Đằng sau vinh quang của những nữ nhà báo

10:11 | 07/08/2015;
Với mỗi nữ nhà báo, đằng sau vẻ ngoài năng động, quảng giao, hay những giải thưởng tôn vinh trong nghề như mọi người thường thấy, là những vất vả, trăn trở, thậm chí là hy sinh.

 Nhà báo Tuyết Ánh trong một lần tác nghiệp

 

Con sốt mẹ vẫn chạy lo kịp tin bài

Đối với nhà báo Trần Thị Tuyết Ánh, báo Đầu tư, loạt bài “Môi trường kinh doanh không bóng dáng nhiệm kỳ” đoạt giải C giải Báo chí Quốc gia như một sự ghi nhận những nỗ lực, cống hiến trong quá trình gắn bó với nghề hơn 20 năm qua. Chị Ánh cho rằng với môi trường báo chí ngày càng cạnh tranh khắc nghiệt, không có chỗ đứng cho tư tưởng “tôi là phụ nữ, được ưu tiên hơn”.

Kể về nghề, chị vẫn nhớ như in những ngày phải đứng trước áp lực hạn chót nộp bài, lại nhận được tin con nhỏ đang sốt ở nhà. Những lúc như vậy, người phụ nữ rất mạnh mẽ cũng cần sự chia sẻ, động viên, hỗ trợ của người chồng. Chính sự chia sẻ bằng những công việc cụ thể, như vợ nấu cơm, chồng rửa bát cũng tạo ra “chất keo” hạnh phúc trong gia đình. Chồng chị làm kinh doanh, trong khi đặc thù nghề báo là không theo thời gian hành chính, lại quảng giao, gặp nhiều đối tượng khác nhau, vì thế trong gia đình rất cần sự tin tưởng. Chị Ánh chia sẻ: Vợ chồng khác nghề, cùng tôn trọng nghề nghiệp của nhau, nhưng không có nghĩa là “việc anh, anh làm”. Hằng ngày, chị vẫn giữ thói quen chia sẻ chuyện nghề, kể về việc gặp người này, phỏng vấn người kia. Điều đó như là “vaccine” phòng ngừa những rạn nứt không đáng có trong gia đình.

Vì áp lực bài vở nên thường xuyên phải “đi sớm về khuya”, song chị Ánh không vì thế mà để con cái phải chịu thiệt thòi so với chúng bạn. Chị chia sẻ: “Nghề nghiệp có thể lấy đi rất nhiều thời gian, nhưng lại cho mình những cách dạy con từ những câu chuyện rất thật và luôn hướng con đến sự tự lập. Đồng thời, cũng không quá cầu toàn, không tự tạo áp lực cho chính mình là phải dành 100% sức lực để chăm sóc con cái”. Dù đi công tác dài ngày ở đâu thì chị cũng luôn gọi điện về trò chuyện với 2 con. Chị kể, con trai lớn đã 13 tuổi, trong những bài văn viết về mẹ, câu đầu tiên bao giờ cũng là “mẹ em là nhà báo” một cách đầy tự hào.

Bản thân mỗi nữ nhà báo, theo chị Ánh, dù mạnh mẽ, năng động, quyết liệt trong từng bài viết như mọi người vẫn nhìn thấy, thì trước tiên họ vẫn là người phụ nữ, người vợ, người mẹ trong gia đình với vô vàn lo lắng đan xen.

Lặn lội, đấu tranh đến cùng

Nguyễn Hoài (Báo Tiền phong) rất bất ngờ khi hay tin mình đoạt giải Khuyến khích Giải báo chí Quốc gia lần IX năm 2014 cho loạt bài “7.000 lít hóa chất siêu độc bên bờ Vịnh Hạ Long” khởi đăng từ ngày 8/8/2014.

Sau khi phát hiện ra đề tài, nữ phóng viên trẻ này mau chóng lặn lội xuống Quảng Ninh. Điều tra, nắm bắt thông tin, tư liệu, Hoài phát hiện: Chất độc này chỉ đứng sau Dioxin, đã tồn tại hơn 7 năm cảng Cái Lân, sát vịnh Hạ Long. Điều kiện bảo quản lại không được tốt, nguy cơ tràn đổ hóa chất độc hại ra môi trường khi gặp giông, lốc, sét là rất cao. Cô chia sẻ: “Việc đưa 7.000 lít hóa chất này ra khỏi vịnh Hạ Long là vấn đề không thể chần chừ thêm nữa và phải đấu tranh cho đến khi các cơ quan chức năng đưa ra khỏi vịnh Hạ Long mới thôi”. Hoài cho biết thêm: “Khi triển khai loạt bài, lúc đó tôi không nghĩ đến giải thưởng. Đơn giản đây là một đề tài hay, cần phải đi đến cùng sự việc”. Trong 1 tuần liền, hầu hết các bài về vụ việc đều là bài trung tâm của số báo, được bạn đọc rất quan tâm.

Theo Hoài, sự mềm mại, nhẹ nhàng của nữ phóng viên đôi khi là một lợi thế không hề nhỏ. Trước câu hỏi liệu có cảm thấy khó khăn, vất vả trước áp lực nghề nghiệp, Hoài cười: “Tôi mới vào nghề được 4 năm, vẫn đang yêu và “hăng” với nghề lắm”. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn