán bộ làm tham mưu công tác bình đẳng giới, đặc biệt đối với nữ lãnh đạo trẻ, nữ cán bộ dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của Hội LHPN trong việc bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ.
- Thành lập các mô hình tư vấn, hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó tập trung tăng cường cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ; bảo vệ phụ nữ và trẻ em khi bị bạo hành, bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn