Hiện tại, bản đồ dịch bệnh Covid-19 ở Thủ đô đã đổi màu. Các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Tây Hồ đã chuyển vàng, trong khi quận Cầu Giấy trở thành vùng cam, phải đóng cửa hàng ăn uống, chỉ được bán mang về.
Theo quy định, hiện nay, dựa vào các tiêu chí, địa phương tự đánh giá mức độ dịch của mình với 4 mức: Cấp 1, 2, 3 và 4 tướng ứng với nguy cơ từ thấp, trung bình, cao đến rất cao. Từ đó, địa phương tự điều chỉnh lịch đi học của học sinh các cấp; hoạt động giao thông, vận tải; hoạt động kinh doanh ăn, uống; dịch vụ giải trí, du lịch... sao cho phù hợp với cấp độ dịch.
Chị Đinh Thị Bích Ngọc, chủ một quán ăn trên phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) cho biết, cứ đến cuối tuần là chị lại theo dõi tivi rất sát sao để xem đánh giá cấp độ dịch của thành phố. Chị Ngọc phấn khởi vì hiện quán của chị đã được mở cửa phục vụ khách hàng tại chỗ. Trước đó, khu vực này là vùng cam nên chỉ được bán mang về.
Mặc dù được bán trực tiếp nhưng nhiều người vẫn lo lắng, vẫn nhấp nhổm theo dõi xếp loại cấp độ dịch để tính toán phương án kinh doanh. Nỗi lo thường trực về tiền thuê nhà, nguyên liệu, nhân viên đã trở thành gánh nặng lớn các cửa hàng kinh doanh ở Hà Nội những ngày qua.
"Kinh doanh đồ ăn uống như chúng tôi mà bán mang về thì hầu hết là đóng cửa. Khách hàng ít, tiền trả nhân viên, tiền điện, nước không đủ. Bây giờ được mở thì vui nhưng không biết có vui được đến hết tuần không hay lại ngồi chơi", chị Ngọc lo ngại quán có thể lại đóng cửa nếu địa bàn trở lại vùng cam.
Còn ông Đinh Khang, chủ một quán lẩu trên phố Tô Hiệu (Q.Cầu Giấy) mấy ngày qua đã đóng cửa hàng vì khu vực này trở thành vùng cam. "Chính quyền yêu cầu chúng tôi bán hàng mang về nhưng bán thế thì tôi đóng cửa luôn cho xong, mở ra có mấy khách mua mang về đâu. Tuy cửa hàng đóng cửa, song tôi vẫn phải nuôi nhân viên, không dám cho họ về quê vì có khi vài ngày nữa khu vực lại "chuyển màu", lúc ấy nhân viên về quê rồi thì làm sao mở quán được", ông Khang chia sẻ.
2 tuần trước, chị Minh Hằng, (nhà ở quận Đống Đa) đã "chạy ba quãng đồng", xuống tận phố Tô Hiệu (quận Cầu Giấy) để được một bữa tất niên với bạn bè. Khi ấy, khu vực chị ở đang là vùng cam và chỉ có quận Cầu Giấy là khu vực có thể bán hàng ăn tại chỗ. Từ nhà chị Hằng đến phố Tô Hiệu khoảng 8km, đi mất hơn 40 phút do tắc đường, còn bạn bè chị ở các quận Hoàng Mai, Hà Đông phải đi hơn 10km.
"Tại thời điểm đó, các quận xung quanh như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm… đều vùng cam, hàng quán đóng cửa, muốn ngồi ăn một bữa với nhau thì đành đi cả chục cây số chứ biết làm sao!", chị Hằng chia sẻ.
Minh Thi, 25 tuổi, ở đường Láng, quận Đống Đa tự thấy mình là "số ít người may mắn nhất Hà Nội" khi sống giáp 2 quận. Khi hàng quán trên đường Láng chỉ được bán mang về, cô chỉ cần đi bộ chừng 200m sang đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy để được ngồi ăn tại chỗ. Giờ đây, khi quận Cầu Giấy đóng cửa không bán tại chỗ thì cô lại về quận Đống Đa để được ăn bún, miến, phở tại cửa hàng.
Chỉ sau vài ngày tận hưởng không khí đến trường, học sinh lớp 1, lớp 2 tại huyện Mê Linh (Hà Nội) lại tạm dừng kiểm tra trực tiếp do xuất hiện F0 trong cộng đồng.
UBND huyện Mê Linh cho biết, hơn 10.000 học sinh lớp 1, 2 tại 29 trường tiểu học trên địa bàn huyện từ 4 đến 7/1 đã tới trường ôn tập, chuẩn bị kiểm tra học kỳ trực tiếp. Thế nhưng, ngày 7/1, các em học sinh lại phải dừng đến trường do tình hình dịch bệnh một số khu vực ở Mê Linh diễn biến phức tạp, xuất hiện thêm F0. Vậy là sau một vài ngày được đến trường học sinh lớp 1, 2 tại Mê Linh tiếp tục học và kiểm tra học kỳ theo hình thức trực tuyến.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công văn số 242 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương có văn bản chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn