Theo đánh giá thu thập từ 69 nghiên cứu từ các quốc gia Mỹ, Canada, Trung Quốc, Colombia, Hy Lạp, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh, các hình phạt thân thể như đánh đòn không thể cải thiện hành vi tích cực của trẻ. Ngược lại, điều này còn ảnh hưởng xấu đến hành vi xã hội và sự phát triển của trẻ sau này.
Nghiên cứu được công bố trên tạp san khoa học The Lancet vào hôm thứ 2 (28/6/2021). Tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư Elizabeth Gershoff tại Đại học Texas (Mỹ) cho biết, các hình phạt về thân thể chẳng hạn như đánh đòn, có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển toàn diện và hạnh phúc của trẻ em.
"Các bậc cha mẹ thường đánh đòn con trẻ mỗi khi chúng mắc sai lầm vì nghĩ rằng đó là một hình thức trừng phạt hiệu quả, giúp trẻ không phạm lại sai lầm sau này. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy điều này hoàn toàn ngược lại", giáo sư Gershoff cho biết.
Một số hành động trừng phạt thân thể được kể đến bao gồm đánh đòn, tát vào mặt, ném đồ vật vào trẻ, đe dọa hoặc dùng những lời lẽ răn đe nặng nề đối với trẻ. 13 nghiên cứu chỉ ra, đánh đòn và các hình phạt thân thể khác có thể dẫn đến sự gia tăng hành vi hung hăng, chống đối xã hội hoặc gây rối trong trường học theo thời gian.
Bài đánh giá cũng cho thấy, điều này xảy ra tương tự đối với trẻ em ở bất kỳ dân tộc, giới tính hay chủng tộc. Một nghiên cứu được thực hiện ở Colombia cho thấy, những trẻ em bị trừng phạt thể chất có "ít kỹ năng nhận thức hơn" so với những trẻ không bị trừng phạt về thể chất.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy tỉ lệ và tần suất bị trừng phạt về thân thể tỉ lệ thuận với khả năng trẻ xuất hiện các hành vi tiêu cực chẳng hạn như nóng nảy, gây rối hoặc thậm chí chống đối.
Theo UNICEF, tính đến năm 2017, khoảng 63% trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 4 tuổi (khoảng 250 triệu trẻ em) sống ở các quốc gia cho phép đánh đòn và thường xuyên bị người chăm sóc trừng phạt về thể xác.
Tuy nhiên, gần đây, tình trạng phạt trẻ em bằng các hình thức trừng phạt thân thể đã có dấu hiệu giảm dần. Nghiên cứu cho thấy khoảng 50% phụ huynh đánh đòn con cái vào năm 1993, nhưng đến năm 2017, con số này giảm xuống còn 35%. Tuy nhiên, 35% vẫn còn quá cao so với tiêu chuẩn năm 2018 do Học viện Nhi khoa Mỹ đặt ra.
Theo Hiệp định Toàn cầu về Chấm dứt Bạo lực Đối với Trẻ em, trên toàn thế giới đã có 62 quốc gia cấm trừng phạt thân thể đối với trẻ em và 27 quốc gia khác đã cam kết với hiệp định này.
Trẻ em có quyền tự do và được bảo vệ khỏi trừng phạt thân thể và các hình thức trừng phạt tàn bạo khác. Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em năm 2006 đã đề cập việc bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực như một "mục tiêu phát triển bền vững".
Học viện Nhi khoa Mỹ đã đề xuất một số phương pháp khác giúp cha mẹ khiến con nhận ra lỗi sai mà không cần phải đánh đòn trẻ. Những phương pháp này thường nhắm vào nhu cầu và những gì trẻ mong muốn trong từng độ tuổi.
Chẳng hạn như cha mẹ có thể tước quyền sử dụng đồ chơi hoặc những món đồ khác của trẻ như một hình phạt. Những phương pháp này phụ thuộc vào từng độ tuổi khác nhau của trẻ. Ví dụ, trong 5 năm đầu tiên, trẻ em cần tình yêu thương và sự chú ý của cha mẹ. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ có thể phạt chúng bằng cách đánh vào những điểm này.
Ngoài ra, đối với trẻ ở độ tuổi lớn hơn, trẻ cần học cách chịu trách nhiệm với những hậu quả do hành vi của mình gây ra. Chẳng hạn, vì trẻ không dọn dẹp đồ chơi, cha mẹ có thể để chúng biết rằng, chúng cần phải dọn dẹp trước khi có thể tiếp tục chơi.
Hơn nữa, thanh thiếu niên cũng cần phải học thông qua hậu quả của những hành vi của mình. Tuy nhiên, cha mẹ hoặc người chăm sóc sẽ là "đầu mối" giúp trẻ nhận ra những hậu quả và cách giải quyết thích hợp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn