Vốn là thế hệ phóng khoáng cả trong suy nghĩ, quan điểm sống lẫn tài chính, Gen Z không ngần ngại chi tiêu xa xỉ cho bản thân. Theo số liệu thống kê của National Retail Federation, Gen Z ăn tiêu mạnh tay hơn các thế hệ đi trước rất nhiều.
Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa, những người trẻ không tính toán kỹ lưỡng cho các khoản chi tiêu của mình. Đặc biệt là những Gen Z trong môi trường công sở, họ sẵn sàng bỏ một số tiền lớn cho thói quen ăn uống lành mạnh, sử dụng đồ của thương hiệu lớn. Nhưng đổi lại, điều quan trọng hơn mà họ nhận được là tiết kiệm thời gian, tốt cho sức khoẻ để có “sức” kiếm tiền.
Mai Linh Chi (sinh năm 1998) hiện đang làm trợ lý Tổng giám đốc - một công việc bận rộn, cường độ làm việc cao. Do vậy, cô nàng thường không có đủ thời gian để chuẩn bị đồ ăn trong ngày. Hơn nữa, Mai Chi có thói quen ăn đồ healthy, lành mạnh nên không thể thích gì gọi nấy như đồng nghiệp.
Mai Chi
“Mình tan làm khá muộn nên rất khó để chuẩn bị đồ ăn trước cho ngày hôm sau. Mình quyết định đặt combo theo tuần tại một cửa hàng bán đồ healthy. Việc này khiến mình tiết kiệm thời gian khi phải nghĩ hôm nay ăn gì bởi nhà hàng đã lên sẵn thực đơn. Thậm chí, họ còn cân đo cẩn thận số lượng calo, chế độ phù hợp với cơ thể của mình, định lượng mỗi ngày cũng giống nhau mà món ăn lại đa dạng.
Một combo mình thường đặt có giá 350k cho 5 bữa trưa. Tính ra là 70k/ bữa, đắt gấp đôi với suất ăn ở cửa hàng cơm bình dân nhưng mình thấy xứng đáng mà. Vừa có lợi cho sức khoẻ lại tiện lợi, không tốn thời gian chuẩn bị thì không hề đắt”, Mai Chi nói.
Có chung quan điểm này, Thu Trang (chuyên viên trong mảng Marketing) cho hay: “Một bữa ăn healthy khi gọi giao đến tận nơi có giá khoảng 90k, bao gồm 1 suất cơm hoặc salad cùng với 1 đồ uống là nước ép hoặc sữa hạt, sữa chua. Cá nhân mình thấy một suất như vậy khá đầy đủ, đến chiều cũng không thèm ăn gì thêm.
Đồ ăn healthy thường có mức giá chung, theo mình thì nó không đắt. Nghĩ thử xem, mình tiết kiệm được 30 phút chế biến, 1 tiếng chuẩn bị rồi dọn rửa,... để làm các công việc khác, kiếm thêm thu nhập”.
Thu Trang
Đối với Khánh Linh (sinh năm 2000) đang làm công việc sáng tạo nội dung mảng thời trang chia sẻ: “Thông thường, bữa trưa của mình sẽ có giá từ 75k - 150k. Đồ ăn mình lựa chọn chủ yếu là sạch sẽ, lành mạnh và chắc chắn phải ngon miệng rồi. Thật ra tự nấu hay gọi ngoài cũng có giá tương tự nhau. Vậy nếu cũng phải bỏ từng đó tiền mà không cần làm gì lỉnh kỉnh, tội gì không lựa chọn điều tiện ích hơn. Suy cho cùng, đi làm kiếm tiền cũng để chi tiêu cho những sở thích của bản thân nên mình không bao giờ thấy tiếc cả”.
Những bữa ăn dù đắt đỏ nhưng đổi lại họ tiết kiệm được thời gian và tốt cho sức khoẻ
Xu hướng chung của dân công sở Gen Z hiện nay là sẵn sàng chi tiền cho những sản phẩm có giá thành cao hơn. Ví dụ cùng là một cốc cafe nhưng họ thường sẽ thích ghé những nơi sang chảnh, cửa hàng lớn hơn là một quán cóc vỉa hè.
Bởi nhiều người quan niệm, giá thành cao tỉ lệ thuận với chất lượng. Ngoài ra, các bạn trẻ cũng cho rằng, việc chi tiêu cho sở thích cá nhân để có được niềm vui thì không quan trọng đắt, rẻ.
Hoài Thanh (sinh năm 2001) hiện cũng đang bắt đầu làm các công việc văn phòng, song, cô bạn vẫn rất thoải mái trong vấn đề chi tiêu. “Có một thời gian vì mình muốn giảm cân nếu quyết định ăn uống healthy. Mỗi ngày cũng tiêu từ 70k - 150k cho bữa trưa chất lượng, chủ yếu mình sẽ đặt ở những cửa hàng có tiếng. Mình nghĩ việc chi tiền để ăn uống tại những nơi có thương hiệu lớn không phải là phung phí nếu người đó có thu chi ổn định, trong tầm kiểm soát”, Hoài Thanh nói.
Hoài Thanh
Cô bạn cũng cho biết, việc quyết định bỏ ra số tiền lớn cho ăn uống là để “mua” thêm dịch vụ, thương hiệu: “Có lúc mình cũng lựa chọn chi 80k - 100k cho một món đồ uống có thể giống hệt ở một nơi bán 20k - 30k. Mình nghĩ giá thành cao phần lớn là bởi tiền thương hiệu, ngoài ra chất lượng, dịch vụ cũng sẽ được nâng tầm hơn. Do vậy mình không nghĩ quá nhiều chuyện đắt rẻ mà ưu tiên các yếu tố khác như không gian, sự thư giãn,...”.
Khánh Linh cho hay cô cũng có thói quen mua đồ uống của những thương hiệu lớn: “Lý do đơn giản thôi là bởi mình cảm thấy hợp khẩu vị. Mình không ngại chi tiền cho những sở thích cá nhân, miễn sao cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Đương nhiên, mình cũng có tính toán để mức chi tiêu nằm trong tầm thu nhập chứ để vượt quá”.
Khánh Linh không ngại chi tiêu cho những món đồ thuộc thương hiệu lớn, có giá thành cao
“Như mình có chia sẻ, công việc của mình khá bận rộn nên khi có thời gian thư giãn, mình ưu tiên chọn những điều khiến mình cảm thấy tích cực. Việc tiêu tiền đôi khi cũng là một cách để mình giải toả căng thẳng, cải thiện tâm trạng. Và tâm lý chung khi muốn tự thưởng gì đó cho bản thân, ai cũng sẽ muốn một thứ xa xỉ mà nên mình chẳng bận tâm đến giá thành lắm đâu”, Mai Chi bày tỏ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn