Đắng miệng là triệu chứng đường tiêu hóa khá thường xuyên xảy ra, tuy nhiên khi nhắc đến "đắng miệng là gì" thì lại không có nhiều người hiểu cụ thể về tình trạng này.
Đắng miệng là khái niệm dùng để chỉ sự thay đổi về cảm nhận vị giác ở người bệnh. Triệu chứng này thường kéo dài dai dẳng và gây nhiều khó chịu cho người bệnh và chỉ được giải quyết khi nguyên nhân gây ra nó được điều trị khỏi.
Đắng miệng thường là nguyên nhân khiến người mắc cảm thấy mất ngon miệng trong ăn uống, mất tập trung trong cuộc sống,... Triệu chứng này thường không phải là một biểu hiện duy nhất của bệnh lý gây nên nó, mà tùy thuộc vào nguyên nhân gây đắng miệng là gì mà người bệnh sẽ có các triệu chứng kèm theo khác nhau.
Đắng miệng không phải là một triệu chứng quá nguy hiểm tại đường tiêu hóa, nó chỉ khiến bệnh nhân cảm thấy ăn uống kém ngon miệng. Tuy nhiên, đắng miệng lại có thể là biểu hiện của một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, tùy thuộc vào nguyên nhân gây đắng miệng là gì.
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng đắng miệng ở người bệnh, những nguyên nhân phổ biến nhất có thể kể đến như:
- Khô miệng: Những người bị khô miệng thường mô tả kèm theo triệu chứng khô miệng của họ là cảm giác đắng miệng.
Điều này bởi vì nước bọt ngoài chức năng tiêu hóa còn có tác dụng sát khuẩn, khi bị khô miệng khiến vi khuẩn sinh sôi nhiều hơn tạo điều kiện cho đắng miệng xuất hiện.
- Các vấn đề về nha khoa: Một số bệnh lý răng miệng như viêm nướu, sâu răng, nhiễm trùng,.... ngoài gây nên các biểu hiện chính của bệnh thì còn có thể gây nên tình trạng đắng miệng ở người bệnh.
- Mang thai: Sự biến đổi hormon khi mang thai có thể khiến thai phụ bị thay đổi vị giác, thể hiện bằng đắng miệng hoặc một số cảm giác khác. Tuy nhiên, sau khi sinh con tình trạng này thường mất đi nhanh chóng.
- Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) : Trào ngược dịch vị từ dạ dày lên các phần cao hơn của ống tiêu hóa có thể gây nên cảm giác đắng miệng ở bệnh nhân GERD. Đi kèm với đắng miệng, bệnh nhân còn có thể gặp ợ nóng, ợ chua, nôn hoặc buồn nôn, ho,....
- Nấm miệng: Sự phát triển của nấm ở khoang miệng có thể gây nhiều biểu hiện khác nhau, trong đó đắng miệng là triệu chứng hay gặp. Đắng miệng chỉ có thể được giải quyết đến khi tình trạng nhiễm nấm được loại trừ.
- Căng thẳng, lo lắng: Các yếu tố tâm lý như lo lắng hay căng thẳng ở người bệnh cũng có khả năng gây nên cảm giác đắng miệng cho bệnh nhân.
- Thuốc: Đắng miệng cũng có thể là hậu quả gây nên bởi tác dụng phụ của một số thuốc sử dụng, chẳng hạn như các thuốc kháng sinh, thuốc tim mạch, thuốc chứa kim loại,....
Bên cạnh đó, khi đề cập đến nguyên nhân gây đắng miệng là gì ta còn có thể kể đến rất nhiều nguyên nhân khác như hội chứng miệng bỏng rát, điều trị ung thư, một số bệnh tật quanh khoang miệng,...
Đắng miệng không phải là một bệnh mà nó là một triệu chứng của bệnh, do đó phương pháp điều trị đắng miệng được áp dụng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây đắng miệng là gì. Khi điều trị được bệnh lý nguyên nhân thì tình trạng đắng miệng sẽ tự động được đẩy lui.
Tuy nhiên trong khi chờ đợi hiệu quả của các phương pháp điều trị đắng miệng, bệnh nhân có thể áp dụng một số cách sau để giảm đi tình trạng đắng miệng của bản thân:
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hằng ngày bằng kem đánh răng, chỉ nha khoa và nước sát khuẩn.
- Nhai các loại kẹo cao su không đường để tăng lượng nước bọt trong miệng.
- Uống nhiều nước hơn.
- Tránh sử dụng các loại thức ăn có khả năng gây trào ngược xảy ra như đồ ăn cay nóng, rượu bia,...
- Thêm baking soda vào nước súc miệng.
Có thể thấy rằng, đắng miệng không phải là một triệu chứng nguy hiểm, nhưng nó có thể là báo hiệu cho một tình trạng nguy hiểm đang diễn ra. Tùy thuộc nguyên nhân gây đắng miệng là gì mà sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau, vì vậy nếu đắng miệng xảy ra kéo dài hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng phương pháp.
Nguồn dịch:
https://www.medicalnewstoday.com/articles/321175.php#outlook
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn