Dán hình kẻ sàm sỡ cô gái ở nơi công cộng: Có vi phạm pháp luật?

15:23 | 22/04/2019;
Luật sư cho biết, hành động dán hình ảnh Đỗ Mạnh Hùng (kẻ sàm sỡ cô gái trong thang máy) nơi công cộng là vi phạm pháp luật.
Mới đây, do không đồng tình với việc xử phạt ở mức 200.000 đồng với Đỗ Mạnh Hùng, kẻ sàm sỡ cô gái trong thang máy, nhiều người đã dùng hình ảnh người này dán ở nơi công cộng như một "hình phạt bổ sung".
v4_lvlm.jpg
Hình ảnh ông Hùng bị người dân dán bên trong thang máy
Thậm chí, trên mạng xã hội facebook còn rộ lên phong trào kêu gọi dán hình người đàn ông này ở các nơi mà phụ nữ, trẻ em thường lui tới.
 
Dẫu biết rằng mọi người có quyền bày tỏ quan điểm, thái độ với một sự việc, nhưng việc bày tỏ thế nào đúng quy định pháp luật lại là điều nhiều người không chú ý.
 
Để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, PV VOV.VN đã có cuộc trao đổi với luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VP luật sư Tinh Thông Luật). Luật sư Bình cho rằng, cơ quan công an xử lý hành chính Đỗ Mạnh Hùng là đúng mức phạt này được quy định tại Nghị định 167/2013 với mức xử phạt hành chính là từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
 
Luật sư Diệp Năng Bình cảnh báo, người dân có quyền bày tỏ bức xúc nhưng nên lưu ý để tránh vi phạm pháp luật.
vov_11_qaau.jpg
Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VP luật sư Tinh Thông Luật)
“Tôi mong mọi người vẫn phải tuân thủ theo pháp luật. Khi bản thân hoặc người thân bị xâm phạm thì bức xúc, phẫn nộ là những cảm xúc khó tránh khỏi. Về khía cạnh cá nhân, chính bản thân tôi cũng bất bình về việc đối tượng Hùng chỉ bị xử phạt 200.000 đồng, nhưng đối chiếu với quy định pháp luật là đúng nên chúng ta không thể nói khác được”, ông Bình nói.
 
Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh: “Hành vi sử dụng hình ảnh của Đỗ Mạnh Hùng là vi phạm pháp luật. Nếu muốn sử dụng hình ảnh của ai thì phải được sự đồng ý của người đó. Hơn nữa, dù Hùng đã có hành vi sàm sỡ cô gái, nhưng hành vi này không được coi là tội phạm hình sự, do đó không thể sử dụng hình ảnh của Hùng khi chưa được sự cho phép của người này. Kể cả có bản án kết tội người này đi chăng nữa thì cũng phải có được sự đồng ý của người bị kết án mới được đưa lên trên mạng hoặc cung cấp thông tin. Những người chế ảnh như vậy đã xâm phạm đến quyền cá nhân của đối tượng Hùng”.
hinh_anh_co_gai_bi_ep_hon_viaf_prek.jpg
Hình ảnh "cưỡng hôn" trong thang máy của ông Hùng được camera ghi lại
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình cho biết, nếu vi phạm thì theo nguyên tắc nếu có thiệt hại xảy ra, ông Hùng có quyền khởi kiện các tập thể, cá nhân sử dụng hình ảnh của mình và yêu cầu bồi thường danh dự.
 
 “Nếu người dân muốn đóng góp ý kiến cho hệ thống pháp luật thì phải yêu cầu Chính phủ sửa lại các Nghị định. Các luật sư cũng như báo chí cũng phải lên tiếng về điều này để có thể hoàn thiện hơn về chế tài trong tương lai”, luật sư Bình nói.
v5_jtvc.jpg
Không chỉ dán lên tường mà trên các trang mạng xã hội ông Hùng cũng bị người dân đăng lên
Ông Bình viện dẫn, tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 6 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 như sau:
 
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức khác, cá nhân có quyền và được tạo điều kiện góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
 
Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật.
 
Ý kiến tham gia về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo văn bản.
 
Theo Điều 32, Bộ luật Dân sự 2015, nếu tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân, người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
 

Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn