Mới đây, hình ảnh thầy giáo dùng cây gậy “giáng” vào người 1 học sinh THPT khiến em này rên trong đau đớn và nằm lăn lộn trên bàn khiến nhiều cha mẹ bức xúc. Bởi, ở lứa tuổi các con đang khẳng định mình, việc con phải nằm trên bàn và bị thầy giáo đánh trước mặt các bạn chẳng khác gì con bị sỉ nhục. Nỗi đau thể xác có thể qua đi rất nhanh, nhưng con sẽ cảm thấy bị chạm vào lòng tự trọng, xấu hổ với bạn bè, mặc cảm, tự ti với mọi người có thể khiến con đưa ra những quyết định dại dột.
Bị đánh trước mặt các bạn, con sẽ cảm thấy bị chạm vào lòng tự trọng, xấu hổ mặc cảm, tự ti. Ảnh cắt từ clip. |
Ở lứa tuổi nào cũng vậy, việc học trò bị giáo viên đánh gây ra những tổn thương tâm lý không nhỏ, khiến môi trường giáo dục mất đi ý nghĩa của nó. Đã có không ít trường hợp, khi nghe con bị giáo viên đánh, cha mẹ hùng hổ đến lớp để “xử lý” giáo viên. Họ không chấp nhận được việc ai “hành hạ” con mình, nhất là những người họ tin tưởng giao phó dạy dỗ con. Họ cho rằng, nếu không “dằn mặt”, giáo viên sẽ càng lấn tới và con họ không phải là công cụ để các thầy cô trút giận.
Nhiều người phản ứng nhẹ nhàng hơn, nhưng việc con bị giáo viên đánh sẽ khiến họ mất niềm tin vào môi trường giáo dục. Chị Hà Thanh Huệ (Bạch Mai, Hà Nội) cho biết: Một lần, con trai tôi học lớp 3 về nhà với 2 bắp chân lằn tím vết roi. Con kể, lớp con gần chục bạn bị cô giáo lấy roi vụt vào chân vì tội “lề mề, xếp hàng chậm”. Nhìn chân con tím bầm, chị vô cùng xót xa và giận điên người. Cũng may, cô giáo gọi trước, xin lỗi về hành động không kiềm chế của mình. Tôi nhắc cô, có thể phạt các con bằng hình thức khác chứ không phải để lại sự đau đớn về thể xác, sự sợ hãi về tinh thần cho con. Trong mọi trường hợp, việc đánh trẻ phải là điều nghiêm cấm và tôi không bao giờ chấp nhận chuyện thầy cô đánh học trò. Có rất nhiều cách để phạt học sinh như bắt con lao động, chép phạt… Việc xâm phạm thân thể học sinh nếu như ở nhiều nước sẽ bị xử phạt.”
Giáo viên không biết kiềm chế thì nên chuyển nghề chứ đừng làm tổn thương đến trẻ. Ảnh internet. |
Nhiều cha mẹ không chấp nhận việc con bị giáo viên đánh và sẵn sàng tìm môi trường khác cho con. “Nếu con bị đánh nặng thì tôi sẽ trao đổi với giáo viên, tìm hiểu mọi chuyện để ứng xử phù hợp. Tuy nhiên, tôi không ủng hộ việc dùng bạo lực để dạy hay răn đe trò và chắc sẽ sớm cho con tôi chuyển trường. Thân thể con là của con, không ai có quyền đụng vào. Là cha mẹ, chúng tôi cũng không có quyền được đánh con. Nên giáo viên chỉ tét vào tay con, tôi cũng không đồng ý. Trẻ đến trường là để học, chứ không phải để giáo viên đánh. Nếu không biết cách kiềm chế, giáo viên nên chuyển sang làm công việc khác. Giáo viên không chỉ dạy chữ, mà còn dạy học trò trở thành người tốt. Sẽ ra sao nếu học trò học những hành vi bạo lực từ thầy? Vì vậy, trong môi trường giáo dục không chấp nhận việc làm tổn thương học trò”, anh Nguyễn Văn Thắng (Q.5, TP.HCM) cho biết.
Đừng nghĩ, những đứa trẻ dù ở tuổi mầm non hay tiểu học sẽ dễ quên những trận đòn của giáo viên. Chị Khánh Hằng (Pháp Vân, Hà Nội) chia sẻ: "Con gái lớp 2 của tôi mới đây kể: Cô giáo luôn dạy chúng con phải thật thà, nhưng cô toàn nói dối. Cô hay lấy thước đánh các bạn và dặn cả lớp khi nào có người hỏi thì trả lời cô giáo không bao giờ đánh học sinh. Trong lớp, bạn nào nói chuyện, cô còn lấy thước đánh lên đầu, tát bốp vào má bạn. Hôm trước, con cũng bị cô giáo gõ vào đầu, đau lắm mẹ ạ. Sao cô giáo ác thế, mẹ nhỉ? Nghe xong, tôi cảm thấy “tăng xông”. Tôi gọi điện để nhắc cô “sẽ làm việc với cấp trên” khi cô tiếp tục đánh con. Trẻ con đến trường, ngoài học kiến thức, chúng phải được nhận tình yêu thương của thầy cô. Bị giáo viên đánh, sỉ nhục, trẻ sẽ tổn thương rất lớn, thậm chí ám ảnh cả tuổi thơ. Nhiều trẻ mất tự tin, sợ đến trường là vì thế. Tồi tệ hơn, trẻ sẽ nhiễm nhiều cách cư xử, hành vi xấu từ giáo viên, mất niềm tin vào người vẫn dạy dỗ trẻ mỗi ngày…”.