Có những lúc tôi đang nấu cơm thì Khoa lặng lẽ về. Khoa đi rất khẽ, mà cũng có lẽ tôi chưa quen tiếng bước chân Khoa nên mới không nhận ra. Từ ngày cưới nhau, tôi chưa bao giờ phải chờ cơm Khoa. Những lần bạn bè rủ đi nhậu, Khoa cũng tranh thủ tạt về nhà ăn vội lưng cơm rồi mới đi. Khoa bảo: “Bụng rỗng mà uống rượu dễ say”, nhưng tôi biết là Khoa không muốn để tôi ăn cơm một mình, thế nào tôi cũng bỏ bữa, rồi nửa đêm căn bệnh đau dạ dày lại lên cơn.
Ngày trước tôi luôn nghĩ, người ta phải yêu nhau lắm mới cưới nhau, nhưng như tôi và Khoa thì tính là gì? Gần 35 tuổi, Khoa mới lấy vợ. Tôi chỉ sợ Khoa hâm, đàn ông chậm vợ dễ hâm. Số Khoa cũng khổ, bố mất sớm, nhà đông anh em, Khoa là con cả, lo hết cho các em, ngoảnh đi ngoảnh lại thì mình đã luống tuổi. Nhưng tôi cũng bị gọi là “gái già hết đát”, trong trường lũ học sinh sợ tôi nhất.
Tôi khác Khoa, tôi muộn chồng vì tôi đã dành cả thời thanh xuân tươi đẹp của mình để đợi một người. Năm nào mẹ tôi cũng giục: “Đừng chờ nữa con ạ, con gái có thì”, song tôi không nghe. Cho đến một ngày, người tôi trông ngóng cũng trở về nhưng anh ta không đi một mình mà mang theo một gia đình. Tôi lặng lẽ gói ghém lại đời mình, giấu những sợi tóc mai ngả màu trước tuổi vào trong.
Ngắm khoảng vườn xanh tươi ấy thấy trái tim mình xanh trở lại (ảnh minh họa, không phải nhân vật thật)
***
Đám cưới Khoa và tôi chật kín “thiếu nhi”. Bạn bè cô dâu chú rể ai cũng một nách hai con cả rồi. Người đàn ông ấy cũng dắt vợ đến, nhìn tôi trách: “Thế nào lại không gửi thiệp hồng cho anh?”. Tôi gượng cười, hai bàn tay xoắn xuýt vào nhau. Đêm động phòng, tôi và Khoa nhìn nhau ngượng ngùng. Lúc Khoa hôn tôi, hơi thở và mùi vị xa lạ khiến tôi suýt chút nữa đã đẩy anh ra và xô cửa bỏ chạy.
Khoa làm công nhân trong một khu công nghiệp của tỉnh. Chúng tôi thuê một căn phòng trọ cách xa nơi Khoa làm việc, nhưng gần trường tôi dạy. Hàng ngày, tôi chỉ cần bước qua đường là tới chỗ làm, còn Khoa phải dậy từ 5 giờ sáng, chạy xe hơn 40 cây số để kịp giờ đổi ca.
Sẩm tối mỗi ngày, tôi đặt hộp bìa các-tông lên chiếc bàn nhựa ngoài ban-công rồi đưa cái bếp từ lên làm chỗ nấu ăn tạm bợ, tránh cho mùi dầu mỡ bám vào phòng. Vừa nấu ăn vừa nhìn nắng tắt qua cái khe hẹp giữa hai lối nhỏ vào xóm trọ, hậu quả của việc tôi lơ đễnh là hôm thì thịt cháy, hôm thì bỏ nhầm đường vào canh, bữa khác lại cho quá tay muối. Nhưng Khoa chưa khi nào phàn nàn dẫu chỉ nửa câu. Thức ăn mặn quá, anh bảo: “Ăn mặn dễ sinh con trai”, nhạt thếch thì anh cười hiền: “Đỡ tốn nước”.
***
5 tháng sau đám cưới, tôi có bầu. Mẹ chồng như trút được gánh nặng, vì trước đó, đêm nào bà cũng nằm mộng chúng tôi vô sinh. Tôi không bị ốm nghén, ngược lại người nghén là Khoa. Mẹ tôi bảo: “Đàn ông phải yêu vợ lắm mới nghén thay vợ. Mày có phước đấy con ạ”. Tôi ngơ ngác. Sóng lòng lăn tăn gợn. Tôi chưa bao giờ nghĩ Khoa yêu tôi, có chăng chỉ là trách nhiệm của một người đàn ông với gia đình. Nhưng nhìn Khoa vật lộn với cơn ốm nghén, hễ ngửi thấy mùi thức ăn là ôm miệng nôn khan, chẳng mấy chốc mà sụt cả cân, sau Khoa lại chỉ thèm ăn bột sắn sống, cứ cầm cả vốc nhai rột rột. Mắt tôi rơm rớm nước.
Một ngày, Khoa mang về hơn chục chiếc thùng xốp để trồng rau, anh bảo: “Rau cỏ ngoài chợ nhiều thuốc lắm. Em giờ bầu bí phải cẩn thận”. Khoa bê tất cả thùng xốp lên sân thượng, hì hụi trồng đủ thứ: cà chua, rau muống, diếp cá, ớt chỉ thiên. Sáng nào cũng lạch cạch lên tưới tắm, ngày mưa thì căng bạt che chắn. Những hạt giống nảy mầm rồi mơn mởn vươn nhanh, chẳng mấy chốc đã phủ kín màu xanh khắp cả sân thượng.
Nhiều lần tôi cứ ngơ ngẩn nhìn ngắm cái khoảnh vườn mướt mắt ấy như thấy trái tim mình đang xanh tươi trở lại. Khoa đã gieo vào lòng tôi rất nhiều hạt mầm và giờ chúng đang đua nhau đâm chồi, nảy nở.