Đăng ký xe phải mở tài khoản ngân hàng: Tiện một việc nhưng dễ nảy sinh nhiều phức tạp

09:25 | 12/06/2019;
"Lòng tin giữa người dân với người xử lý vi phạm vẫn còn nhiều vấn đề nên xử lý trực tiếp còn cãi nhau, còn gây khó khăn cho nhau huống hồ là xử phạt qua cách trừ tiền trong tài khoản. Được một việc (thu tiền phạt) nhưng sẽ lại nảy sinh ra rất nhiều việc khác phức tạp hơn".

Đó là chia sẻ của các chuyên gia khi bàn luận về bổ sung quy định người dân khi đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng nhằm thu tiền xử phạt vi phạm giao thông bằng cách trừ thẳng vào tài khoản mà Cục Cảnh sát giao thông (CSGT - Bộ Công an) vừa đề xuất.

Theo đó, ngày 10/6, tại Hội nghị thông tin báo chí về công tác trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2019, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT cho biết đơn vị đang nghiên cứu sửa thông tư quy định về đăng ký xe (thay thế Thông tư 15/2014 của Bộ Công an) theo hướng tăng trách nhiệm của người mua, bán xe.

 

phat-nguoi.jpg
Việc xử phạt nguội đối với người vi phạm giao thông vốn rất khó khăn, nếu buộc người dân đi đăng ký xe phải mở tài khoản ngân hàng có thể sẽ khiến sự việc càng thêm khó khăn, rắc rối. Ảnh minh họa

Một thông tin đáng chú ý và gây nhiều ý kiến trái chiều trong những ngày qua chính là việc Cục CSGT đang nghiên cứu bổ sung quy định người dân khi đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng. Mục đích của quy định này là để tiến tới xu hướng thu tiền xử phạt vi phạm giao thông bằng cách trừ thẳng vào tài khoản ngân hàng.

Xung quanh đề xuất này, có nhiều ý kiến lo ngại nếu đề xuất trên đi vào thực tế sẽ gây khó khăn hơn cho người dân và để lại nhiều hệ lụy khó tránh khỏi. Thậm chí, có thể biến một việc vi phạm hành chính (Luật Giao thông đường bộ) thành những vụ kiện cáo ra tòa.

Chia sẻ với PV, luật gia Nguyễn Thị Hương Lan (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, cần xem xét một cách thấu đáo, kín kẽ về đề xuất này. Bởi việc mở tài khoản ở ngân hàng hay không là quyền tự do của mỗi cá nhân, pháp luật không thể buộc người dân phải đi mở tài khoản ngân hàng nếu họ không có nhu cầu. Mặt khác, tiền trong tài khoản thì chỉ có duy nhất chủ tài khoản có quyền định đoạt.

 

bui-danh-lien.jpg
Chuyên gia Bùi Danh Liên lo ngại việc xử phạt bằng cách trừ tiền qua tài khoản có thể được một việc nhưng lại nảy sinh nhiều việc khác, phức tạp hơn

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, cần có quy định rõ ràng, minh bạch trong việc xử phạt để người vi phạm vừa biết lỗi của mình để răn đe, không tái phạm và phục. Phạt nguội trừ tiền là chủ quan và rút tiền, lấy tiền từ tài khoản của người khác là không đúng. Cần phải xem xét lại đề xuất này. Tài khoản ngân hàng, trong khi đó người dân ở vùng cao, vùng sâu xa chưa khi nào tiếp cận tài khoản ngân hàng, thậm chí có người còn không hiểu tài khoản ngân hàng là gì? Lấy tiền đâu mà lập?.

Không chỉ người dân mà nhiều chuyên gia cũng bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại trước đề xuất này của Cục CSGT. Chia sẻ với PNVN, chuyên gia Bùi Danh Liên (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội) cho rằng, cần có lộ trình dài hơi thì mới thực hiện được, nếu không sẽ có rất nhiều hệ lụy.

Ông Bùi Danh Liên cho rằng, thanh toán qua thẻ thay vì trả tiền mặt là xu hướng văn minh và nhiều nước đang thực hiện. Ủng hộ sự tiên tiến nhưng nó phải phù hợp với thực tiễn và không gây khó khăn cho người dân.

“Xử phạt bằng cách trừ tiền trong thẻ sẽ rất khó, khi phạt người lái xe phải có lỗi, có hình thức lập biên bản… đảm bảo sự minh bạch. Người có lỗi bao nhiêu xử phạt bấy nhiêu. Trong khi trình độ cảnh sát giao thông của chúng ta cũng chưa tiên tiến. Từ xử phạt hành chính vì vi phạm giao thông rất dễ xảy ra những kiện tụng liên quan đến vụ án dân sự, kiện tụng nếu xử phạt không đúng người, đúng hành vi. Khi đó giải quyết hậu quả rất phức tạp”, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội phân tích.

Ông Bùi Danh Liên cho rằng, đề xuất này có thể sẽ là một hướng trong tương lai. Và nó chỉ có thể thực hiện được khi trình độ quản lý, kỹ thuật, trình độ của người thi hành công vụ chuẩn mực, minh bạch.

“Chứ như hiện nay, lòng tin giữa người dân với người xử lý vi phạm vẫn còn nhiều vấn đề. Xử lý trực tiếp còn cãi nhau, còn gây khó khăn cho nhau huống hồ là xử phạt qua cách trừ tiền trong tài khoản. Khi đó, không biết vấn đề sẽ đi đến đâu. Được một việc (thu tiền phạt) nhưng sẽ lại nảy sinh ra rất nhiều việc. Thế nên, tôi cho rằng đồng tình về phương hướng, nhưng cần phải có lộ trình, có sự chuẩn bị thật chu đáo, kỹ càng và kín kẽ thì mới thực hiện, tránh gây khó khăn thêm cho người dân”, chuyên gia Bùi Danh Liên nhấn mạnh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn