Theo đó, ngày 2/12/2023, chị M. đang trên đường đi làm, qua cổng khu vực xử lý rác thải của xã Hải Hưng (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đã phát hiện cháu bé sơ sinh đặt trong túi, giữa thời tiết rét buốt, kèm theo lá thư. Bức thư viết "Tên con là An Nhiên, đẻ 14 ngày. Do hoàn cảnh mẹ không nuôi được con, mẹ xin lỗi con. Mong ai nhặt được cháu xin cưu mang cháu, nuôi dạy cháu nên người. Tôi xin cảm ơn". Ngay sau đó, chị M. đã báo cho chính quyền địa phương. Cháu bé được đưa tới Trạm y tế xã Hải Hưng để sơ cứu và tiếp tục chuyển lên Bệnh viện đa khoa Hải Hậu để chăm sóc.
Sự việc được chị M. chia sẻ lên mạng xã hội khiến nhiều người thương cảm. Khi chị M. kêu gọi sự ủng hộ, nhiều người đã lập tức hưởng ứng. Tuy nhiên, đến ngày 4/12, một người dùng Facebook nghi ngờ vụ việc, đồng thời đưa ra một số hình ảnh được trích xuất từ camera của gia đình nghi ngờ là cháu bé bị bỏ vào túi, được mẹ đẻ xách đi trên xe máy của người đàn ông chở ra bãi rác. Đặc biệt, mẹ cháu bé và chị M. có quen biết nhau từ trước. Những thông tin này khiến dư luận phẫn nộ.
Bà Trần Thị Ngoan, Chủ tịch Hội LPHN huyện Hải Hậu, cho biết: "Ngay sau khi nhận được thông tin cháu bé bị bỏ rơi, tôi đã chỉ đạo Hội LHPN xã Hải Hưng phối hợp với các ban, ngành để chăm sóc cháu bé. Tuy nhiên, 2 ngày sau, tôi nhận được thông tin vụ việc là dàn dựng và hoàn toàn không có thật". Cũng theo bà Ngoan, kết quả xác minh ban đầu cho thấy, mẹ của cháu bé tên là H., đã có gia đình và có con. Tuy nhiên, thân nhân người này khá phức tạp, sau khi có bầu đã đến chùa Linh Ứng (ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu) để ở nhờ. Trong một lần đến chùa, chị M. biết được hoàn cảnh của chị H. nên đã đưa về nhà chăm sóc cho đến khi sinh con. Sau đó, 2 người đã dựng lên màn kịch cháu bé bị bỏ rơi vào ngày 2/12 ở khu vực bãi rác xã Hải Hưng để kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng.
Chia sẻ với PV, ông Lương Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Hải Hưng, cho biết thêm: "Chị M. vốn làm nghề tắm cho trẻ sơ sinh và ở địa phương cũng chưa có điều tiếng gì. Sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện Hải Hậu đã vào cuộc và mời chị M. lên làm việc. Được biết, số tiền chị M. kêu gọi ủng hộ được hơn 90 triệu đồng, đã chuyển cho chị H. Hiện công an vẫn đang tiếp tục điều tra". Những ngày qua, nhiều người mong muốn Công an làm rõ việc có hay không chị M. cố tình dàn dựng nhằm lợi dụng tình thương của cộng đồng để vụ lợi. "Số tiền tôi ủng hộ không lớn nhưng cảm thấy niềm tin bị tổn thương, bị lợi dụng, tôi muốn nhận lại số tiền đó", chị Lan A., một người dân tại xã Hải Hưng, nói.
Nói về việc trên, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho rằng, với kết quả xác minh ban đầu cho thấy, đây là vở kịch do chị M. và chị H. dựng lên để đánh vào lòng thương hại của mọi người nhằm trục lợi từ thiện. Hành vi đưa tin sai sự thật là vi phạm pháp luật và nhận tiền cũng là sai trái. Bởi vậy hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của pháp luật, người nào bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2 triệu đồng trở lên thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự. Trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc chuyển tiền được thực hiện như thế nào với tổng số tiền 90 triệu đồng trên, làm rõ ý chí của người chuyển tiền như thế nào? Trong trường hợp người chuyển tiền từ 2 triệu đồng trở lên tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đòi tiền thì cơ quan điều tra sẽ xem xét dấu hiệu tội phạm. Trường hợp những người chuyển tiền biết hoàn cảnh thật sự của mẹ cháu bé (chị H.) và cảm thông, chia sẻ, không đòi lại tiền, vẫn giúp đỡ thì hành vi của M. và H. không nguy hiểm cho xã hội, không bị xử lý lừa đảo.
"Trong vụ việc này ý chí nhận thức, quan điểm của những người chuyển tiền cho M. là rất quan trọng, đôi khi quyết định đến việc có xử lý hình sự người nhận tiền hay không. Về bản chất pháp lý là câu chuyện trục lợi từ thiện, là gian dối để được tặng cho tài sản. Giao dịch tặng cho này có thể là vô hiệu do lừa dối trừ trường hợp người tặng cho vẫn đồng ý tặng cho tiền sau khi biết sự thật", ông Cường chia sẻ.
Trường hợp cơ quan điều tra không khởi tố hình sự thì M. và H. cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức từ 5 triệu đến 10 triệu đồng về hành vi đưa thông tin sai sự thật lên không gian mạng theo điểm a, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ- CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện. "Theo khoản 1, khoản 2 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐCP thì mức xử phạt dành cho hành vi chia sẻ thông tin sai sự thật lên mạng xã hội được quy định cụ thể như sau: 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;". Mức phạt 10-20 triệu đồng áp dụng với tổ chức, còn cá nhân vi phạm thì áp dụng 1/2 mức trên.
"Vụ việc này cần phải được làm rõ và xử lý kịp thời để răn đe, giáo dục, ngăn chặn hành vi trục lợi từ thiện xảy ra. Những hành vi trục lợi từ thiện làm suy giảm đạo đức xã hội, làm mất niềm tin vào cuộc sống và có thể trở thành hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, gây nhức nhối trong xã hội", Luật sư Đặng Văn Cường
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn