Đăng ký dự thi THPT Quốc gia: Lựa chọn môn thi thông minh

16:34 | 01/04/2019;
Lời khuyên được đưa ra đối với thí sinh dự thi THPT Quốc gia là nên chọn một bài thi tổ hợp hoặc đừng nên quá ôm đồm chọn nhiều nguyện vọng. Từ hôm nay 1/4 đến 20/4, thí sinh cả nước bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi và đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ.

Không ôm đồm khi đăng ký nguyện vọng

Ngoài những lưu ý được nêu ra tại quy chế thi THPT Quốc gia, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) - còn đưa ra nhiều lời khuyên cho sĩ tử trong quá trình đăng ký dự thi.

Theo đó, thí sinh (TS) khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi, quan trọng nhất là cách thức chọn môn thi. Theo quy chế, để xét công nhận tốt nghiệp, TS phải dự thi 4 bài, gồm 3 bài độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 1 bài tự chọn trong 2 bài thi tổ hợp.

“TS được chọn đăng ký thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là TS đã đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp bắt buộc phải thi cả 2 bài này. Nếu bỏ 1 trong 2 bài sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét tốt nghiệp” – ông Trinh lưu ý.

 

e2172225cf64263a7f75.jpg
Ảnh minh họa

Năm nay, với cách tính điểm xét tốt nghiệp mới, 70% điểm là từ bài thi THPT quốc gia nên các chuyên gia khảo thí khuyên TS cần chọn môn, bài thi để bảo đảm tuyệt đối không bị điểm liệt, điểm các môn đạt mức cao nhất. Muốn vậy, tốt nhất học sinh nên tập trung chọn 3 môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ và chỉ một bài tổ hợp theo thế mạnh bản thân.

Liên quan đến đăng ký xét tuyển, theo quy định của Bộ GD&ĐT, năm nay TS vẫn được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng (NV) nhưng đăng ký bao nhiêu NV là đủ, bởi theo các chuyên gia giáo dục, nếu không biết cách đăng ký thì dù đăng ký tới 50 NV vẫn có nguy cơ không trúng tuyển.

Một số trường ĐH cho biết, tỷ lệ TS thay đổi nguyện vọng rất cao, có trường lên đến 50%. Vẫn không ít sĩ tử đang rất lúng túng trong việc đăng ký NV xét tuyển vào ĐH nên cứ đăng ký thật nhiều. Tuy vậy, nếu không biết cách đăng ký vẫn rất dễ rớt.

Theo các trường, để đăng ký xét tuyển, ví dụ bản thân TS dự kiến điểm thi THPT được sử dụng để xét tuyển theo tổ hợp ít nhất là 20,5 điểm thì TS chọn ra 5 trường mà năm 2018 có điểm chuẩn từ 20,5 điểm đến 24,5 điểm (tương đối) mà bản thân mình thích nhất. Lưu ý trong 5 trường này phải có trường có mức điểm chuẩn năm 2018 ngang hoặc thấp hơn với điểm số hiện tại của TS này (20,5 điểm) để cơ hội trúng tuyển là chắc chắn nhất…

Không được thay đổi môn thi sau 20/4

Cũng theo ông Mai Văn Trinh, trường hợp có sai sót thông tin đăng ký dự thi hoặc bị thất lạc giấy báo thi, TS đem phiếu này và trực tiếp tới hội đồng thi tại cụm thi đã đăng ký vào buổi tập trung phổ biến quy chế để đề nghị sửa chữa sai sót và làm thủ tục dự thi.

Các đơn vị đăng ký dự thi thu phiếu đăng ký của TS từ ngày 1 đến 20/4. Sau ngày 20/4, TS sẽ không được thay đổi địa điểm thi và thông tin về bài thi, môn thi đã đăng ký.

Nhằm tránh được những sai sót không đáng có trong quá trình đăng ký tham dự kỳ thi, TS phải lưu ý nơi đăng ký dự thi được quy định rõ như sau: Đối với TS đang học lớp 12 đăng ký dự thi tại trường THPT nơi mình đang theo học. TS tự do dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT được chọn địa điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại một trong các điểm đăng ký dự thi cho TS tự do, do các sở GD-ĐT quy định.

Ông Mai Văn Trinh lưu ý một trong những thông tin quan trọng trong hồ sơ đăng ký dự thi là đăng ký ngành xét tuyển. Trong đó, phần D của phiếu này là thông tin dùng để xét tuyển vào ĐH, CĐ, TC, yêu cầu TS đăng ký các NV theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Trong bảng này, TS phải khai rõ mã trường, mã ngành/nhóm ngành, tên ngành/nhóm ngành và mã tổ hợp xét tuyển.

Một điều cần lưu ý nữa là trong hồ sơ đăng ký dự thi, bên cạnh thông tin cá nhân thì TS cần lưu ý mã ngành và mã tổ hợp xét tuyển khi khai hồ sơ. Do có nhiều thay đổi trong xét tuyển mã chuyên ngành ở các trường nên khi khai hồ sơ, TS cần lưu ý thông tin về mã ngành và mã chuyên ngành .

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn