Dân phản ứng vì chính quyền "bán" Nhà văn hóa thôn, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết

15:22 | 10/01/2025;
Nhà văn hóa thôn Đầm Đa (xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) đã bị đem bán đấu giá khi chưa lấy ý kiến của người dân, dẫn đến dư luận có phản ứng. Mặc dù lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã có chỉ đạo liên quan đến sự việc này nhưng đến nay, việc lựa chọn nhà văn hoá của thôn Đầm Đa vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Ngỡ ngàng khi phát hiện nhà văn hóa thôn đã bị bán

Năm 2017, xã Cố Nghĩa và xã Phú Lão (cùng thuộc huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) tiến hành sáp nhập và lấy tên gọi mới là xã Phú Nghĩa. Trên cơ sở sáp nhập hai xã, thôn Đầm Đa (xã Cố Nghĩa) và thôn An Thịnh (xã Phú Lão) cũng được gộp làm một và lấy tên là thôn Đầm Đa. Sau khi sáp nhập, thôn Đầm Đa mới có tới 2 nhà văn hóa thôn (nhà văn hóa thôn Đầm Đa cũ và nhà văn hóa thôn An Thịnh cũ).

Hồi cuối tháng 4/2024, ông Bùi Đức Nga (60 tuổi, người dân thôn Đầm Đa) cùng nhiều người dân phát hiện một nhóm người tiến hành đào bới, di chuyển một cây tùng la hán trồng trước cửa nhà văn hóa thôn Đầm Đa. 

Đây là cây cảnh được người dân trong thôn góp tiền mua trồng để tạo cảnh quan trước khuôn viên nhà văn hóa. 

"Khi người dân truy hỏi, họ mới cho biết nhà văn hóa của thôn đã được họ mua lại. Tiền họ cũng đã thanh toán hết và làm thủ tục giấy tờ đầy đủ nên họ muốn làm gì là quyền của họ. Lúc đó, người dân chúng tôi mới biết nhà văn hóa mà chúng tôi vẫn sinh hoạt nhiều năm nay đã bị bán", ông Nga thông tin.

Cũng theo ông Nga, nhà văn hóa thôn Đầm Đa được xây dựng từ năm 2007 với tổng kinh phí xây dựng là gần 140 triệu đồng bằng tiền đóng góp của người dân và 10 triệu đồng được chính quyền xã hỗ trợ. 

Bức xúc trước việc nhà văn hóa thôn bị mang đi bán đấu giá mà chính quyền xã không thông báo cũng như không tổ chức lấy ý kiến người dân nên ngày 9/5/2024, người dân thôn Đầm Đa đã làm đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng để yêu cầu làm rõ sự việc.

"Từ đứa trẻ sơ sinh đến các cụ già đều phải đóng góp theo khẩu để có tiền xây dựng nhà văn hóa. Sau khi xây dựng, chúng tôi còn vận động bà con mua sắm trang thiết bị trong nhà văn hóa. Từ đó, nhà văn hóa là nơi chúng tôi vẫn đến sinh hoạt, gặp mặt. Thế nhưng chúng tôi lại không được biết nhà văn hóa bị bán đã hơn một năm nay", một người dân cho biết.

Theo một người dân thôn Đầm Đa, mặc dù có diện tích bé hơn nhưng do nằm ở vị trí trung tâm, khu dân cư đông đúc và khang trang, sạch sẽ nên sau khi sáp nhập, nhà văn hóa thôn Đầm Đa cũ vẫn được người dân lựa chọn làm điểm sinh hoạt văn hóa, tổ chức các sự kiện, họp mặt. 

Trong khi đó, nhà văn hóa của thôn An Thịnh cũ nằm ở xa trung tâm, không thuận lợi cho việc di chuyển của người dân; hạ tầng xuống cấp do nhiều năm chưa được tu bổ.

"Sau khi sáp nhập thôn, chúng tôi chưa được thông báo về việc chính quyền giữ lại nhà văn hóa nào và nhà văn hóa nào được xếp vào diện tài sản dôi dư nên việc sinh hoạt, tu bổ vẫn được người dân tiến hành tại nhà văn hóa cũ của thôn Đầm Đa. 

Sau khi sự việc đào cây tùng la hán hồi đầu năm xảy ra, chúng tôi mới biết nhà văn hóa thôn Đầm Đa cũ lại được xếp vào hạng mục tài sản công dôi dư và đem bán đấu giá. Điều đáng nói là cấp uỷ và lãnh đạo thôn từ năm 2019 đến năm 2024 chưa hề nhận được văn bản liên quan đến nhà văn hoá và chúng tôi cũng không ký bất cứ giấy tờ nào về việc bán đấu giá nhà văn hoá thôn Đầm Đa cũ", đại diện thôn Đầm Đa chia sẻ.

Dân phản ứng vì chính quyền "bán" Nhà văn hóa thôn, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, trong buổi tiếp xúc, đối thoại với nhân dân thôn Đầm Đa, ngày 23/12/2024 Ảnh: baohoabinh.com.vn

Chính quyền xã nói gì?

Được biết, ngày 29/8/2023, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 1966 về việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất và giao UBND huyện Lạc Thủy thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại các xã, thị trấn huyện Lạc Thủy, trong đó có nhà văn hóa thôn Đầm Đa (diện tích 268,9m2). 

Đến ngày 16/11/2023, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 2659 về việc phê duyệt giá khởi điểm để bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 8 cơ sở nhà đất thuộc UBND xã quản lý sử dụng. Trong đó, nhà văn hóa thôn Đầm Đa có giá khởi điểm gần 620 triệu đồng và đã tổ chức đấu giá lần 2 thành công.

Khi nhận được phản ánh của người dân, UBND huyện Lạc Thủy đã có Văn bản số 1232 ngày 28/6/2024 hồi đáp. Theo chính quyền huyện, chính quyền xã Phú Nghĩa đã báo cáo nhà văn hóa thôn Đầm Đa là nhà văn hóa dôi dư sau khi sáp nhập và không sử dụng nên huyện Lạc Thủy đã trình phương án và tổ chức bán đấu giá thành công và đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá theo quy định.

Trong khi đó, lãnh đạo UBND xã Phú Nghĩa cũng cho rằng, chính quyền xã đã làm đúng quy trình. Vị này cho biết, xã Phú Nghĩa mới được công nhận đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Theo quy định, nhà văn hóa kiểu mẫu phải có diện tích tối thiểu 700m2 để phục vụ các hoạt động văn hóa, thông tin của người dân. 

"Trong khi đó, nhà văn hóa thôn Đầm Đa cũ chỉ có diện tích hơn 260m2. Dù cơ sở vật chất có khang trang hơn nhưng do nằm trong khu dân cư nên việc mở rộng để đáp ứng tiêu chí chung là không thể. 

Trong khi đó, nhà văn hóa thôn An Thịnh cũ lại có tổng diện tích lên đến gần 4.000m2. Tuy cơ sở vật chất có xuống cấp theo thời gian nhưng xã đang trình huyện Lạc Thủy cấp kinh phí đầu tư xây dựng nhà văn hóa mới trên diện tích đất trên", lãnh đạo UBND xã Phú Nghĩa cho biết.

Vị này cũng thừa nhận trong quá trình triển khai, chính quyền xã Phú Nghĩa có thiếu sót khi không tổ chức họp, lấy ý kiến trong toàn dân dẫn đến dư luận có phản ứng. "Thực hiện tổ chức đấu giá, xã không tổ chức lấy ý kiến người dân là do rơi vào thời điểm trên cả nước đang xảy ra dịch Covid-19", lãnh đạo xã Phú Nghĩa lý giải.

Trước những phản ánh của người dân, ngày 23/12/2024, ông Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, cùng lãnh đạo huyện Lạc Thủy đã có buổi tiếp xúc, đối thoại với nhân dân thôn Đầm Đa. Bí thư Tỉnh ủy Hoà Bình cho biết, thủ tục thực hiện bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại nhà văn hoá thôn Đầm Đa cơ bản đảm bảo theo quy định. 

Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền huyện Lạc Thủy chưa kịp thời nắm bắt dư luận; Đảng ủy, UBND xã Phú Nghĩa chưa lắng nghe, không tổ chức tiếp xúc, đối thoại, lấy ý kiến người dân; chưa thực hiện đúng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và các hướng dẫn của cơ quan chức năng. 

Bí thư Tỉnh ủy Hoà Bình yêu cầu chính quyền huyện Lạc Thủy, xã Phú Nghĩa phối hợp, tổ chức Hội nghị lấy ý kiến công khai, minh bạch, có chữ ký xác nhận đầy đủ họ tên, thành phần tham dự, thống nhất phương án lựa chọn nhà văn hóa cho thôn Đầm Đa xong trước ngày 5/1/2025. 

Bí thư Tỉnh ủy Hoà Bình cũng đề nghị, thời gian tới, các ngành, địa phương giải quyết từng nội dung, cùng trao đổi phương án giải quyết trên cơ sở đúng quy định pháp luật; các sở, ngành, địa phương phải rà soát cụ thể vấn đề và báo cáo cấp có thẩm quyền trong thời gian sớm nhất.

Lãnh đạo UBND xã Phú Nghĩa cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên, xã Phú Nghĩa đã tổ chức họp, xin ý kiến người dân xoay quanh nội dung lựa chọn nhà văn hoá của thôn Đầm Đa. Đa số ý kiến của người dân đều mong muốn giữ lại nhà văn hoá của thôn Đầm Đa cũ làm nơi sinh hoạt. "Tuy nhiên, với nội dung này sẽ không phù hợp với tiêu chí nhà văn hoá đối với đơn vị đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện tại, chính quyền xã đang xin ý kiến và chờ sự chỉ đạo của cấp trên", lãnh đạo xã Phú Nghĩa cho biết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn