Đầm sen trên ban công đẹp nức lòng với gần 20 loại giống ở Hà Nội

08:26 | 28/07/2022;
Không cần đầm, hồ hay ao, những bông sen do chị Phạm Thiên Trang (31 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn bung nở khoe sắc, ngập tràn hương thơm ngay trên ban công nhà mình.

"Mình yêu thích hoa từ nhỏ, đặc biệt là hoa hồng và hoa sen. Hồi bé chỉ ước sau này mua được ngôi nhà có sân vườn để trồng hoa. Mình rất thích ngắm lá và hoa sen, thích cảm giác vừa mở ban công ra là được tận hưởng cái hương thơm trong trẻo của nó." - Chị Phạm Thiên Trang chia sẻ.

Xuất phát từ lý do đơn giản nhưng để thực hiện được nó hẳn là 1 quá trình không hề dễ dàng. Vì giữa lòng thành phố đất chật người đông, không gian sống cho cả gia đình còn bị hạn chế, huống hồ là đủ diện tích cho cây trái, loài hoa có thể đua nhau bung nở.

Tuy vậy, "nếu thực sự muốn thì người ta sẽ tìm cách, còn nếu không muốn thì người ta sẽ tìm lý do" - câu nói này đúng trong hầu hết trường hợp mà chị Phạm Thiên Trang - chủ trang trại hoa nổi tiếng Hà Thành là 1 đơn cử.

Ngắm đầm sen trên ban công đẹp nức lòng với gần 20 giống  hoa của chủ trang trại hoa nổi tiếng ở Hà Nội - Ảnh 1.

Chị Phạm Thiên Trang dần hiện thực hóa tình yêu cây và hoa của mình bằng các minh chứng về trang trại hoa tươi đẹp nức lòng.

Ngây ngất trước đầm sen trên ban công

Chia sẻ về đầm sen trên ban công, chị Thiên Trang cho biết: "Khu vực ban công dành để trồng sen ở nhà mình rộng khoảng 20m2. Lý do là vì diện tích sân vườn nhà mình không rộng nên để trồng hoa hồng và sen mình phải tận dụng ban công và sân thượng thay thế."

Góc ban công nhờ có thêm đầm sen mà có sức sống hơn hẳn.

Cũng theo chị Thiên Trang, hiện tại góc ban công này được trồng hơn 15 giống sen khác nhau. Đa số đều là các giống sen ngoại sai hoa, bông kép, size to, thơm và cây thấp để đỡ chắn view ban công.

"Mình thích nhất các dòng sen đỏ thơm và siêng hoa như Blood Drop, Phượng Hoàng Lửa, Bác Trân Hồng, Red Philips, Red Flag. Ngoài ra các loại sen màu nhẹ nhàng phớt phớt hồng cũng rất cuốn hút như Supper Lotus, Phật Âm, Diamond Pink. Giống sen ngoại mình ấn tượng nhất là Jubawa và S1000, loại này bông cánh kép, lâu tàn và cách xếp cánh cực đẹp.

Có một điều rất thú vị đó là 1 số giống sen không tự nở được hoặc để tự nở thì gần tàn nên cần phải hỗ trợ nở như Supper Lotus, Jubawa, Diamond Pink, S1000...." - chị Thiên Trang nói thêm.

Người yêu sen không hiếm, nhưng có lẽ ít ai biết sen có nhiều giống đẹp như thế này.

Bí quyết trồng sen trên ban công

Khi ngắm nhìn những bông sen đua nhau khoe hương sắc như thế này, chắc hẳn ai cũng tò mò muốn biết bí quyết của chủ trang trại hoa là gì. Và nếu bạn cũng thế thì nhất định đừng bỏ qua phần này nhé, chị Phạm Thiên Trang đã không ngần ngại chia sẻ những bí kíp quan trọng nhất để mọi người đều có thể trồng và chăm sóc được 1 đầm sen đẹp rực rỡ như thế này ở ngay nhà mình.

"Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất khi trồng sen trên ban công là ban công phải có nắng từ 4 tiếng trở lên, được 6-8h tiếng là đẹp nhất; bởi vậy các ban công ít nắng sẽ ít hoa và lá.

Vì kích thước các ban công thường nhỏ trong khi sen lại cần chậu kích thước lớn nên nếu trồng sen thì dùng các chậu vuông hoặc chữ nhật sẽ tiết kiệm diện tích hơn.

Chậu sen có nước nên có thể có bọ gậy, muỗi nên thường xuyên thay nước và xả tràn để tránh chúng đẻ và trú ẩn ở ban công." - Chị Thiên Trang cho biết.

Dùng chậu hình vuông hoặc chữ nhật khi trồng sen trên ban công sẽ giúp tiết kiệm diện tích hơn.

Về cách trồng sen trên ban công thế nào để chống thấm dột, chị Phạm Thiên Trang nói thêm: "Với bể sen cố định nhà mình tự xây thì mình làm bồn inox lót bên dưới để tránh dò rỉ nước. Còn các khu vực khác mình đặt chậu xi măng chuyên dụng trồng sen súng vừa dễ dàng di chuyển vừa chống dò rỉ nước và cũng rất thẩm mỹ."

Với diện tích ban công khoảng 20m2, chị Trang sẽ tốn khoảng 5 triệu để mua chậu trồng sen. Còn các loại giống sen thì chị tận dụng lại từ sen đã nhân giống từ năm ngoái.

"Vất vả nhất của việc trồng sen trên ban công là hôm trồng sen vì phải bê rất nhiều bùn đất lên tầng 2 và tầng 4. Còn vấn đề chăm sóc thì đơn giản hơn nhiều so với các loại cây trồng khác vì sen không cần tưới thường xuyên, cũng ít bệnh nữa.

Mỗi ngày dành ra 20-30 phút để chăm sóc là đủ. Các công việc hàng ngày thì cũng đơn giản, bạn chỉ cần vớt rêu, tỉa tót lá hỏng, bỏ sen tàn và ngắm sen thôi. 1 tuần thì cho sen ăn 1 lần, xả tràn bồn 1 lần. Nói chung trồng sen vừa được nghịch nước, vừa được rèn luyện chân tay vừa được ngắm hoa." - theo chị Thiên Trang.

Dưới đây là kinh nghiệm được chia sẻ:

Nếu muốn trồng sen, mọi người chỉ cần đặt chậu trồng sen ở nơi có nhiều ánh sáng mặt trời, ít nhất 6 tiếng mỗi ngày để cây quang hợp tốt.

- Trồng sen bằng bùn ao hoặc đất thịt ngâm (bùn ao sẽ tốt hơn nhưng không có bùn thì dùng tạm đất thịt ngâm cũng được)

- Bổ sung nước cho chậu sen 1 - 2 ngày/ lần.

- Bón phân: 7-10 ngày nên bón phân 1 lần, mẹ đảm dưới đây dùng Bio Soya Bio Humic, NPK

- Cắt tỉa: Cắt bỏ lá vàng, cắt sát tận chân cuống hoa héo, tàn, sâu bệnh để sen có thể nở nhiều hoa mới.

Bằng cách này, chị Phạm Thiên Trang đã trồng được 1 đầm sen đẹp ngất ngây ngay tại ban công chỉ rộng khoảng 20m2 ngay giữa lòng thành phố. Nếu bạn cũng đang thích 1 đầm sen như thế này thì thử tham khảo cách làm này xem sao nhé!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn