Hỏi: Tôi vì bệnh lý nên không thể mang thai. Sau khi pháp luật cho phép mang thai hộ, vợ chồng tôi đã nhờ một người thân giúp đỡ. Nay người đó sắp sinh, xin Báo PNVN cho biết khi cháu được sinh ra, thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu được thực hiện như thế nào?
Nguyễn Thu Vân (Ninh Bình)
Trả lời: Theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch, thì:
- Người yêu cầu đăng ký khai sinh (ĐKKS) nộp giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch và văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ. Phần khai về cha, mẹ của trẻ được xác định theo cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. (Khoản 1, Điều 16 Luật Hộ tịch: Người đi ĐKKS nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;… trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật).
- Thủ tục ĐKKS được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch (Khoản 2, Điều 16 Luật Hộ tịch: Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân. Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh).
Còn nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.