Chị Thu (35 tuổi, sống tại Hà Nội) là mẹ của 3 em bé. Con trai út của chị vừa chào đời cách đây không lâu, có biệt danh là Putin. Bà mẹ 3 con quan niệm, nếu có cơ hội và thời gian, việc tự tay làm mọi thứ sẽ trở nên đáng nhớ, đáng trân trọng hơn, đặc biệt là trong ngày đầy tháng của con.
"Mình muốn dành tặng con điều thật ý nghĩa, gửi lời cảm ơn các bà mụ vì đã tặng cho gia đình một em bé kháu khỉnh, đáng yêu. Thực ra, để làm một mâm cỗ hoàn thiện khá mất thời gian, cần chuẩn bị trước một ngày làm lễ. Mình rất mê hoa sen nên ấp ủ từ lúc mang bầu, khi nào con đầy tháng sẽ làm một mâm cỗ lấy hoa chủ đạo là sen.
Nhà mình cúng có hoa sen, đài sen chín già, xôi, chè đậu xanh (các bé trai thì hay có chè đậu xanh vì mong con sau này đỗ đạt), bánh bao, bánh trung thu, nước, nến. Quan trọng nhất là khâu dưỡng hoa sen. Cúng mụ là thành tâm nên cứ xuất phát từ lòng thành là được. Chuẩn bị đủ 12 món cho 12 bà mụ, và 1 món cho bà mụ chúa", chị Thu chia sẻ.
Mâm đầy tháng đẹp mắt với hoa sen chủ đạo.
Vì rất mê hoa sen nên năm nào đến mùa, mỗi này trong nhà bà mẹ 3 con đều có bình hoa to và đẹp. Năm nay có thêm em bé cũng là cơ hội để chị thỏa sức sáng tạo với đam mê của mình, cũng là để cho con có một lễ đầy tháng đáng nhớ. Hơn nữa, mâm cỗ tự tay mẹ làm lúc nào cũng đặc biệt nhất, không ở đâu giống cả.
Nhìn mâm cỗ toàn hoa sen trắng trông rất bắt mắt và đẹp. Các món được bày biện cẩn thận, chỉn chu và rất khéo léo. Các mẹ khen chị Thu thật khéo tay, dù khá mất thời gian nhưng thành quả cực kỳ ngọt ngào.
Cúng đầy tháng cho bé (hay cúng mụ) là một nét đẹp trong văn hóa và tín ngưỡng của người Việt bao đời nay. Bởi lẽ, sinh ra một đứa trẻ khỏe mạnh là may mắn lớn của cả gia đình. Lễ cúng này mang ý nghĩa cầu mong cho em bé được khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn.
Cũng giống như nhiều nghi lễ tâm linh khác, lễ cúng khi bé trong 1 tháng sẽ được tính theo lịch âm. Ngoài ra, ở một số nơi sẽ có quan niệm tính cả ngày đầy tháng dựa vào giới tính của bé theo nguyên tắc "nam trồi 2, nữ sụt 1". Đối với cúng đầy tháng bé trai, ngày đầy tháng sẽ được tính lùi lại so với ngày sinh hơn 2 ngày (tính theo âm lịch). Còn với bé gái, ngày đầy tháng lại được tính lên trước 1 ngày.
Chẳng hạn như bé gái sinh vào ngày 15 tháng 5 âm lịch thì ngày đầy tháng sẽ là 14 tháng 6 âm lịch. Đối với bé trai sinh ngày 15/5 thì ngày đầy tháng lại là 17/6.
Quan niệm này được phổ biến trong dân gian từ lâu với ý nghĩa: Con trai phải đi trước, đi tắt đón đầu, năng nổ và rèn giũa thì mới thành công. Con gái phải khiêm tốn để gia đình yên ấm và giữ lửa cho hạnh phúc gia đình.
Sau khi làm lễ (đợi đến khi gần hết một nén hương), chủ gia đình rót trà, khấn vái, đốt tiền bạc, rưới rượu, rắc muối quanh nhà. Sau lễ cúng Mụ, cả gia đình cùng nhau chia lộc và cầu chúc cho bé mọi điều tốt lành nhất. Cả gia đình cùng nhau chia lộc và cầu chúc cho bé mọi điều tốt lành nhất.
Lễ cúng đầy tháng là một nghi lễ quan trọng đánh dấu bước phát triển của một đứa trẻ. Đây cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thể hiện những hy vọng, ước nguyện tốt đẹp của thế hệ đi trước đối với thế hệ mai sau.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn