Đảm bảo yếu tố bình đẳng giới trong bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026

18:56 | 12/11/2020;
Chiều 12/11, Hội LHPNVN tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia về một số dự thảo văn bản liên quan đến công tác bầu cử đại biểu quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Các ý kiến của chuyên gia đã gợi mở nhiều nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, dấu ấn của nữ giới trong công tác bầu cử sắp tới.

Hài hòa tỷ lệ, chất lượng ứng viên nữ

Hội thảo lấy ý kiến góp ý hai dự thảo: Nghị quyết liên tịch hướng dẫn hiệp thương bầu cử và Nghị quyết quy định chi tiết hướng dẫn về việc tổ chức hội nghị cử tri, giới thiệu người ứng cử HĐND cấp xã, thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND trong bầu cử bổ sung. Đây là hai văn bản do MTTQVN chủ trì soạn thảo.

Điều hành cuộc hội thảo tham vấn, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa kiến nghị các chuyên gia tập trung thảo luận như  thủ tục lấy ý kiến người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND, lấy ý kiến nơi cư trú với người ứng cử, quy định về số lượng cử tri tham gia hội nghị cử tri, hay có cần thiết phải quy định về tỷ lệ giới tối thiểu đối với hội nghị cử tri hay không…

"Đối với những trường hợp người ứng cử lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nếu số phiếu không đạt trên 50% thì dự thảo Nghị quyết đang dự kiến sẽ không đưa những người này vào danh sách. Đây là điểm khá mới, bởi sẽ phải cân nhắc kỹ để đảm bảo được việc chúng ta sàng lọc, lựa chọn người thực sự có tài, có tâm với đất nước" – bà Bùi Thị Hòa nói.

Đảm bảo yếu tố bình đẳng giới trong bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa điều hành hội thảo tham vấn. Ảnh: D.H

Góp ý về công tác bầu cử, ông Đỗ Duy Thường – Chuyên gia Hội đồng tư vấn bầu cử của MTTQVN cho biết, điều ông băn khoăn là làm sao để hội viên Hội LHPN các cấp đều được tham gia công tác bầu cử. Bởi hiện nay, trong các cấp thuộc Hội đồng bầu cử theo quy định thì thành phần tổ chức chính trị - xã hội (trong đó có Hội LHPNVN) mới tham gia ở cấp Tổ Bầu cử. Các cấp bầu cử cao hơn dành cho MTTQ, các cơ quan tổ chức hữu quan (chủ yếu là sở, ngành).

"Tổ chức chính trị xã hội có vai trò quan trọng trong hiệp thương thì lại không có trong cơ cấu các cấp bầu cử cao hơn với các phần việc quan trọng, tổ bầu cử chỉ đơn thuần làm công tác kiểm phiếu. Cần phải làm thế nào 3 cấp bầu tỉnh, huyện, xã phải có sự hiện diện của Hội LHPN, đảm bảo yếu tố bình đẳng giới trong quá trình xây dựng pháp luật" – ông kiến nghị.

Ngoài ra, theo ông Thường, với dự kiến của dự thảo Nghị quyết quy định đảm bảo ít nhất 35% tỷ lệ nữ tham gia ứng cử HĐND cấp tỉnh, cần được nâng tỷ lệ giới thiệu. "Ta cần giới thiệu 40 – 50%, từ đó có sàng lọc để chọn. Nếu sát quá thì ra đến Hiệp thương, sàng lọc rồi thì tỉ lệ này khó đảm bảo được nữa. Vì thế cần nâng cao tỉ lệ giới thiệu lên. Vừa rồi tỉ lệ nữ tham gia các cấp lãnh đạo đảng ở các tỉnh đều cải thiện tỉ lệ đáng kể, đây là mặt thuận lợi. Vì thế cần bám sát tỉ lệ dự kiến" – ông nhìn nhận.

Bà Vương Thị Hanh – Nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPNVN đồng tình khi cho rằng, cần quan tâm đến yếu tố bình đẳng giới trong cơ quan dân cử. Theo bà, trong các bước hiệp thương thì hiệp thương lần thứ nhất là quan trọng nhất, bởi liên quan đến cơ cấu thành phần đại biểu mà các cơ quan dân cử giới thiệu.

"Trên cơ sở đó, các cơ quan đơn vị tổ chức về giới thiệu ứng cử cho đơn vị mình, lấy ý kiến cử tri. Nếu giới thiệu được đúng người tài thì mình "thắng". Từ đó các bước lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đơn giản hơn. Trước bước hiệp thương lần thứ nhất, đã phải nắm được dự kiến cơ cấu thành phần. Làm sao để các vị trí lãnh đạo quán triệt được nguyên tắc cơ cấu thành phần đảm bảo bình đẳng giới" – bà Hanh nhấn mạnh.

Đảm bảo yếu tố bình đẳng giới trong bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 - Ảnh 2.

Bà Vương Thị Hanh quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới trong công tác dân cử. Ảnh: D.H

Bà cũng kiến nghị tăng tỷ lệ ứng cử viên bầu cử từ 35% lên 40%. "Quốc hội khóa vừa rồi 38% nữ ứng cử nhưng trúng cử chỉ đạt 26%. 20 năm qua, nữ nghị sĩ Việt Nam bị giảm dần về số lượng, không tăng thêm, đây là điều mà chúng ta cần lưu tâm" – bà cho hay.

Làm rõ hơn nội dung này, ông Đặng Đình Luyến – Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội, đồng tình, cần chú ý khâu giới thiệu nhân sự ngay từ bước đầu tiên, tới đây đưa vào khâu giới thiệu để đảm bảo chất lượng cán bộ nữ cũng như tỷ lệ nữ tham gia ứng cử đạt được như mong muốn

Bà Lê Thị Ngân Giang – Chuyên gia chính sách luật pháp của Hội LHPNVN lưu ý vấn đề tỷ lệ đồng ý giới thiệu ứng viên ở hội nghị cử tri dưới 50% thì không đạt, cần lưu tâm để đảm bảo sự công bằng. Bởi theo bà, một ứng viên nữ được giới thiệu nơi toàn nam giới thì mang yếu tố chủ quan.

"Theo tôi nên quy định ở những nơi có tỷ lệ nam nữ bao nhiêu phần trăm đấy để bảo đảm hài hòa, tránh mất cân đối tỷ lệ. Tính toán yếu tố đặc thù để có phân bổ tỷ lệ hợp lý, tránh bỏ sót người tài" – bà kiến nghị.

Đảm bảo yếu tố bình đẳng giới trong bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 - Ảnh 3.

Nhiều ý kiến góp ý quan trọng của chuyên gia tại buổi hội thảo tham vấn được ghi nhận. Ảnh: D.H

Nâng cao kỹ năng vận động bầu cử cho nữ ứng viên

Nhóm vấn đề thứ hai được đưa ra thảo luận tại hội thảo là lấy ý kiến về hai bộ tài liệu mà Hội LHPNVN dự kiến ban hành chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội sắp tới, bao gồm: Cẩm nang về tuyên truyền bầu cử ĐBQH, HĐND và tài liệu hướng dẫn giám sát bầu cử ĐBQH, HĐND các cấp.

Liên quan đến bộ tài liệu tuyên truyền công tác bầu cử do Hội LHPNVN soạn thảo, ông Đỗ Duy Thường đề nghị cần bổ sung tập huấn kỹ năng vận động bầu cử cho các ứng cử viên. Về điều này bà Bùi Thị Hòa cho biết đã có phương án tập huấn ở hình thức trực tiếp và trực tuyến cũng như kế hoạch tập huấn kỹ lưỡng

Còn theo ông Đặng Đình Luyến, kỹ năng khá quan trọng với các ứng cử viên là vận động, tiếp xúc cử tri, vì vậy Hội LHPNVN cần cố gắng quan tâm hơn đến bồi dưỡng kỹ năng này, bởi hình ảnh của một ứng cử viên nữ có đủ phẩm chất, trí tuệ và kỹ năng sẽ khiến cử tri cảm thấy yên tâm, thiện cảm hơn.

Đảm bảo yếu tố bình đẳng giới trong bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 - Ảnh 4.

Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến góp ý các dự thảo. Ảnh: D.H

Ghi nhận những đóng góp quan trọng của các chuyên gia, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa cho biết, cơ quan Hội xác định việc tham gia bầu cử vào Quốc hội khóa XV và HĐND nhiệm kỳ mới là nhiệm vụ trọng tâm, được triển khai khá sớm.

"Hiện chúng tôi đã danh sách gần 400 phụ nữ ở các địa phương, lĩnh vực tham gia ứng cử. Đây là bước rà soát đầu tiên, tiếp theo sẽ hoàn chỉnh danh sách, phân loại nhóm đối tượng theo vùng miền, dân tộc để khi đề xuất với Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ có danh sách chi tiết" – bà Hòa thông tin.

Một nhiệm vụ nữa, theo bà Bùi Thị Hòa là thực hiện đầy đủ nhất tinh thần của Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về bầu cử, nhằm chọn được những phụ nữ đảm bảo đủ tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền sâu rộng trong tầng lớp phụ nữ làm tốt hai vai: Là cử tri lựa chọn giới thiệu ứng cử viên nữ đảm bảo chất lượng tín nhiệm cao nhất, và vận động để chọn được người tiêu biểu trong các lĩnh vực, giới thiệu ứng cử viên tham gia bầu cử.

Nhiệm vụ thứ ba, theo bà Bùi Thị Hòa là công tác tuyên truyền trong bầu cử của Hội LHPNVN, trong đó tham gia giám sát ngay từ đầu, giám sát các cấp… trên cơ sở xây dựng tài liệu giám sát cụ thể hơn theo các cấp, xác định rõ nội dung, phạm vi giám sát thuộc thẩm quyền của Hội.

"Hội thảo gợi mở ra được nhiều vấn đề và kiến nghị quan trọng,  làm rõ hơn vai trò của tổ chức hữu quan, cụ thể là các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào Hội đồng bầu cử các cấp cao hơn. Cùng với đó là hạn chế thấp nhất những bất lợi, khó khăn rào cản để phụ nữ đủ tiêu chuẩn, cơ hội công bằng tham gia ứng cử. Chúng tôi sẽ sớm hoàn thiện văn bản góp ý để gửi lên MTTQVN những đóng góp này", bà Bùi Thị Hòa nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn