Live concert kỷ niệm 20 năm ca hát của nghệ sĩ Đăng Dương với chủ đề Mặt trời của tôi diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 15/10 là một đêm nhạc chưa từng có ở miền Bắc. Lần đầu tiên, một ca sĩ làm riêng một đêm nhạc với dàn nhạc giao hưởng đồ sộ, hoành tráng như thế.
Giọng Tenor của Đăng Đương khi kết hợp với dàn nhạc giao hưởng, với những âm vọng của các mái vòm Nhà hát Lớn, khiến dư âm đầy lên bao trùm tất thảy không gian xung quanh. Để giữa nơi ấy, giữa những con người xa lạ ấy, chỉ còn lại âm nhạc, lan tỏa, và chạm khắc nên những rung động đẹp đẽ.
Đăng Dương đã thắp linh hồn cho Mặt trời của tôi. Anh đã hát trọn vẹn những nồng nàn chắt chiu suốt hơn 20 năm hoạt động nghệ thuật của mình. Những bài ca như Hà Nội niềm tin và hy vọng, Giai điệu tổ quốc, Người chiến sĩ ấy, Người Hà Nội… được anh hát ở phần mở đầu khiến cả khán phòng ngỡ ngàng, lặng đi vì giọng hát vang sâu đến thế. Những bài hát đã ra đời mấy chục năm, đã theo anh trong những bước chân hành trình âm nhạc, gắn liền với kỷ niệm đầy đặn, khi vang lên trong liveshow riêng của anh, dành cho anh, cho riêng những khán giả mà anh gọi là “mặt trời” của anh, thật hào sảng, rộng mở, bay bổng.
Giọng Đăng Dương, vốn không cần dùng những từ hoa mỹ để bừng sáng, chỉ có thể nói rằng, đó là chất giọng âm vang đi thẳng vào tâm trí mỗi người nghe. Chỉ lặng đi mà nghe, như nghe gió thổi từ một đỉnh đồi, chỉ có gió, mà lại gợi lên vô số những ảnh hình mênh mang. Những ca khúc hào sảng, phóng khoáng ấy, nhờ có sự phụ trợ của dàn nhạc giao hưởng, càng trở nên cao, và sáng vô cùng.
Clip Đăng Dương chơi đàn bầu (Clip: T.Thảo):
Đăng Dương đã khiến khán giả phải thổn thức. Với riêng bản thân tôi, Đăng Dương ở phần 2 của đêm nhạc, trong phần Nhạc Dân gian, thực sự khiến tôi “đứng hình”. Thú thực, chưa bao giờ tôi có cơ hội được thưởng thức những ca khúc dân gian theo một cách thức tuyệt vời đến thế. Từ sự kết hợp giữa đàn bầu Việt Nam với dàn nhạc giao hưởng phương Tây, trong bản hòa tấu Se chỉ luồn kim, tôi không thể rời mắt khỏi sân khấu. Tôi dùng cả đôi tay và trái tim của mình, căng tràn lên để lắng nghe. Phần trình diễn đàn bầu do chính Đăng Dương trình bày, khiến người nghe ngạc nhiên về khả năng chơi đàn điêu luyện của anh, dù nhiều người biết anh từng có 10 năm theo học đàn bầu trước khi học thanh nhạc. Không kém giọng ca của Đăng Dương, tiếng đàn bầu của anh như tiếng hát, run rẩy vang lên, giữa muôn ngàn xúc cảm.
Bốn ca khúc còn lại, Qua cầu gió bay, Bèo dạt mây trôi, Gió đánh đò đưa, Trống cơm, đều là bốn ca khúc dân ca rất nổi tiếng của miền Bắc Bộ. Mỗi người dân Việt Nam, ai có lẽ cũng cảm thấy thân thuộc. Nhưng khi những giai điệu ấy vang lên, trên sân khấu Nhà hát Lớn, bởi Đăng Dương cùng các nghệ sĩ Hồng Vy, Duyên Huyền, Đào Mác, thì nó là một bản phối hài hòa, duyên dáng và sắc nét đến tuyệt vời. Những ca khúc dân gian được phối với nhạc cổ điển, được hát theo phong cách cổ điển, gợi mở lên những câu chuyện gần gũi như gió đưa cành trúc la đà, như tiếng chuông chiều, như tiếng hát giao duyên.... mà lại thực thanh tao, thực quý phái. Ấy là bởi sự ăn ý tuyệt vời của những người nghệ sĩ. Cùng với các ca sĩ khách mời, Đăng Dương đã thực sự thăng hoa trong những phần trình diễn này. Tôi thấy tâm hồn anh rộng mở, nôn nao, trong từng câu hát.
Đây là phần thực sự để lại quá nhiều ấn tượng cho tôi, và có lẽ rất nhiều khán giả ngồi ở khán phòng trong đêm live concert Mặt trời của tôi của Đăng Dương.
Clip Đăng Dương hát "Trống cơm" cùng các ca sĩ Hồng Vy, Đào Mác, Duyên Huyền:
Trong đêm live concert này, Đăng Dương còn biểu diễn những ca khúc thân thuộc với khán giả yêu mến anh và dòng nhạc mà anh theo đuổi như Tình em, Tự nguyện, Tình ca, Những ánh sao đêm, Khát vọng.... Những ca khúc cổ điển phương Tây rất nổi tiếng thường sử dụng trong nhiều buổi trình diễn thính phòng như Besame Mucho, Mama... cũng đã được vang lên tha thiết trong đêm nhạc.
Riêng ca khúc O Sole Mio, được viết lời Việt là Mặt trời của tôi, Đăng Dương đã bày tỏ một niềm tri ân chân thành sâu đậm tới những khán giả, những người bạn mà anh luôn tin rằng đã dành cho anh “lòng chan chứa bao ân tình”, đó là “Vầng thái dương thân yêu, với nụ cười tô thắm cuộc đời”...
Sự xuất hiện của Trọng Tấn và Việt Hoàn, ở gần cuối đêm diễn, chính là lời hồi đáp tuyệt đẹp của âm nhạc. Họ, ba người đàn ông, đã đến với nhau bởi âm nhạc, cùng thăng hoa trong âm nhạc, và trở thành những người bạn tha thiết cũng là nhờ âm nhạc. Đó có lẽ là những điều kỳ diệu mà chỉ âm nhạc, bằng tiếng hát của mình để kết nối, để xây đắp. Đúng như nhà soạn nhạc người Đức, Paul Hindemith từng khẳng định “Những người cùng nhau tạo ra âm nhạc không thể trở thành kẻ thù, ít nhất cũng trong khi điệu nhạc chưa kết thúc”.
Tôi đã nhiều lần rơi nước mắt khi đi nghe nhạc, khi nhìn những nghệ sĩ cùng hòa vào nhau để cho âm nhạc được cất tiếng. Ấy là tiếng hát đẹp đẽ nhất của cuộc đời, xua tan đi mọi xa lạ, đau đớn, tủi hờn. Tôi nhớ Beethoven đã từng nói “Âm nhạc khơi ngọn lửa trong tim người đàn ông, và dâng lệ lên mắt người phụ nữ”... Quả thực trong khán phòng đêm qua, nhiều đôi mắt đã rực sáng, lặng đi, và nhiều giọt nước mắt lấp lánh đã rơi xuống. Chạm đến khán giả bằng cách ấy, Đăng Dương cùng những người bạn đặc biệt của anh, thực đã thành công rồi.
Đêm nhạc Mặt trời của tôi chính là live concert đầu tiên trong sự nghiệp 20 năm ca hát của Đăng Dương với sự góp mặt của dàn nhạc giao hưởng 60 người dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Ha My, đạo diễn Tất My Loan, đặc biệt là sự dẫn dắt của Giám đốc âm nhạc tài danh số 1 Việt Nam – Trần Mạnh Hùng.
Live concert đánh dấu chặng đường 20 năm ca hát lần này có sự chuẩn bị kỹ càng với nhiều tâm huyết và sức lực của cả hai vợ chồng Đăng Dương – Kim Xuyến cùng êkip trong vòng hơn một năm qua. Và không phụ lại sự nỗ lực của Đăng Dương, đêm nhạc đã thành công trọn vẹn, với đầy ân tình và cảm động. Mặt trời của tôi, là rất nhiều những câu chuyện, mỗi bài hát là một câu chuyện, một tâm tình, một cảm ơn, một xao xuyến...
Clip Đăng Dương cùng các ca sĩ khách mời hát "Việt Nam trên đường chúng ta đi":