Hiện cả nước có gần 8 triệu người khuyết tật nhưng chỉ có 30% người khuyết tật ở độ tuổi lao động có khả năng lao động, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội.
Nhân Ngày quốc tế người khuyết tật (3/12), phóng viên VOV phỏng vấn ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về nội dung này.
PV: Thưa ông, mặc dù thời gian qua, người khuyết tật nhận được nhiều sự quan tâm từ Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội nhưng thực tế, họ vẫn gặp phải một số rào cản, khó khăn trong việc thực hiện quyền của mình. Cá nhân ông có nhận định như thế nào về vấn đề này?
Ông Tô Đức: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến người khuyết tật. Trong đó, chúng ta đã ban hành Luật Người khuyết tật và Việt Nam cũng đã phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, xây dựng các khung khổ pháp lý đảm bản quyền của người khuyết tật. Tuy nhiên, trong thực tế, khi triển khai các cơ chế, chính sách trợ giúp cho người khuyết tật thì chúng ta thấy rằng còn tồn tại nhiều rào cản đối với người khuyết tật, đặc biệt là học văn hóa, học nghề và tiếp cận các cơ hội việc làm phù hợp với đặc điểm thể chất và phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động tại nơi cư trú.
PV: Một trong những quyền của người khuyết tật là quyền được tiếp cận việc làm. Vậy việc thực hiện quyền này cho khuyết tật đã được triển khai như thế nào?
Ông Tô Đức: Luật pháp đã quy định quyền có việc làm của người khuyết tật ở trong Luật người khuyết tật và mới đây nhất là chúng ta đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Những khuôn khổ pháp lý quy định nội dung này chúng ta đang từng bước hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn kinh tế xã hội của đất nước ta, giúp người khuyết tật có cơ hội tiếp cận toàn diện, đầy đủ về quyền có việc làm, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ cho người khuyết tật được học nghề, dạy nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động và chúng ta sẽ hỗ trợ cho người khuyết tật tiếp cận những công việc phù hợp với năng lực và hỗ trợ. Chúng ta cũng sẽ hỗ trợ cho người khuyết tật tự tạo việc làm, tự tổ chức sản xuất, kinh doanh để họ có thể tự tạo ra thu nhập, ổn định cuộc sống và có cơ hội phát triển, vươn lên.
PV: Như ông vừa cho biết chúng ta sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người khuyết tật trong vấn đề tự tạo công ăn việc làm, vậy còn vấn đề phục hồi chức năng cho người khuyết tật thời gian tới sẽ được chúng ta quan tâm ra sao?
Ông Tô Đức: Chúng ta có hệ thống bệnh viện, mạng lưới y tế của ngành y tế và trung tâm chỉnh hình phục hồi chức năng thuộc ngành lao động, thương binh, xã hội trải đều trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên tôi cho rằng, để giúp cho người khuyết tật có được cơ hội phục hồi chức năng bền vững ở ngay tại cộng đồng, ngay tại nơi cư trú thì chúng ta phải làm rất nhiều việc. Chúng ta cần xây dựng những chương trình ở cấp độ quốc gia về phục hồi chức năng cho người khuyết tật, phát triển cơ chế chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật có cơ hội phục hồi chức năng, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.
PV: Hưởng ứng chủ đề của Ngày quốc tế người khuyết tật năm nay, Việt Nam sẽ có những hoạt động thiết thực như thế nào, thưa ông?
Ông Tô Đức: Trước hết, chúng ta phải hoàn thiện lại các khuôn khổ pháp lý để đảm bảo quyền của người khuyết tật nói chung, trong đó có quyền có việc làm của người khuyết tật nói riêng. Đặc biệt, chúng ta tập trung vào sửa đổi các quy định về lao động là người khuyết tật, về cơ chế, nguồn lực để đảm bảo người khuyết tật có cơ hội vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm và từ nguồn vốn tín dụng của ngân hàng chính sách. Bên cạnh đó thúc đẩy các chương trình dạy nghề cho người khuyết tật./.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!