Đám cưới miền Tây chân chất dễ thương

09:56 | 12/08/2015;
Cô dâu khoái mặc váy cưới đủ sắc màu xanh đỏ tím vàng. Chú rể đi thập thõm trên bờ ruộng. Quan khách 2 họ ăn uống linh đình từ đêm hôm trước…
1. Ai ở Sài Gòn lâu năm hẳn cũng đã có dịp đôi lần đi dự đám cưới ở miền Tây. Nếu gần thì đám cưới ở Long An, Tiền Giang, xa thì đám cưới ở Kiên Giang, Cà Mau.

Mùa khô thì hưởng cái nóng ran ran trên đầu, mùa mưa phải chấp nhận ướt hết cả quần áo. Nhưng đám cưới mà, ai cũng vui vẻ hồ hởi. Chỉ trừ khi say quá mà thành nói càn, làm càn. Cái nhược điểm này ở vùng uống rượu đế bằng chén, bằng tô, thì cũng chẳng lạ lẫm gì nữa. Đôi khi còn xảy ra chuyện cự cãi, uýnh lộn giữa khách được mời tới ăn tiệc, khiến đám cưới “đặc biệt” ấy trở thành chuyện đàm tiếu của cả xã suốt mấy tháng.

Nhưng ngoài những việc khó coi từ rượu đế mà ra thì đám cưới miền Tây có những điểm vô cùng dễ thương. Như nhận xét của họa sĩ trẻ Võ Vũ Thùy Linh: “Yêu cái chơn chất quá đi!”, khi cô mới từ Kiên Giang dự đám cưới của người bạn về.



Linh kể, mặc dù gia đình bạn cô không ở trong miệt, song cách tổ chức đám cưới thì đặc sệt miệt ruộng xa xôi. Ngay từ sáng hôm trước, 2 con heo đã được cánh thanh niên có nghề trong họ “mần” thịt. Bữa trưa đầu tiên đánh dấu sự tụ tập của mọi người, nồi cháo to bự được bắc lên giữa sân. Cháo lòng heo kiểu Nam bộ rất đặc biệt, ngoài bộ đồ lòng thì không thể thiếu huyết heo và giá đỗ sống. Người nấu không quên cho đường cùng bột nêm - gia vị thường thấy trong bất cứ món ăn nào.

Chiều tối hôm trước là dành cho nhóm họ, đến sáng ngày hôm sau mới dành để đãi khách. Nhóm họ nghĩa là tất cả bà con họ mạc tập trung để ăn uống và trò chuyện. Bì thư đi ăn cưới của “bộ phận” nhóm họ chắc chắn khác với các khách mời. Dù cho cuộc sống khó khăn cỡ nào thì “nội dung” trong bì thư vẫn khá dày dặn. Có đôi, người dự cưới phải xin hốt hụi trước để mừng tiền. Có đôi người ta phải vay mượn quanh xóm. Còn tiệc đãi khách thì theo đợt, sáng bảnh mắt đã bắt đầu mở tiệc ăn: 7-9h là đợt 1; 9-11h là đợt 2. Khách căn cứ theo thiệp mời mà tới.

Cái hay nhất trong đám cưới miền Tây được các bạn cùng nhóm với Linh nhận định: “Người ta đi đám cưới rất đúng giờ, “văn minh” hơn cả người Sài Gòn. Không có khái niệm “giờ dây thun!”

2. Nói về việc đi mừng đám cưới ở miền Tây, chị Hồng, quê Vĩnh Long, hiện làm nghề quản gia ở Sài Gòn, nhẹ bâng bâng khi cho rằng: “Đã là ăn đám cưới nhóm họ thì cũng chẳng tính toán tiền bạc chi. Tui đã có lần đi 500 ngàn, rủng rẻng hơn thì 1 triệu đồng, lần khác nữa là 2 triệu đồng, đám cưới mấy đứa cháu bà con”.

Với nhóm họ là vậy, còn khách khứa đi ăn tiệc thì chuyện bì thư cũng hơi lạ. Hương Xuân, một designer của phòng marketing, Công ty CP dệt may Phong Phú, cho biết, có lần đi ăn đám cưới miền Tây, cô từng chứng kiến mấy người chung bàn đồng loạt rút bớt bì thư tiền sau khi đã ngồi vào ăn tiệc. Người miền Tây có lệ cô dâu chú rể thường đi vòng quanh các bàn tiệc để nhận tiền mừng cưới. Còn khách thì có lệ nhìn thực đơn tiệc mà đánh giá xem có đáng “đồng tiền bát gạo” của mình bỏ ra không. “Khách quan” đến vậy nên có chuyện rút bớt tiền ra thì cũng có khi để thêm tiền vô bì thư, lúc khách đã ngồi xuống ăn tiệc. Người ta coi việc đó là bình thường, không có gì phải mắc cỡ hay ngạc nhiên.
3. Bây giờ, cổng chào đám cưới đã bị “hiện đại hóa” bằng các cổng bông nhựa cho nhanh và tiện. Stylist Ruby Võ, bằng giọng tiếc nuối, kể câu chuyện trước đây, dưới quê cô - vùng miệt vườn Bến Tre - cổng chào đám cưới thường được kết bằng lá dừa. Cách kết lá khá kỳ công và mang vẻ đẹp dân dã tự nhiên, tạo phong cách đặc biệt cho đám cưới miền Tây. Nhưng giờ thì cổng chào lá dừa không còn. Váy cưới được các cô dâu chọn màu sắc sặc sỡ. Điều này khác lạ với cách chọn váy cưới của cô dâu thành phố thường là màu trắng hoặc kem.

Phong cách trang điểm của các cô dâu miền Tây cũng nhiều màu sắc hơn. Hình đám cưới của cô dâu chú rể trong miệt ruộng, miệt vườn rất đa dạng. Ai có điều kiện kinh tế tất nhiên sẽ chụp album hình cưới. Còn nếu không, chỉ cần duy nhất một tấm phóng lớn ra trưng trong bữa tiệc đón khách. Tấm hình này sau đó được treo trên tường nhà làm kỷ niệm, không phân biệt phòng khách hay phòng riêng của vợ chồng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn