Dàn nhạc thính phòng gồm những người phụ nữ khiếm thị ở độ tuổi từ 15 đến 55, có trình độ học vấn âm nhạc khác nhau. Họ học cách chơi các phần âm nhạc của mình một cách riêng biệt và họ được đào tạo 2 lần một tuần. Al Nour Wal Amal là một dàn nhạc thính phòng có đầy đủ bốn phần: Bộ nhạc khí dây, gỗ, đồng, gõ.
Al Nour Wal Amal do bà Istiklal Radi thành lập với mục đích đưa những phụ nữ khiếm thị đến với thế giới âm nhạc. Cựu Chủ tịch Học viện Nghệ thuật Ai Cập (Bộ Văn hóa Ai Cập) và tiến sĩ Samha El Kholy, nguyên Hiệu trưởng Nhạc viện Cairo, cũng đã hỗ trợ việc thành lập dàn nhạc này. Tiến sĩ Samha El Kholy phụ trách giám sát kỹ thuật âm nhạc của dàn nhạc. Tiến sĩ Inas Abdeldaiem, nghệ sĩ múa nổi tiếng và là Chủ tịch của Nhà hát Opera Cairo, cũng đã phụ trách giám sát kỹ thuật từ năm 2008 đến năm 2018 khi bà trở thành Bộ trưởng Bộ Văn hóa Ai Cập. Họ đau đáu với từng số phận trong nhóm và mong mỏi sẽ có những chính sách hỗ trợ người khiếm thị.
Các thành viên trong dàn nhạc được đào tạo về âm nhạc và văn hoá. Buổi sáng, họ tham gia một chương trình giáo dục chính thức, còn buổi chiều, họ được tìm hiểu cách chơi một loại nhạc cụ của dàn nhạc. Với sự giúp đỡ của các giáo sư âm nhạc, họ được dạy về hòa âm, chữ nổi Braille và luyện thanh, luyện tai. Một trong những phần khó nhất của nhạc công khiếm thị là phải thuộc lòng bản nhạc vì việc đọc chữ nổi Braille sẽ khiến việc chơi nhạc cụ trở nên khó khăn. Thế nhưng, họ đã vượt qua thử thách này dễ dàng bằng khả năng ghi nhớ.
Với những người khiếm thị, âm nhạc càng có ý nghĩa hơn, giúp họ thể hiện đam mê, được tiếp thêm niềm tin và nghị lực sống. Dàn nhạc thính phòng Al Nour Wal Amal bắt đầu là một nhóm gồm 15 nhạc công khiếm thị. Năm 1971, bà Amal Fikry, thành viên Hội đồng quản trị của Al Nour Wal Amal, đã tổ chức buổi biểu diễn đầu tiên bên ngoài khuôn viên của Hiệp hội, tại Nhà hát Opera Cairo cũ. Sau đó, các buổi biểu diễn liên tục được tổ chức tại trường học, khách sạn, câu lạc bộ và đại sứ quán. Năm 1988, dàn nhạc thực hiện tour diễn ở nước ngoài tại Tòa thị chính nổi tiếng của Vienna (Áo).
Kể từ chuyến đi đó, dàn nhạc Al Nour Wal Amal đã có được sự công nhận quốc tế. Họ đã chinh phục khán giả ở gần 30 quốc gia tại 5 châu lục. Những gì dàn nhạc thể hiện cho thấy chính những nghệ sĩ khiếm thị là sứ giả của văn hóa, của hòa bình và âm nhạc. Những tràng vỗ tay tán thưởng thật dài của khán giả giúp các nghệ sĩ yêu cuộc sống này hơn, thêm trân trọng những gì mình đang có và muốn được cống hiến nhiều hơn.
Ngày nay, dàn nhạc đã có thế hệ thứ tư gồm học sinh và sinh viên đại học để tiếp nối con đường thành công của các thế hệ nhạc công trước đây.
Trong đại dịch Covid-19, Ai Cập đã áp đặt các quy tắc rất nghiêm ngặt về giãn cách cộng đồng và tất cả hoạt động văn hóa đã bị hủy bỏ. Do đó, các nghệ sĩ đã bị hạn chế ở nhà. Tuy nhiên, trong buổi biểu diễn tại Cung điện Manasterly ở Cairo mới đây, họ đã có một màn trình diễn hoàn hảo chỉ sau 3 tuần luyện tập. Khi lắng nghe âm nhạc từ những con tim nhiệt huyết, người nghe đều cảm thấy thăng hoa. Nghệ thuật chân chính có thể vượt qua biên giới và rào cản ngôn ngữ. Chính những suối nhạc trào dâng và câu chuyện của họ đã tạo động lực cho nhiều bạn trẻ khiếm thị khác tin vào cuộc sống.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn