Mỗi khi có thiên tai như bão, lũ, sóng thần, họ lại chuẩn bị đồ nghề lao vào những nơi nguy hiểm nhất, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất để chụp ảnh, quay phim, đo đạc các dữ liệu khí tượng, rồi qua đó gửi thông tin cập nhật nhất cho các hãng thông tấn và các chuyên gia khí tượng thủy văn. Họ quyết định đâu là nơi cần đến để thu được các dữ liệu tốt nhất, đồng thời sử dụng thông tin có được nhằm giải đáp những câu hỏi quan trọng nhất với từng cơn bão.
Các nhà khí tượng học cố gắng tìm hiểu về những cơn siêu bão Supercell (một hiện tượng bão hiếm gặp, với những đám mây xoay liên tục theo chiều thẳng đứng kèm theo mưa đá, gió lớn và sét) cùng những cơn lốc xoáy. Họ muốn tìm hiểu cấu trúc và sức mạnh thực sự của những cơn bão, mức độ ảnh hưởng của gió và cùng với mức độ tàn phá cơ sở vật chất. Đồng thời, những nhà nghiên cứu này muốn có cái nhìn kỹ hơn về sự hình thành và đường đi của các cơn bão. Đó là đam mê của Ginger Renee Colonomos - nhà khí tượng học của Đài ABC News hay Kathryn Prociv - nhà khí tượng học và nhà sản xuất cao cấp của NBC News.
Ginger cho biết cô chọn trở thành một nhà khí tượng học bởi "Tôi đã nhìn thấy một cột nước trên hồ Michigan khi tôi lên 8... Tôi đã bị thôi miên. Tôi thực sự nghĩ đó là điều tuyệt vời nhất mà mình từng thấy". Từ ngày 2/12/2013, cô trở thành Trưởng phòng Khí tượng cho Good Morning America và biên tập viên thời tiết cho ABC News.
Còn Kathryn Prociv sinh ra ở Dayton, Ohio, Mỹ. Hồi nhỏ, cô đã bị cuốn hút bởi những cơn giông mùa hè. Sau đó, thời điểm gia đình chuyển đến khu vực Washington DC khi cô 10 tuổi, Kathryn mơ ước trở thành một nhà khí tượng học. Cô đã theo học tại Virginia Tech, nơi cô nhận được cả bằng cử nhân và thạc sĩ Khí tượng học. Kathryn dạy môn Khí tượng học ở đó và trong thời gian rảnh rỗi, cô thành lập Câu lạc bộ Khí tượng học, làm tình nguyện viên tại Cơ quan Dịch vụ Thời tiết Quốc gia Blacksburg WFO. Niềm đam mê thực sự của Kathryn là "săn bão" và năm nay sẽ tròn 1 thập kỷ cô theo đuổi nghề này.
Tại Trung tâm nghiên cứu Khí tượng Thời tiết Cực đoan ở Boulder, Colorado, cô Karen Kosiba vận chuyển thiết bị Doppler on Wheels (DOW), xe tải có gắn radar dùng để thu thập thông tin thời tiết trực tiếp từ các cơn bão, cho phép các nhà khoa học quét dữ liệu lốc xoáy và lập bản đồ 3D của gió và các mảnh vụn văng ra từ lốc xoáy. Cô Karen thường xuyên theo dõi cơn giông bão siêu mạnh hay những cơn lốc xoáy.
Nhà khí tượng học Sandy LaCorte của Dịch vụ thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) chia sẻ, khi cô còn nhỏ, một cảnh báo lốc xoáy gần nhà cô ở phía Tây Bắc Carolina đã khiến gia đình cô phải trốn trong tầng hầm. Trải nghiệm đó mang đến nỗi sợ hãi và lo lắng. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi đó cũng khiến cô muốn tìm hiểu các kiểu thời tiết, dẫn đến niềm đam mê khoa học. Sandy là một người "săn bão" và đã nghiên cứu về lốc xoáy trong một dự án tại Đại học Oklahoma. Giờ đây, cô và các nhà khí tượng học khác luân phiên theo ca để quan sát màn hình radar địa phương và theo dõi nhiều mô hình giúp dự đoán thời tiết. "Tôi thích những cơn lốc xoáy ngoài cánh đồng và tìm mọi cách đánh giá khả năng gây hại của nó. Đứng trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên, mây vần vũ, gió rít lên từng trận, sấm sét nhằng nhịt trên đầu, lúc đó, tôi cảm thấy con người thật nhỏ bé, bất lực trước thiên nhiên. Tôi cũng sợ chứ nhưng dường như cảm xúc mãnh liệt mà thiên nhiên đem tới đã làm tôi tạm quên đi nỗi sợ", Sandy chia sẻ.
Steve Pfaff, một trong những người quản lý của Sandy tại NWS, cho biết: "Một điều mà cô ấy đáng được ghi nhận là cố vấn cho các nhà khí tượng học nữ khác. Làm việc trong lĩnh vực do nam giới chiếm đa số có thể rất khó khăn nhưng Sandy vẫn thích nghi và sẵn lòng giúp đỡ người khác".
Jen Walton đã có một hành trình vất vả khi thành lập Girls Who Chase, một sáng kiến hỗ trợ, công nhận và công khai những nỗ lực của những người "săn bão" là nữ. Cô và cộng sự Melanie Metz đang xây dựng một cộng đồng dành cho trẻ em gái và phụ nữ trẻ có điều kiện khám phá thông tin. Walton cho biết các ý tưởng cho sáng kiến bắt đầu khi Instagram, truyền hình và các nền tảng mạng xã hội đều đăng ảnh thiên nhiên của các nhiếp ảnh gia nam. Girls Who Chase tìm kiếm khả năng hiển thị nhiều hơn cho những nỗ lực của những phụ nữ "săn bão". Girls Who Chase đang tạo ra một thư viện thông tin ngày càng tăng cho các nhóm tuổi khác nhau và tổ chức các cuộc họp trực tuyến thường xuyên. "Đã đến lúc chúng ta nhận được thời lượng phát sóng, sự tương tác và sự tôn trọng đối với tài năng của những người săn bão nữ", Walton nói.
Cô Ginger cho biết, các nhà khoa học nữ, bao gồm cả những người săn bão, đôi khi không được tôn trọng. Hiện Ginger đi đầu trong việc thúc đẩy lĩnh vực khí tượng học hướng tới sự bình đẳng. Còn cô Kathryn nói rằng hầu hết những người săn bão mà cô từng làm việc cùng đều là nam giới. Cô bắt đầu hợp tác cùng đội săn bão nữ Hokie từ năm 2010 khi nghiên cứu lốc xoáy ở các khu vực miền núi. "Đội săn bão nữ Hokie đang làm nhiệm vụ hết sức quan trọng để trung tâm dự báo có thể biết được các cơn bão, lốc xoáy ấy mạnh đến thế nào", Kathryn chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn